Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2019

SỰ ĐẦY CỦA CÁI KHÔNG (*) – LÀM KINH DOANH CẦN HỌC GÌ Ở NHÀ VẬT LÝ

Trên con đường bất tận truy tìm cái gì nhỏ nhất và cái gì lớn nhất, nhà vật lý đã phát hiện ra “hư không hóa ra không phải là hư không”, trong hư không con người mới nhận diện được một ít vật chất và phản vật chất trong đó, và còn những thứ gì khác nữa mà con người chưa thể phát hiện ra được là vô cùng nhiều.
Việc truy tìm này mở ra cơ hội tìm kiếm những nguồn năng lượng mới cho loài người. Nếu như năng lượng nguyên tử đã tạo ra một bước ngoặc vĩ đại thì NĂNG LƯỢNG TỪ HƯ KHÔNG, một giấc mơ “hoang đường” của con người, lại đang là niềm đam mê bất tận của nhà vật lý.
Kết quả hình ảnh cho emptiness
Thế thì câu chuyện về vật lý này liên quan gì đến chuyện kinh doanh. Điểm tương đồng đó là NGUỒN LỰC, nguồn lực luôn hữu hạn và ai cũng nghĩ như nhau về NHỮNG GÌ LÀ NGUỒN LỰC. Cũng như năng lượng, và những vật chất gì tạo ra năng lượng, ai cũng biết hết. Thế giới này rất rất cần những người nhìn ra năng lượng từ hư không, để làm thay đổi thế giới này. Thì trong kinh doanh, ai có khả năng nhận ra những thứ gì KHÔNG AI NHẬN RA NÓ LÀ NGUỒN LỰC, NHƯNG NÓ LÀ NGUỒN LỰC, thì người đó sẽ THAY ĐỔI THẾ GIỚI NÀY.
Nhà sáng nghiệp đổi mới (innovative entrepreneur) là người đeo đuổi niềm đam mê KHÁM PHÁ những nguồn lức mới mà chưa ai nghĩ ra, giống như nhà vật lý đi khám phá ra nguồn năng lượng mới. Để từ đó họ làm nên SỰ NGHIỆP LỚN, thay đổi thế giới này.
Viết bài này để gửi đến các bạn có mong muốn khởi nghiệp, đặc biệt là các bạn sinh viên, hãy đeo đuổi mục tiêu là nhà sáng nghiệp đổi mới. Nếu chúng ta không nghĩ ra được cái gì MỚI, thì kinh doanh là con đường “chết từ trong trứng”. Hay nói cách khác, phải tìm ra được cái thứ gì mới TRƯỚC, và tùy vào mức độ mới ý tưởng của chúng ta, sẽ quyết định đến khả năng tiến xa hay tầm vóc “thay đổi thế giới” của chúng ta. Có thể có các dạng mới sau:
- Nhu cầu con người không mới, nhưng chúng ta có giải pháp mới để giải quyết các vấn đề của con người hiệu quả hơn (UBER, GRAB, Airbnb, Amazon).
- Nhu cầu tiềm ẩn, thậm chí con người không phát hiện ra đó là nhu cầu, nhưng chúng ta khơi gợi. chỉ ra nhu cầu mới cho họ, tạo cho họ một trào lưu mới, thói quen mới, thậm chí cách thức “sinh sống, làm việc” mới (FB, Gg, Youtube. Fintech).
- PHÁT HIỆN RA NGUỒN LỰC MỚI, NGUỒN LỰC TỪ NHỮNG THỨ MÀ KHÔNG AI PHÁT HIỆN RA ĐÓ LÀ NGUỒN LỰC. Hành vi thói quen suy nghĩ của con người là một nguồn lực và nếu có cách để thu thập nó một cách hiện quả thì sẽ chuyển được nguồn lực bất tận này thành nguồn lực kinh doanh (big data, machine learning…). Ví dụ như trong y tế, giáo dục, nếu ai cũng nghĩ người nghèo là người không có tiền, mà không nghĩ ra “người có bệnh”, “người có mong muốn học hành” là một nguồn lực vô cùng lớn, và nếu ta tạo ra một phương thức chuyển đổi nguồn lực bất tận này (người nghèo luôn vô cùng nhiều trong xã hội) thành nguồn lực kinh doanh, thì ta sẽ thay đổi thế giới này. Mà phần thưởng cho người thay đổi thế giới này là rất lớn. Cho nên hãy nghĩ về người nghèo khác đi, đó không phải là một phân khúc trong kinh doanh, mà đó là một nguồn lực ẩn, chưa khai thác, chưa ai biết cách khai thác.
Kinh doanh là phải “nghĩ ra cái thứ mà người khác chưa nghĩ ra”, nếu cái thứ ta nghĩ ra và ai cũng nghĩ ra hết rồi thì ta nghĩ làm chi nữa. Người miền Tây giăng câu có câu “cái gì ăn được thì cá lòng tong nó ăn hết rồi, muốn câu cá lớn phải nghĩ ra cái thứ ăn được mà cá lòng tong không ăn được”. Dân gian đôi khi lại thâm thúy.
Kinh doanh không phải là trò chơi may rủi. Càng không phải là đi dựa vào thế lực nào đó để cướp nguồn lực của người khác một cách tinh vi. Đó là cướp, là giặc không phải là làm kinh doanh. Nếu chúng ta đeo đuổi con đường này thì phải hiểu rằng, ngày nào đó chúng ta cũng phải “ói ra” hết, thậm chí đánh đổi mạng sống của mình và gia đình mình. Đừng nhìn những “tấm gương” đó mà noi theo, thấy họ oai phong lẫm liệt thế thôi, nhưng ngày đền tội không còn xa.
Trong trường đại học, khi ngồi trên giảng đường, hay ngồi trong phòng lab, hay bất kỳ nơi đâu. Nếu chúng ta bất chợt bật ra một ý tưởng nào đó, hãy ghi chép lại. Và bắt đầu đeo đuổi nó, trước tiên, là quá trình tự phản biện chính mình, hay với một nhóm bạn bè. Kế đến là tìm cho mình một MENTOR tin cậy.
Mentor có 2 dạng, mentor về công nghệ - người hiểu sâu về kỹ thuật và ngành công nghệ, và mentor về kinh doanh-người có trực giác tốt về thị trường. Việc mang ý tưởng của mình ra các cuộc thi phải hết sức cân nhắc, vì nghĩ ra cái mới rất khó, bắt chước thì rất dễ. Đặc biệt là với những ý tưởng mà hàng rào bí quyết công nghệ chưa có gì. Ở VN thì quên đi câu chuyện đăng ký patent, IP…
Một mentor chuyên nghiệp là không đi ăn cắp ý tưởng người khác, nếu ai đó phát hiện rat hi ta phải tạo một diễn đàn để loại những kẻ thiếu chuyên nghiệp đó để làm trong sách hóa môi trường khởi nghiệp.
Cuộc sống con người có rất nhiều, rất nhiều vấn đề cần giải quyết, càng rất rất cần chúng ta nghĩ ra những phương cách mới, giải pháp mới, hay dùng nguồn lực mới để giải quyết nó. Nói nôm na cơ hội cho ý tưởng kinh doanh là vô tận như vũ trụ chúng ta vậy.
Vật lý ngày càng tiệm cận với triết lý của Phật giáo, không có cái gì lớn nhất và không có cái gì là nhỏ nhất, ngay cả khi gọi đó là hư không cũng không phải là hư không. Nhà vật lý ngày càng phát hiện ra là “hóa ra cái chúng ta phát hiện ra lại nằm trong một cái gì đó rất nhỏ so với cái chúng ta chưa phát hiện ra”. Kinh doanh cũng vậy, hãy đeo đuổi sự bất tận đó, đừng bắt chước khi chưa nghĩ ra hoặc hiểu ra hoặc phát hiện ra phương pháp cách giải quyết của người ta còn có cơ hội làm tốt hơn như thế nào.
Suy nghĩ không có mất tiền, đeo đuổi suy nghĩ hơi tốn sức một chút (có thể tốn tiền café), nhưng khi chúng ta bắt đầu khởi sự kinh doanh là chúng ta bắt đầu tốn tiền thật sự. Làm tư vấn, hay sự khích lệ, không phải là xúi người ta làm liều, ăn may. Mà ta phải dùng cái trực giác của mình để nhận diện ra tầm vóc, tiềm năng, cơ hội của ý tưởng, và những trở lực phải vượt qua trên con đường vươn tới hiện thực hóa ý tưởng. Một shark lên ngồi đó không phải là để “sang tạo tiểu thuyết ngôn tình” đưa ra những câu nói giật gân để báo chí giật tít, để PR cái thương hiệu của mình. Mà phải giúp cho xã hội này tìm kiếm những ý tưởng mới, giải pháp mới, nguồn lực mới tiềm năng, và có đóng góp nhất định để biến những tiềm năng đó thành hiện thực.
Giống như vai trò của nhà vật lý là nhìn thấy ở đâu đó có năng lượng tiềm ẩn, khởi nghiệp là người như vậy, họ phát hiện ra những thứ rất tiềm ẩn. Vai trò của mentor là giúp cho những thứ tiềm ẩn được hiện thực hóa nhanh hơn, ít trả giá hơn. Thương hiệu của một mentor nằm ở chổ anh đã chấp cánh cho bao nhiêu năng lượng tiềm ẩn được hiện thực hóa. Trừ khi chúng ta không đủ năng lực, nên phải sáng tạo những câu nói “ngôn tình” để PR hình ảnh kiếm cơm. Như thế nào ta chỉ đi lừa đảo được vài vụ kiếm ít cơm, chứ nó không thể là một nghề, càng không thể là cái nghiệp.
Còn nếu ai đó suốt ngày hô hào thay đổi thế giới, nhưng chẳng có nghĩ ra cái ý tưởng gì “vĩ đại” tạo ra những bước ngoặc thay đổi lớn cho cuộc sống con người, thì đó là bệnh hoang tưởng vĩ nhân. Mà bệnh thì phải đi chữa bệnh, không thả lang để cắn người ta (ví dụ như bán café mà suốt ngày nghĩ mình có thể hô mưa gọi gió…).
Chúc cuối tuần vui vẻ!
-------------------
“Sự đầy của cái không” là tựa đề quyển sách của GS Trịnh Xuân Thuận, dành cho những người đam mê vật lý nghiệp dư. Nếu được lựa chọn, tôi đã chọn trở thành một người đeo đuổi hóa – lý cơ bản. Tuy nhiên, ở đời, không phải ai cũng chọn được cái thứ mình mong muốn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÃNH ĐẠO VỚI MỘT SỨ MỆNH

Để dẫn dắt và tạo niềm tin với những con người đồng hành trên một con đường dài, nếu chúng ta không có một sứ mệnh có ý nghĩa, chúng ta sẽ đ...

Most Viewed