1. Đúng / Sai; Tốt / Xấu; Hay/dở; Giỏi/Yếu.
Những cặp từ mang tính chất phán xét là đại kỵ
của một người làm quản lý. Những câu đại loại như: Chị trình bày sai rồi. Anh
nói đúng rồi. Chị này tốt, anh kia sao quá tệ…là những từ ngữ nói ra thì nhẹ
nhàng như một thói quen, nhưng như phóng dao vào tim người khác. Không nhất
thiết phải dùng ngôn ngữ nặng nề để gây thù chuốc oán như vậy (khẩu nghiệp).
Làm quản lý không có sứ mệnh minh định trên
đời này chuyện gì đó đúng hay sai. Quản lý là một quá trình đi tìm kiếm sự phù
hợp. Quản lý cần phải ra quyết định. Nhưng chúng ta không ra quyết định dựa
trên sự đúng/sai, mà ra quyết định dựa trên sự phù hợp với bối cảnh. Lý do rất
đơn giản, đi tìm sự đúng sai đôi khi rất mất thời gian! Nhưng để làm gì? để
giải quyết được chuyện gì?. Giải quyết vấn đề là đi tìm giải pháp phù hợp bối
cảnh, không phải là đi chứng minh chuyện gì đó đúng sai. Ra quyết định là một
sự chọn lựa, không phải là một sự minh định.
Cho nên ta cần thay đổi thói quen dùng những
cụm thiên về phán xét, thành những cụm từ thiên về mở rộng bối cảnh, mở rộng
gốc nhìn (critical thinking). Một vài câu nên dùng: Nhận định này của anh/chị
phù hợp với bối cảnh nào, không phù hợp với bối cảnh nào?; chúng ta có bỏ sót
điều gì hay không?; lựa chọn này đã là phù hợp nhất chưa?; trong rất nhiều ý
tưởng đưa ra, chúng ta thấy ý kiến nào phù hợp nhất?; tối quyết định việc này
dựa trên những tiêu chí sau,…vì tôi nhận định nó phù hợp hơn cho bối cảnh của
chúng ta hiện nay”. Chúng ta thay thế một sự phán xét của mình (tạo nghiệp)
thành một câu hỏi gợi mở để tự ai đó nhận ra suy nghĩ của mình chưa phù hợp sẽ
tốt hơn cho người lãnh đạo.
Trong bối cảnh đổi mới sáng tạo. Ý tưởng được
xem là một nguồn tài nguyên. Ý tưởng không tự dưng sinh ra, đó là kết quả của
một quá trình tương tác. Và phán xét là kẻ thù số 1 của ý tưởng, bởi nó sẽ cắt
đứt tất cả các mối liên kết cộng hưởng để tạo ra một ý tưởng có thể dùng được.
Thay vì phán xét “ý tưởng này hay, ý tưởng kia tệ”, chúng ta cần “ý tưởng này
nghe thú vị đấy, nó rất khác biệt, thử suy nghĩ thêm đi”. Khuyến khích người
khác suy nghĩ là cách mà một tổ chức bồi tụ nguồn lực vô biên với chi phí thấp
nhất.
Thay vì phán xét như một thói quen (để tạo
nghiệp), ta cần hỏi để khai sáng cho nhau. Không ai không muốn đi với người
khai sáng cho mình. Chẳng ai mong muốn đi với người làm mình ngày càng mất tự
tin.
2. KHÓ.
“Khó” là một từ tuyệt đối phải loại bỏ trong
ngôn ngữ của nhà quản lý. Kinh doanh luôn đối đầu với khó khăn, đó là một hiển
nhiên. Nói theo ngôn ngữ đường phố “dễ ăn quá thiên hạ giàu hết rồi”. Quản lý
là người hun đúc động lực cho người khác dấn thân vào những vấn đề phức tạp,
chưa có tiền lệ, và tìm ra những giải pháp đột phá. Với bất kỳ tình huống nào,
buộc miệng nói một câu “khó quá”, đồng nghĩa làm suy giảm ý chí dấn thân cho
những con người bên cạnh. Nên thay thế từ “khó” thành những cụm từ kích thích
động lực hơn: đây là vấn đề tương đối phức tạp, nhưng nó đáng để chúng ta dành
trí tuệ để giải quyết; chúng ta thấy vấn đề này phức tạp là bởi chúng ta chưa
đủ thông tin và kiến thức, đừng để ai đó tước đi cơ hội giỏi hơn chúng ta; rất
nhiều người mong đợi chúng ta không giải quyết được vấn đề phức tạp này, chúng
ta là người ơn của họ.
Đời người thấy khó quay đầu bỏ chạy thì cả đời
không làm được bao nhiêu việc. Doanh nghiệp cũng vậy, đôi khi thấy phía trước
như một cái núi khổng lồ không bao giờ leo qua được. Nhưng giật mình khi nghĩ
rằng, mình không leo, thằng khác nó mà leo được, tới lúc đó ngồi đó mà tức “ủa
lúc trước nó cũng như mình mà”. Không một công ty nào có thể tồn tại nếu lãnh
đạo là người “khó quá bỏ qua”, trừ khi doanh nghiệp đó được tài trợ bởi nguồn
tiền vô tận của dân chúng.
Tuy nhiên, cũng không phải lên dây cót bằng
những cụm từ sáo rỗng là hay: chuyện gì cũng có cách giải quyết, chúng ta phải
tự tin; có đi mới có đường, không đi thì không đến... Triết lý là căn bệnh hay
gặp của người làm quản lý. Triết lý có thể giúp người ta phấn chấn tinh thần.
Nhưng làm cho người ta hết mơ hồ với những vấn đề phức tạp mới là một nhà quản
lý có năng lực. Vì vậy, trong những lúc mất phương hướng, nản lòng, nhà quản lý
cần khơi gợi những ý tưởng và cách tiếp cận khác, hơn mà những triết lý mơ hồ.
>>> Vài lời kết
Muốn làm một nhà quản lý được nhiều doanh
nghiệp mong đợi, việc đầu tiên phải tập là NGỪNG PHÁN XÉT. Nhưng tăng quan sát,
nhận xét và phán đoán. Khoa học thần kinh đã có nhiều công trình giải thích tại
sao một người “luôn phán xét” sẽ tự mang bệnh vào mình, và ngày càng tê liệt
khả năng phán đoán. Một năng lực quan trọng trong việc hình thành tầm nhìn cho
lãnh đạo.
Ngoài ra, nhà quản lý cần “TẬP HỎI NHIỀU HƠN
NÓI”. Bởi có hỏi mới có thông tin, có hỏi mới biết ai đó đang nghĩ gì. Biết ai
đó đang nghĩ gì thì mới biết mình cần phải làm gì. Cao cơ hơn là huấn luyện
người khác bằng câu hỏi, ảnh hưởng đến người khác bằng cách đặt câu hỏi. Phần
đông các nhà quản lý thích NÓI, nói như là một sự thể hiện hiểu biết và nói để
ra uy với người khác. Đó là một sai lầm phổ biến. Một nhà quản lý giỏi là người
luôn HỎI, hỏi như chưa bao giờ được hỏi, hỏi trả lời không kịp, hỏi một câu hỏi
đúng sẽ làm nhân viên phục hơn là một buổi ngồi nghe giảng đạo. Nhân viên không
thích đi theo một nhà quản lý “nói như mưa, nhưng sáo rỗng”, họ không nhận được
gì ngoài những điều họ đã biết. Nhân viên chỉ thích theo nhà quản lý giúp họ
phát triển, giúp họ tự tin, và giúp họ làm chủ được tương lai. Đừng lo sợ nhân
viên giỏi hơn bạn. Bởi đó chính là thước đo của nhà quản lý, mà nơi nào cũng
cần.
Chúc thành công.
cảm ơn Thầy, bài viết khai sáng cho e nhiều quá, e sẽ vận dụng luôn
Trả lờiXóa