Chúng ta sinh ra là để giải quyết vấn đề. Nghĩ vậy bạn sẽ cảm thấy thoải mái và cuộc đời đáng sống hơn. Mỗi ngày thức dậy là ta vui vẻ đối diện với vấn đề và từ từ tìm cách giải quyết.
Quality Excellence, Operational Excellence, Organizational Excellence. --- www.wiomc.org
Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2022
ALL LIFE IS PROBLEM SOLVING.
Từ những vấn đề trong gia đình, con cái, vợ chồng, đến các vần đề trong công việc, vấn đề xã hội.
Gia đình nào cũng có vấn đề, tạo hóa sinh ra không hoàn hảo, và vấn đề của mỗi gia đình mỗi khác, đèn nhà ai nấy tỏa. Đó là lý do vì sao con cái cần cha mẹ để giúp chúng giải quyết vấn đề, vợ chồng cần nhau để cùng giải quyết vấn đề. Gia đình cần có nhau để cùng đối diện và giải quyết vấn đề. Mắc gì phải lẫn tránh. Bạn tránh chổ này, vì bạn nghĩ chổ khác sẽ không có vấn đề này. Nhầm, chổ khác sẽ có vấn đề khác bạn à. Tránh hoài được sao.
Chúng ta đi làm việc là đi giải quyết vấn đề. Có vấn đề phát sinh thì mới cần có ta, và đó là lý do ai đó trả lương cho ta, không có vấn đề gì cả, ai cần ta làm gì. Trả lương vào ngồi chơi sao. Vấn đề làm ta mệt mỏi và muốn thoát ra, đi tìm chổ khác, lại gặp vấn đề khác, lại muốn thoát ra, lại đi tìm chổ khác nữa, cứ thế cả đời ta là kẻ trốn chạy vấn đề sao. Trốn đâu cho thoát.
Làm quản lý thì mệt hơn chút vì phải giải quyết vấn đề của tổ chức, của xã hội. Nên người làm quản lý cần mang tính sứ mệnh cao. Và làm được điều gì đó cho tổ chức và xã hội thì lưu danh muôn thuở, đó là sự tưởng thưởng cho đời người. Mọi người kính trọng nhà quản lý là bởi tính sứ mệnh đó của họ, không phải vì quyền uy của họ. Nhà quản lý không mang tính sứ mệnh là nhà quản lý muốn làm quan, ngồi rung đùi mà tiền vô như nước, ai đó quỳ mọp hai tay dâng tiền. Nhà quản lý kiểu đó cần phải giải quyết vấn đề khác nữa, đó là kiếm đâu cây súng để sẵn bên mình. Đó là súng giải quyết vấn đề chứ không phải ông ta.
Nhà khoa học thì đi giải quyết các vấn đề của khoa học. Khoa học còn tỷ tỷ vấn đề chưa có lời giải, cần tỷ tỷ người ngồi làm, chưa chắc xong, mắc gì phải giành. Tại sao làm khoa học càng ngày càng biệt lập, vì nhà khoa học suốt đời đeo đuổi các vấn đề mà chỉ vài người trong bộ lạc quan tâm, không thể nói gì với ai được, càng không tâm sự được với người yêu về vấn đề khoa học hóc búa. Nên bạn có thấy nhà khoa học lang thang, lảm nhảm cũng đừng có nói người ta khùng vì nếu họ nói cho bạn biết họ đang giải quyết vấn đề gì thì bạn sẽ khùng.
Nhà kinh doanh thì đi giải quyết vấn đề cho khách hàng. Con người có tỷ tỷ vấn đề cần giải quyết. Giải quyết được thì người ta trả tiền cho mình, thế thôi. Kinh doanh mắc gì phải giành giựt cho mệt. Chả có thương trường, chiến trường gì ở đây cả. Vấn đề gì của con người ai giải quyết được thì thôi, ta đi giải quyết cái khác, sợ hết vấn đề phải giải quyết sao?
Vấn đề đau đầu nhất trong mọi vấn đề là vấn đề liên quan đến con người. Nên tất cả chúng ta cần một kiến thức, kỹ năng để hiểu con người. Trong đó hiểu chính mình và hiểu người khác đều cần thiết. Vấn đề của con người là vấn đề bạn không bao giờ né tránh được. Trừ khi bạn ra đảo hoang sống một mình.
Khi bạn sống trong tâm thế đối diện mọi vấn đề, và cho mình một sứ mệnh để giải quyết nó. Bạn sẽ cảm thấy cuộc đời có lý do để sinh tồn. Giải quyết được vấn đề cũng tốt. Không giải quyết được cũng không sao. Từ từ nghĩ cách. Nghĩ không ra thì xem lại năng lực của mình, nâng cao năng lực rồi từ từ giải tiếp.
NON-OBVIOUS THINKING HAY COUNTERINTUITIVE THINKING.
Tạm dịch là Tư duy phi hiển nhiên, là cách chúng ta quan sát một vấn đề và phát hiện nhiều điều khác với cách thông thường mà mọi người hay nghĩ (hiển nhiên phải là như vậy).
Ví dụ, dịch vụ miễn phí thì lấy đâu ra tiền để duy trì sự tồn tại, nếu ai cũng nghĩ như vậy thì thế giới này không có FB,GG. Cái hay của những nhà sáng lập FB,GG là họ nhìn thấy thứ người khác không nhìn thấy lúc bấy giờ đó là "data", người dùng được dùng miễn phí, nhưng thứ người dùng phải "chi trả" là "data hành vi của mình", và FB, GG đã khai thác thứ data này thành tiền, với một sự thỏa thuận với chúng ta rằng hai bên cùng có lợi.
Tương tự, bệnh viện cho người nghèo thì thu được gì để trả lương cho nhân viên y tế, chất lượng chuyên môn sẽ ra sao, điều trị ẩu tả xài đồ dỏm chết người mang họa sao...! Nếu chúng ta nhìn người bệnh như một người mang tiền đến cho ta thì chắc là không thể làm được cái bệnh viện như viện mắt Aravind của Ấn Độ. Nhưng nếu chúng ta nhìn người "có bệnh trong người" như là một nguồn của data thì câu chuyện sẽ khác. Và cái chúng ta kiếm tiền không phải là thu từ người bệnh mà là những tri thức lâm sàng để làm ra thuốc, ra những kỹ thuật y khoa mới cho nhân loại.
Làm ngân hàng cho người nghèo vay tiền thì có mà mạt sớm à? Nhưng bạn có biết rằng, ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất thế giới là ngân hàng cho người nghèo vay tín chấp không? SHARE Microfin Ltd và BASIX là hai tổ chức tín dụng hàng đầu thế giới về tài chính vi mô (MFIs) đó. Cho nhà giàu vay tiền thì tỷ lệ nợ xấu sẽ ít hơn sao? không, đổ nợ nhanh hơn đó ạ, đó là sai lầm thường gặp. Và đó cũng chính làm cạm bẫy của các ngân hàng VN.
Chiếc smartphone bạn cầm trên tay càng ngày càng rẻ và tính năng thì càng ngày càng nhiều, phần cứng càng ngày càng mạnh hơn. Có gì đó rất ngược với logic thông thường: tính năng nhiều hơn phải đắt hơn chứ, lạm phát theo thời gian làm cho mọi thứ phải đắt hơn chứ. Các hãng điện thoại đang làm từ thiện ư, họ bán càng ngày càng rẻ thì lấy giờ có lời. Ngày xưa 1 cái điện thoại di động bằng 10000 tô phở, nay thì đó chỉ còn 100 tô thôi, oái lạ tại sao lại như vậy...
Rất nhiều thứ khác với cách nghĩ thông thường, khác với những gì mà mọi người đang cho là hiển nhiên nó phải như vậy đang chờ bạn khám phá. Và quyển sách "Thấy những gì người khác bỏ qua" sẽ giúp cho bạn những khác phá đó.
Ủa, nhưng tại sao tui phải đi khám phá mấy chuyện này làm gì, rảnh quá ư. Quyển sách này dành cho những ai muốn tìm kiếm một cơ hội kinh doanh mới trong lĩnh vực của mình. Người đi sau phải tìm ra cơ hội mới, ta không thể bắt chước người đi trước về cách thức và thủ pháp kinh doanh được, bởi làm theo y chang, ta sẽ không đủ nguồn lực để "lấy trứng chọi đá", trừ khi ái đó cho ta tiền để chọi chết người khác.
Trong kinh doanh, lợi thế của người đi sau là "ý tưởng mới mà người khác không phát hiện", chứ không phải là tiền. Khởi nghiệp thì tiền lấy đâu ra. Nhưng nếu bạn phát hiện ra những tiềm năng trái với logic thông thường, thậm chí có khả năng thách thức, lật đổ những gì đang có, bạn đã có trong tay một nguồn "vốn trí tuệ" lớn, và khi đó vốn tiền tươi sẽ tìm đến bạn. Còn bạn bày ra một cách thức kinh doanh mà thiên hạ đã làm đầy ra đó, thì xin thưa là không ai dám bỏ tiền vào bạn cả, trừ khi hoạt động kinh doanh của bạn chỉ làm bình phong rửa tiền dùm ai đó.
Chào mừng quyển sách đã được dịch sang tiếng Việt.
P/S: non-obvious thinking khác với reverse thinking thường dùng trong kỹ thuật, các kỹ thuật tra xét của ngành hình sự. Reverse thinking là khi ta muốn truy tìm nguyên nhân gốc rễ một sự việc gì đó, ta thường đi tìm chứng cứ trong quá khứ, và tìm mãi không ra. Khi đó ta đặt lại hiện tại, với giả thuyết, nếu cái gì đó xảy ra thì nó sẽ tạo ra cái gì. Từ reverse thinking người ta đã nảy ra một cách phát triển công nghệ gọi làm ra reverse engineering hay backwards engineering, mà các nước đang phát triển như VN rất cần để khám phá know-how của các tập đoàn đa quốc gia thay vì cài người vào ăn cắp như anh bạn chai nì.
ORGANIZATIONAL MINDFULNESS
Chánh niệm tổ chức.
Khắp nơi, các doanh nghiệp, đang ngồi chờ "hết dịch". Tháng 12 nhưng kế hoạch năm 2022 không có, nhận định tình hình không có, định hướng không có, mục tiêu không có, những việc gì cần phải làm không có... và đương nhiên tiền đâu để trả lương cũng sẽ không biết, tới đâu tính tới đó...
Tâm trí con người ngồi nghe ngóng mong đợi, trì hoãn mọi việc đều liên quan đến nỗi sợ. Nhân viên văn phòng ngày ngày online đọc tin tức đếm số ca nhiễm, ca chết, biến thể gì mới, kiếm đường chích ngừa cho mình và gia đình, săn hàng sale, đi chợ thực phẩm online, canh con học online ở nhà,...còn công việc thì tới đâu tính tới đó.
Cho về nhà WFH thì mỗi lần kêu họp thảo luận chuyện gì đó thì quần áo xốc xếch quấn vội cái chăn lên người như vừa đánh trận xong, tay chân thì dính đầy bột, khói bếp thì nghi ngút, khi thì ngoài chợ, khi thì nóc nhà tưới rau...đủ kiểu.
Bão Covid âm thầm tác động vào trạng thái tâm thần, tâm trí con người dữ dội hơn bao giờ hết, và tổ chức cũng là một nơi hội tụ những con người. Từ đó trạng thái tâm trí của tổ chức cũng bấn loạn như con người. Tâm trí mà bấn loạn không suy nghĩ được cái gì. Cũng như trong gia đình, cha mẹ không lo nghĩ thì con cái khổ, tổ chức không ai lo nghĩ gì thì chắc chắn sẽ đi đến ngõ cục phá sản.
CHÁNH NIỆM - MINDFULNESS
Nhận biết một cách rõ ràng những gì diễn ra, nhưng không để ảnh hưởng đến tâm trí của mình.
Khi tâm tịnh thì trí mới sáng. Khi trí sáng thì mới nhìn thấu diễn biến tương lai, nghĩa là tăng khả năng phán đoán, từ đó tăng khả năng ứng biến.
Giống như một bác sĩ cấp cứu nhìn thấy bệnh nhân vào shock nặng thập tử nhất sinh, nhưng không hề bấn loạn mà bình tĩnh xử trí cứu mạng bệnh nhân. Ta nhìn vào người bác sĩ này ta có cảm giác như ông ấy là một người lạnh lùng vô cảm nhưng thật sự đó mới là một tâm trí cần giữ cho những giây phút kịch liệt cần sự phán đoán và quyết đoán.
Rất nhiều người hiểu sai về Mindfulness trở thành bàng quan, chuyện gì xảy ra mặc kệ nó đừng quan tâm, sống nay biết nay đừng nghĩ gì ngày mai cho mệt...từ đó trở nên vô tâm, vô cảm, và vô trách nhiệm. Chánh niệm không phải là vô tâm vô cảm, mà ngược lại người tập chánh niệm càng dạt dào tình yêu thương và thấu hiểu cảm xúc của người khác, và có khả năng phán đoán tốt hơn những gì đang diễn ra và sắp diễn ra từ đó có khả năng ứng biến tốt hơn.
CHÁNH NIỆM TỔ CHỨC - ORGANIZATIONAL MINDFULNESS
Trước hết là vai trò của lãnh đạo, cần sự thiền định để tịnh tâm sáng trí từ đó truyền đi những năng lực tích cực cho tổ chức. Ở đâu có mình, ở đó có niềm tin, và sự tin cậy sẽ vượt qua khó khăn. Nó cho thấy một sự chắc chắn có giải pháp trong tay. Chứ không phải ở đâu có mình chổ đó bấn loạn rối ren thêm.
Chúng ta điều biến cảm xúc có tính chất lây truyền. Nơi có cảm xúc tính cực hứng khởi, tràn đầy niềm tin sẽ làm cho mọi người phấn chấn bớt rầu lo. Nhưng tuyệt đối không lạm dụng để u mê ru ngủ, vì nó sẽ tạo ra tác dụng ngược phản kháng mạnh mẽ từ đó dẫn đến sự suy sụp nhanh hơn.
Hơn lúc nào hết vai trò dẫn dắt của người lãnh đạo rất quan trọng trong giai đoạn này. Dẫn dắt không có nghĩa là ra lệnh ai đó phải làm gì. Mà khơi gợi những hướng đi, khơi gợi những ý tưởng. Đặt lại các vấn đề trong công việc. Kế những câu chuyện ở đâu đó để thay đổi cục diện kinh doanh trong bão táp phong ba Covid thế nào để kích thích sự tìm tòi mở đường thoát cho doanh nghiệp. Dành tâm trí cho công việc cũng là cách để xua bớt đi nỗi sợ chung. Ví dụ, trong lúc này mà rủ nhau ngồi phát triển sản phẩm mới sáng tạo cũng là cách để làm cho con người ta vơi bớt nỗi âu lo...
Hơn lúc nào hết, vai trò của truyền thông nội bộ lúc này là cực kỳ quan trọng. Lãnh đạo cần viết những lá thư thông báo tình hình, cho mọi người cảm nhận được công ty chúng ta đã nhận diện đầy đủ các bối cảnh phức tạp và khó khăn, và chúng ta cũng đã có những giải pháp ứng phó phù hợp, chúng ta vẫn kiên cường lèo lái con thuyền để không ai bị văng khỏi thuyền bất cứ hoàn cảnh nào.
Hơn lúc nào hết vai trò của phòng nhân sự là rất quan trọng trong việc tạo ra các hoạt động để tạo cho con người làm việc trong tổ chức có cảm giác chúng ta không bỏ rơi nhau, chúng ta luôn nghĩ về nhau, và chúng ta cùng nhau vượt qua được tất cả.
Giáo dục cho những con người bên trong một tổ chức hiểu rằng Covid đã là một phần của cuộc sống. Chúng ta đừng ngồi đây mong chờ nó biến đi nữa. Chúng ta biết có sự hiện hiện của nó, nhưng cuộc sống rồi cũng phải sống và làm việc. Hãy bản lãnh mà đối diện khó khăn, đừng tìm đường chạy trốn nữa.
DATA ANALYTICS vs DATA ANALYSIS
Thuật ngữ này thật khó dịch ra tiếng Việt và cũng gây khó hiểu cho nhiều người. Chia sẻ ra đây vài ý nghĩa của nó để mọi người đến với lĩnh vực Data Science thú vị hơn, dễ chịu hơn.
Data AnalySIS :
Câu chuyện là hôm nay tôi đi chợ, trong đầu tôi đã có sẵn dự định nấu món canh chua. Canh chua là một món ăn đã được khái quát hóa thành khái niệm (concept) mà đa số ai cũng biết. Có thể mỗi vùng miền sẽ có cách nấu canh chua đặc trưng khác nhau, nhưng khi tôi bước ra chợ, trong đầu tôi đã có một cái khung dẫn dắt là cần mua cái gì và cách nấu ra sao, đó gọi là Khung lý thuyết khái niệm (conceptual theoretical framework-CTF).
Trong trường hợp này, việc tìm kiếm dữ liệu (data searching) của tôi sẽ bị cái CTF phía trên dẫn dắt: tôi đi vào chợ với mục tiêu rất rõ ràng là tìm cá, tìm rau mùi, tìm thơm, cà chua, măng,…để nấu canh chua. Và lúc này việc phân tích (analyze) sẽ mang tính chất đánh giá, so sánh, lựa chọn để tìm một tập nguyên liệu tối ưu về giá và độ tươi ngon (solution set).
Đặc điểm cốt lõi của Data Analysis là chúng ta phải có trước một CTF, việc tìm kiếm data phải dựa trên CTF này. Còn việc làm sao để phân tích, let’s data talk, thì dùng các công cụ để trực quan hóa dữ liệu, kiểm định giả thuyết, dự báo…dựa trên nền tảng khoa học thống kê quen thuộc mà ta thường học: thống kê Gausshay thống kê Bayes, hàm mật độ phân bố …
Trong quản trị, Data Analysis thường dùng trong quản trị vận hành: tối ưu hóa dây chuyền sản xuất; cải tiến chất lượng; lập kế hoạch, điều độ; phân tích khả thi dự án; đánh giá lựa chọn nhà cung cấp…
Data AnalytICS
Cũng là câu chuyện đi chợ, nhưng chúng ta bước vào chợ với cái đầu không có ý định nấu cái gì! Nên việc đầu tiên là chúng ta sẽ “lia một vòng chợ” (scanning), lúc này data sẽ chạy vào đầu chúng ta đủ loại: rau, cá, thịt, gà, nụ cười của cô bán hàng, ruồi, chuột,…đủ kiểu. Bỗng nhiên ta phát hiện có con cá chép ngon, đầu ta lóe lên món cá chép om cải chua, nhưng chưa dừng lại đó ta liên tưởng đến nhiều món om khác nhau trong dân gian lóe lên trong đầu. Ta thay đổi ý định muốn tạo ra một kết hợp mới: cá chép om với đậu hủ non nấm hương, và muốn thử nghiệm coi cách kết hợp này ngon không (trial and error). Giả sử là cách kết hợp này là ngon, ta vô tình lượm được bí kiếp, nghĩa là cải tiến phát triển ra một món ăn mới cá chép om tàu hủ non nấm hương.
Đặc điểm cốt lõi của Data Analytics là Data có trước. Data có thể là số, là biểu tượng, là hình ảnh, là, symbol, giọng nói, nháy mắt, ký tự …đủ loại, đủ kiểu thực thể (artifacts) nào đó. Kỹ năng quan trọng của chúng ta là scanning data và phát hiện (sensing) ra các tổ hợp, các cách kết hợp (data patterns) mới CÓ Ý NGHĨA VÀ HỮU DỤNG. Từ đó ta hình thành một nên concept mới và dựng lên một concept theoretical framework mới. Cái mới chưa từng có trước đây + mức độ hữu ích của nó = khả năng kiếm tiền của chúng ta.
Đích đến của Data analystics là sáng tạo ra một ý niệm mới chưa từng có trước đây và thử nghiệm nó một cách thành công (được người dung chấp nhận), đó là thứ mà trong kinh doanh ngày nay người ta rất cần. Data analytics nên được dịch là khai phá những ý niệm mới từ dữ liệu, và nó được xem là công cụ hữu hiệu khởi nguồn cho một quá trình Innovation.
Tuy nhiên, quá trình scanning và bật ra ý niệm mới với con người mang đầy tính ngẫu hứng - ứng tác (improvisation), kiểu như nhạc sĩ đi dưới mưa bất chợp nảy ra vài câu “mưa ngày xưa, rơi trên đường vắng, mưa vô tình làm ướt áo em…”. Thế thì quá trình innovation của một doanh nghiệp sẽ rất là bấp bênh, lúc được lúc không, cộng với khả năng xây dựng các tổ hợp mới và thử nghiệm nó với con người cũng có một giới hạn về trí não đó là khả năng nhớ. Do vậy, người ta nghĩ đến chuyện bày cho cái máy đó làm, vì máy chỉ cần cắm điện là chạy, tốc độ tính toán và khả năng nhớ rất lớn. Đó là vì sao, data analytics gắn liền với học máy (machine learning).
Vấn đề đặt ra với ML hiện nay là Huấn luyện. Rất nhiều các chương trình huấn luyện thiết kế một hồi làm quá trình data analytics trở về data analysis, nghĩa là vẫn phải dẫn bằng các concept và CTF cho trước. Đó là một quá trình traning để dùng ML để làm bộ nhớ lưu trữ là chính, không có một ý nghĩa trong việc tạo ra cái mới. ML ứng dụng trong y khoa hiện nay bản chất vẫn là dùng máy để đọc và lưu trữ nhanh hơn, nhiều hơn người chứ không trợ giúp trong việc phát hiện những hướng điều trị mới.
Để tạo ra cái mới, phát hiện mới, quá trình training cần dùng các thuật toán ngẫu nhiên nhiều hơn và một phần quan trọng vẫn là trực giác của con người trong việc dẫn dắt quá trình scanning mở rộng các biên sao cho có thu hoạch, kiểu như tại sao ta lại không đưa trống vào nhạc thính phòng vậy. Thách thức hiện nay của ML trong bài toán innovation còn nằm ở việc test prototype, nghĩa là quá trình trial and error cần phải hướng dẫn cho máy test chứ nếu không thì rất nhiều concept ra đời làm sao test cho nỗi. Đây là việc gần như chưa có lời giải một cách ứng dụng được, nghĩa là mới chỉ nằm trên ý tưởng nghiên cứu.
Một trong những ứng dụng gần đây của data analytics là sensing model, dùng trong việc dự đoán cái gì sẽ diễn ra tiếp theo thông qua việc nhận biết sớm những mô thức mới hình thành mang tính dẫn dắt, hội tụ và được tiếp năng lượng liên tục, nghĩa là có entropy mới được hình thành. Đây là việc rất quan trọng cho hoạch định vận hành và xây dựng các kế hoạch thích ứng trong kinh doanh hiện nay.
Mục tiêu cuối cùng của kinh doanh là trường tồn theo năm tháng. Muốn vậy chúng ta phải không ngừng bồi tụ những năng lực mới để thích ứng với sự thay đổi của xã hội, công nghệ, môi trường… Khoa học dữ liệu là một hướng đắc lực giúp cho chúng ta nhân biết ra cái gì đó thay đổi, và làm ra cái gì đó mới mẻ nhanh hơn người khác. Đó là sự tồn tại và phát triển.
Chúc thành công.
DÒNG CHẢY CỦA TÂM TRÍ – FLOW.
Chào mừng Flow đã được biên dịch và phát hành tại VN.
Khái niệm dòng chảy xuất hiện trong nhiều lĩnh vực, từ kỹ thuật đến quản trị, và flow trong trường hợp này là dòng chảy của tâm trí con người - tâm lý học.
Mihaly Csikszentmihalyi là Giáo sư Tâm lý học tích cực (positive psychology), sau này là tâm lý học hạnh phúc (happiness psychology), và mình rất mê ông này dù mình đọc cái tên ông không ra, ai biết cách đọc cái tên ông ấy chính xác chỉ dùm!
Để hiểu về Tâm lý học tích cực, cần một chút tìm hiểu về Phật giáo.
Sứ mệnh mà Đức Phật tự giao cho mình là tìm cách để con người thoát khỏi khổ đau. Nên trong suốt cuộc đời, Đức Phật đi truy tìm cội nguồn của đau khổ, và Đức Phật đã phát hiện chính cái tôi (tham, sân, si) của chúng ta gây ra đau khổ chứ không phải là cái gì khác. Cho nên Ngài đã phát triển nhiều phương pháp tu tập để giúp con người thoát khỏi bản ngã, từ đó thoát khỏi khổ đau. Rất nhiều người bình thường không quan tâm đến Phật giáo, nhưng đến khi trong cuộc đời có những trắc trở, biến cố, sầu muộn, đau khổ thì bắt đầu tìm đến Phật giáo như tìm đến một điểm tựa tinh thần để cuộc sống an nhiên hơn. Nhà chùa là nơi Lan nghĩ đến khi bị Điệp quất ngựa truy phong, chứ nếu Điệp không làm chuyện đó chắc Lan cũng không nghĩ đến chùa để làm gì! Đó là giai đoạn 1000 năm đầu của Phật giáo - được xem như Tâm lý học ngày nay. Giai đoạn 1000 năm sau của Phật giáo gần với Triết học hơn khi tham gia giải thích sự tồn tại của con người và vũ trụ từ đó phát triển rất nhiều học thuyết tích hợp trong hàng vạn bộ Kinh, mà đến nay con người còn chưa nghiên cứu hết, chưa hệ thống hóa nỗi. Còn giai đoạn Phật giáo hiện nay chắc là gần với Kinh tế học hơn, khi phát kiến nhiều mô hình kinh doanh tâm linh siêu lợi nhuận!
Tâm lý học tích cực là một trường phái tâm lý học có cách đặt vấn đề đối lập với Phật giáo. Nghĩa là tại sao ta lại đi nghiên cứu về đau khổ, mà lại không đi nghiên cứu về điều gì đó làm cho con người hạnh phúc hơn! Nhìn vào mặt tích cực của vấn đề mà nghiên cứu. Nên các nghiên cứu theo trường phái Tâm lý học tích cực luôn đặt các câu hỏi nghiên cứu ở khía cạnh tích cực. Ví dụ: làm gì để có tình bạn lâu bền hơn, làm gì để hôn nhân hạnh phúc hơn, làm gì để con cái thương yêu cha mẹ hơn…và một trong những chủ đề ngàn năm của loài người là làm gì để con người chúng ta hạnh phúc hơn, nên Tâm lý học tích cực được xem là Tâm lý học Hạnh phúc.
Cách đặt vấn đề này của Tâm lý học tích cực được Khoa học thần kinh và não bộ ủng hộ khi có nhiều bằng chứng cho thấy nó giúp cải tạo bộ não chúng ta tốt hơn, hiệu quả hơn. Từ đó mang tính trị liệu tâm lý và thần kinh tốt hơn cho các bệnh viện ứng dụng, Mindful Based Reduce Stress là một trong số đó. (Mindful trong MBRS là Mindfulness Phương Tây rất khác Mindfulness Phương Đông hẹn một dịp khác để chia sẻ cùng mọi nghười về chủ đề này)
Lấy một ví dụ để chúng ta dễ hình dung sự khác biệt trong cách tiếp cận của Tâm lý học tích cực. Gia đình nào cũng có mối quan tâm đến chuyện học hành của con cái. Khi con chúng ta học yếu, phản xạ suy nghĩ mà chúng ta thường gặp là “tại sao con mình học yếu”, từ đó chúng ta sẽ lần ra: internet, máy tính bảng, game online, tiktok…là những “nguyên nhân gốc rễ”, và đương nhiên giải pháp sẽ là cắt và cấm. Tâm lý học tích cực sẽ không bắt đầu bằng câu hỏi Why như vậy, mà sẽ tiếp cận bằng câu hỏi How? Làm gì để con chúng ta học tốt hơn? Làm gì để tri thức thú vị hơn với con mình, làm gì để mỗi ngày học hành là một niềm vui, làm gì để giúp con thấy được mối liên hệ giữa tri thức và các vấn đề của cuộc sống, khi có tri thức cách chúng ta hành xử sẽ khác đi, tại sao tri thức mới là phương tiện để chúng ta có được cuộc sống tốt hơn…khi bạn làm cho con mình thấy được sự thú vị của tri thức thì khi đó máy tính bảng, internet, FB,…lại là một phương tiên tuyệt vời, chứ không phải là kẻ thù của gia đình chúng ta nữa!
Hai cách nghĩ khác nhau, sẽ dẫn đến cách bộ não chúng ta vận hành khác nhau. Cách nghĩ thiêng về hướng truy tìm nguyên nhân gây thất bại sẽ tạo ra nhiều tác động tổn thương cho não bộ chúng ta nhiều hơn, từ đó dẫn đến stress nhiều hơn, hiện tượng rumination diễn ra nhiều hơn, thậm chí bệnh lý tâm thần sẽ xuất hiện sớm hơn với những người có bộ gien vốn yếu ớt về việc chịu đựng các áp lực của cortisol. Cách nghĩ thiêng về tìm cách gì để có thay đổi tình trạng tốt hơn sẽ giúp cho bộ não tiết ra nhiều hocmon tạo sự phấn khích hơn, dopamine chẳng hạn, từ đó giúp bộ não chúng ta phát triển tốt hơn. Đó gọi là positive spins.
Tóm lại, khi đứng trước một vấn đề trong cuộc sống. Bạn nên luyện tập một thói quen: thay vì bắt đầu từ “Why is it worse?” (phản xạ bản năng của não bộ), chuyển sang bắt đầu từ “How is it better?”. Thói quen này sẽ thay đổi cấu trúc não bộ của bạn từ đó thay đổi tư duy (mindset) và cuộc đời bạn, đó gọi là Neuroplasticity.
Đảo một vòng để chúng ta hiểu hơn về giá trị của quyển sách Flow. Trong quyển sách này Mihaly Csikszentmihalyi sẽ hướng dẫn cách chúng ta cần làm để tâm trí đạt trạng thái dòng chảy – trạng thái mà ở đó Thân – Tâm – Trí hòa quyện là một và ở đó con người phát huy tột đỉnh năng lực hiện có của mình (optimal experience). Khi bạn phát huy được năng lực bản thân, nghĩa là bạn cảm nhận sự mãn nguyện, cảm thấy mình sống một cách có ý nghĩa trong cuộc đời này, sống có ích cho người khác, đó là con đường tìm kiếm được hạnh phúc của mỗi chúng ta.
Giống như khi một bác sĩ phẫu thuật tập trung cao độ cho một ca mỗ khó (thay tim trẻ em chẳng hạn), đó là lúc tâm trí đạt trạng thái dòng chảy. Như một nhạc sĩ dương cầm trình diễn một bản sonate dưới ánh trăng trên sân khấu, đó là lúc tâm trí anh ta đạt trạng thái dòng chảy. Như một cô giáo đang tập trung giảng bài cho học sinh trên bục giảng, đó là lúc cô ta đạt trạng thái dòng chảy. Những giây phút đó là những giây phút mà con người chúng ta cảm giác mãn nguyện, ý nghĩa và hạnh phúc nhất.
Một trong những phát hiện mà tôi rất thích của Tâm lý học Hạnh phúc đó là chúng ta sẽ sống thọ và hạnh phúc hơn nếu chúng ta có những mối quan hệ vui vẻ thoải mái, mối quan hệ mà ở đó chúng ta có thể ngồi xuống nói đủ chuyện trên đời, hát những bài hát yêu thích, nhâm nhi chút rượu, tách trà, kể cho nhau nghe những câu chuyện của đời nhau… Chất lượng mối quan hệ chứ không phải là số lượng mối quan hệ quyết đinh đến hạnh phúc của con người.
Xin mời thưởng thức quyển sách và trân trọng cám ơn nhà xuất bản Firstnews đã đưa quyển sách này về gần hơn với nhiều người Việt.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)
LÃNH ĐẠO VỚI MỘT SỨ MỆNH
Để dẫn dắt và tạo niềm tin với những con người đồng hành trên một con đường dài, nếu chúng ta không có một sứ mệnh có ý nghĩa, chúng ta sẽ đ...

Most Viewed
-
1. Đúng / Sai; Tốt / Xấu; Hay/dở; Giỏi/Yếu. Những cặp từ mang tính chất phán xét là đại kỵ của một người làm quản lý. Những câu đại loại n...
-
Trung tâm xuất sắc là gì, nó vận hành như thế nào, đầu vào của nó là gì, sản phẩm đầu ra là gì, làm sao nó có tiền để phát triển, nó định vị...
-
Những năm gần đây, vị trí COO được nhiều bệnh viện tìm kiếm. Viết ra đây vài dòng chia sẻ với các bạn về một vị trí cao cấp rất thách thức t...
-
Tam thập nhi lập, ông bà thường nói, như một đúc kết của người xưa về độ tuổi trưởng thành của một con người, hiểu biết sự đời hơn, biết đối...
-
Lean khởi đầu từ Toyoda như là một cách suy nghĩ để làm một việc gì đó “the way of thinking for doing something”, được phát triển bởi Kiichi...
-
Trên con đường bất tận truy tìm cái gì nhỏ nhất và cái gì lớn nhất, nhà vật lý đã phát hiện ra “hư không hóa ra không phải là hư không”, tr...
-
9/10 lãnh đạo mới lên chức, việc đầu tiên suy nghĩ trong đầu và muốn làm một cách quyết liệt là “XẾP GHẾ”. Cờ đến tay rồi, phất thôi! Độc tà...
-
>>> Làm việc dưới sự dẫn dắt của đồng tiền. Mỗi người chúng ta, ai cũng có được những cơ hội kiếm tiền. Có người cơ hội đến ch...
-
Dù là bệnh viện công hay tư, đều chịu áp lực phải vận hành một bệnh viện một cách hiệu quả. Quản trị vận hành tâ...
-
Storytelling with Data and The Data-Driven Mindset Dữ liệu có kể chuyện được sao? Thật tình là những câu chuyện với dữ liệu nghe rất là...