Phàm, khi muốn thuyết phục ai, thói quen suy nghĩ của chúng ta là thu thập và sắp xếp các lập luận sao cho logic, chặt chẽ, không thể phản bác (reasoning). Khi tiếp cận đối tượng là ta ra sức "nhả ngọc phun châu". Sự "thỏa mãn" được thể hiện qua "người khác khuất phục, chấp nhận những gì chúng ta nghĩ, những gì chúng ta muốn".
Đó là một thói quen không tốt cho chúng ta, và cả người khác, từ người thân trong gia đình, đến đồng nghiệp, đối tác…
Khi đứng trước một vấn đề trong cuộc sống hay công việc, mỗi người chúng ta thường có sẵn những định kiến (prejudgement), phán xét, và quan điểm về những vấn đề đó. Nó liên quan đến nhiều yếu tố: nhận thức, thái độ, hiểu biết, thông tin và bối cảnh sống của mỗi người chúng ta.
Thuyết phục người khác không có nghĩa là cố gắng áp đặt quan điểm của chúng ta cho người khác, mà còn cho chính chúng ta cơ hội thuyết phục chính mình, cho chúng ta thay đổi chính quan điểm, định kiến của mình. Và quan trọng là chính chúng ta nhận ra những phán xét của mình nó đang bị thiên lệch, tiêu cực như thế nào.
Cố chấp là thuộc tính thuộc về bản ngã của con người. Theo Phật giáo, đó là cội nguồn của khổ đau. Nó không chỉ tạo ra khổ đau cho chính chúng ta, mà còn tạo nên đau khổ cho người khác. Từ đó làm suy giảm chất lượng cuộc sống của chúng ta. Và quá trình thoát khỏi khổ đau là một quá trình tự nhận thức bản thân mình, chứ không ai làm thay được chúng ta được.
>>> Ví dụ 1:
Hai vợ chồng tranh cãi về việc cho con học trường quốc tế hay trường công.
Mỗi người đều có sẵn những phán xét cho việc này, nếu chẳng may không có sự tương đồng, ví dụ chồng muốn học trường công, vợ muốn học trường quốc tế.
Chuyện gì sẽ xảy ra?
Chồng cố gắng tìm kiếm chứng cứ và lập luận để phản bác trường quốc tế, tương tự vợ cũng công kích trường công.
Trong gia đình, chúng ta thường xuyên chứng kiến những xung đột quan điểm kiểu như vậy. Và ông bà ta thường khuyên “một câu nhịn chín câu lành”. Nghĩa là trong những tình huống buộc phải lựa chọn thì giữa vợ và chồng phải có 1 người nhịn và nhường. Tuy nhiên, việc nhường nhịn này có dẫn đến một sự tích tụ những bất mãn và đến lúc nào đó “không có lửa sao có khói” hay không?
Thử hình dung, nếu như chúng ta không mang sẵn những định kiến trường quốc tế trường công, chúng ta nên bắt đầu với nhau bằng những câu hỏi:
- Những tiêu chí cụ thể nào của một trường học là phù hợp với con chúng ta? Nên khơi gợi để đưa ra tiêu chí thật cụ thể như: có chương trình anh văn nâng cao, có bộ phận quản lý thực phẩm tiêu chuẩn, có nhà bếp đúng chuẩn một chiều, có vệ sinh máy lạnh định kỳ, có bộ phận an ninh và an toàn làm việc thực chất…, không chung chung kiểu như nổi tiếng, chất lượng tốt, khang trang…
- Tuy nhiên, câu hỏi như trên có thể dẫn đến sự mong lung, chúng ta có thể thu hẹp phạm vi liệt kê bằng câu hỏi ngược lại: điều tệ hại gì của một trường học mà tuyệt đối cần tránh khi đưa con mình vào đó, cụ thể như: toilet rất dơ, thầy cô suốt ngày bóng gió chuyện tiền bạc, hiệu trưởng không quan tâm đến an toàn, an ninh…
- Việc còn lại là hai vợ chồng đi thu thập các minh chứng để xác nhận các tiêu chí cùng thống nhất. Từ đó sự thống nhất trong quyết định sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Khi chúng ta đặt những câu hỏi hướng đến mục tiêu mong muốn cho con chúng ta có một môi trường giáo dục an toàn chất lượng, và cùng trả lời những câu hỏi đó là quá trình chúng ta xác lập các quan điểm chung, từ đó tạo cơ hội cho mỗi người buông bỏ những định kiến, phán xét riêng. Có được quan điểm chung thì vấn đề mới được giải quyết gốc rễ. Chứ không phải nhường nhịn, hay gia trưởng là giải pháp tốt.
Đến đây, tự dưng chúng ta sẽ thấy việc tranh luận trường quốc tế, trường công sẽ trở nên lãng xẹt, không cần thiết. Thậm chí, nếu chúng ta say sưa tranh luận dẫn đến gay gắt, con chúng ta không có được một lựa chọn tốt mà gia đình bất hòa, xào xáo.
Xác định sai vấn đề để tranh luận là phổ biến trong cuộc sống, nó tạo nên bởi tâm trí chúng ta không thoát ra được định kiến.
Dẫn dắt bời những câu hỏi để xác định cho đúng vấn đề, để hiểu quan điểm, và xác lập những quan điểm chung là một kỹ năng quan trọng. Nó giúp cho chúng ta và những người xung quanh chúng ta sống an lạc hơn.
Ví dụ 2:
Trong công việc. Phòng marketing một bệnh viện có 2 “phe” tranh luận nhau, trong y tế có nên dùng mạng xã hội để làm truyền thông không? Phe nào cũng ra sức lập luận, và thậm chí công kích, đả kích làm tổn thương nhau. Chúng ta thường thấy cảnh tượng này trong môi trường làm việc.
Để “phân thắng bại”, họ đã đề nghị tôi trả lời câu hỏi “y tế nên hay không nên làm truyền thông thông qua mạng xã hội”, như một trọng tài khách quan.
Nếu tôi trả lời câu hỏi này, tất cả chỉ làm trầm trọng thêm tình hình, không giải quyết định chuyện gì. Nếu yes/no, chỉ châm dầu vào lửa, nếu trả lời “phân hai” đúng đúng sai sai thì càng tào lao hơn, vì người ta đang cần giúp họ giải quyết vấn đề. Anh trả lời mà chả giúp ai giải quyết được chuyện gì thì người ta chỉ xem anh là “thằng ba phải”.
Trong đầu tôi lúc đó thầm nghĩ “họ đã xác định sai vấn đề tranh luận, việc mình cần làm là giúp họ xác định đúng vấn đề, và thiết lập các quan điểm chung”. Nên tôi đã bắt đầu bằng hàng loại câu hỏi:
- Ai là khách hàng mục tiêu của chúng ta?
- Hành vi tìm kiếm thông tin y tế của nhóm khách hàng mục tiêu của chúng ta thế nào?
- Chúng ta muốn truyền thông đến khách hàng mục tiêu những nội dung gì?
- Phương tiện nào hiệu quả nhất để tiếp cận truyền thông nội dung đến họ.
Khi phòng marketing bệnh viện cùng thảo luận những câu hỏi này. Thì họ không còn tranh luận với nhau nữa, và biết phải cùng nhau làm gì.
>>> Mindful Judgement
Điểm cốt yếu trong quá trình thuyết phục là làm rõ các quan điểm và cùng chia sẻ những quan điểm mà chúng ta có thể có được để giải quyết được vấn đề. Quá trình thuyết phục không phải là quá trình thắng thua, mà là quá trình tìm kiếm những hành động chung cho những vấn đề mà chúng ta đang đối diện. Ai thắng ai thua không có ý nghĩa gì khi vấn đề không được giải quyết.
Nên nhớ rằng, điều chúng ta mong muốn là “thay đổi tình hình mà chúng ta không muốn thấy”.
Tranh luận, gay gắt, rất dễ dẫn đến cảm xúc cực đoan, khi không thể kiểm soát được cảm xúc thì đả kích nhau là chuyện “lời nói thốt ra, không hốt lại được”.
Nhưng nghiêm trọng hơn là nó dẫn chúng ta đi đến những tranh luận không giải quyết được vấn đề, mà còn mất lòng nhau.
Đôi khi chúng ta cần phải biết “né tránh” vấn đề tranh luận, khi chúng ta phát hiện đó không phải là vấn đề.
Việc chúng ta cần làm là xác lập lại vấn đề, nghĩa là “rốt cuộc” chúng ta muốn điều gì, có cần thiết tranh luận chuyện đó không. Bằng những câu hỏi để xác lập lại vấn đề, chúng ta sẽ thoát khỏi định kiến, hạ nhiệt cảm xúc cực đoan, và tìm kiếm quan điểm, tiếng nói chung. Khi đó, vấn đề mới thật sự được giải quyết.
Chúc thành công.