Nhiều người hay than ‘lý thuyết và thực tiễn chả có gì giống nhau”, “học trên trời, hành dưới đất”, “lý thuyết suông, làm đi mới biết”, “Nói lý thuyết nghe hay lắm, làm không dễ đâu”, “toàn nói lý thuyết, chả có chút thực tế gì”…
Để xảy ra tình trạng báng bổ tri thức, lỗi đầu tiên là của ông thầy, khi dạy không cho người học thấy những gì mình học được vô cùng nhỏ bé so với những gì đang diễn ra trong thực tế. Nhưng điều đó không có nghĩa là không học, bởi học là cách tốt nhất để “đứng trên vai người khổng lồ”, rất nhiều thứ nếu chúng ta tự trải nghiệm và tự rút ra bài học thì đời người coi như xong, nhưng ai đó dành cả đời để đút kết ra vài bài học và ta chỉ mất vài giờ để tiếp nhận nó, đó là sự khôn ngoan.
Tôi thường nói với các sinh viên. Tập đoàn đa quốc gia chính là sách giáo khoa về quản trị. Một tập đoàn với quá trình phát triển và lớn mạnh để lại cho chúng ta rất rất nhiều bài học về quản trị. Các học giả (nhà nghiên cứu) chẳng qua là người quan sát, khái quát hóa, hệ thống hóa những gì các tập đoàn đa quốc gia đã làm để đưa ra thành LÝ THUYẾT (tập đoàn đa quốc gia họ bận kiếm tiền, không ai rảnh đi làm mấy chuyện đó hết). Các lý thuyết đó được đưa vào các tàng kinh các, ai thích thì coi, chả ai ép. Còn mấy học giả, nghề của họ là đi rút ra hết lý thuyết này đến lý thuyết khác và đi chia sẻ nó khắp nơi, kiếm ít tiền cơm gạo nuôi thân, họ vốn không có trách nhiệm gì trong việc tồn vong của một đế chế kinh doanh, càng không thể thành tỷ phú được bởi làm kinh doanh và rút ra những lý thuyết kinh doanh là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau, đòi hỏi những năng lực khác nhau. Cho nên, đừng bao giờ hỏi ông thầy dạy quản trị một câu ngớ ngẫn “ông dạy cái gì cũng hay sao ông không tự đi kiếm tiền đi”. Mỗi người có một vai trong cuộc sống này, người đi khái quát lý thuyết, người vận dụng thực hành, không ai có thể làm tốt hết được tất cả mọi thứ.
Những điều mà chúng ta cần lưu ý khi “HỌC VÀ HÀNH” QUẢN TRỊ.
1. Lý thuyết quản trị có nhiều tầng khác nhau, dựa trên mức độ khái quát hóa của nó, thông thường ở tầng Grand Theory chỉ có giá trị trong nghiên cứu, ít có giá trị trong thực hành. Ví dụ, Knowledge-Based Theory of the Firm (Grant,1996) là một lý thuyết lớn cho rằng Tri thức là nguồn lực quan trọng nhất quyết định khả năng cạnh tranh của một tổ chức. Mặc dù đây là một lý thuyết lớn nhưng chưa chắc đúng trong mọi trường hợp, ít nhất là ở VN, nói ra điều này rất là buồn cười đúng không ạ. Trong bối cảnh VN, có lẽ lý thuyết lớn về nguồn lực sẽ phù hợp hơn, Resource-Based Theories of the Firm (Penrose,1959; Barney,1991), nguồn lực và khả năng bồi tụ nguồn lực mới quyết định đến năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp. Nhưng mà nguồn lực là nguồn lực gì? Để giải thích rõ hơn người ta phải cần đến Middle – Range Theory, lý thuyết trung gian. Với các xã hội Á Đông, bị ảnh hưởng bởi tư tưởng Nho giáo Khổng giáo, thì Nguồn lực quan hệ xã hội (social capital) là cực kỳ quan trọng trong kinh doanh.
2. Các lý thuyết gần gũi hơn với thực hành đó là “low-level theory” có lẽ nên gọi là các “technological rules” hay “principles” sẽ đúng hơn, nghĩa là “nếu chúng ta ở bối cảnh A, điều kiện B, trong tình huống C, thì chúng ta nên làm X, Y, Z, khả năng chúng ta sẽ nhận được kết quả 1,2,3 nào đó…”. Các lý thuyết này nó thể hiện một mối quan hệ nhân quả rất rõ ràng, tuy nhiên trong một điều kiện bối cảnh rất hẹp. Ví dụ, nếu anh muốn kinh doanh bất động sản ở các nước Á Đông, anh phải xây dựng quan hệ với các cơ quan địa chính, quy hoạch, cơ quan thuế,… Còn anh muốn trở thành một đại gia bất động sản lớn nhất nhì cả nước thì anh phải hết sức thân mật như người trong nhà với các quan chức cấp cao nhất. Vì vậy năng lực lõi của kinh doanh bất động sản không phải là tài ba trí tuệ trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc, xây dựng nền móng yếu gì cả, mà là kỹ năng xây dựng mối quan hệ thân mật với quan chức các cấp trong bộ máy chính quyền. Đây không phải là điều mỉa mai gì cả, nó đã được phát triển thành lý thuyết!
Lý thuyết quản trị “trôi bồng bềnh” khắp các tàng kinh các, chả ai rảnh ngồi hệ thống và chỉ cho bạn cần phải học gì. Chỉ có mấy thằng thầy, rảnh quá tối ngày không biết làm gì, ngồi đọc và chỉ cho bạn cái gì là phù hợp hơn. Để bạn đỡ mất thời gian lặn hụp trong các tàng kinh các. Để bạn đứng trên vai hàng vạn người khổng lồ với chi phí thấp nhất, thời gian ngắn nhất.
Nếu bạn tự thân vận động, thì bạn cần rèn luyện kỹ năng sàng lọc, hệ thống, và đặc biệt là khả năng vận dụng: trong bối cảnh A, tình huống B, nên vận dụng phương pháp C là phù hợp hơn. Đừng bao giờ đổ thừa lý thuyết tào lao. Bất kỳ lý thuyết nào cũng có một phạm vi vận dụng rất hẹp mà bạn không chú ý khi đọc. Lý thuyết không từ trên trời rơi xuống. Lý thuyết là một sự khái quát hóa từ thực tiễn, nhưng trong một bối cảnh, điều kiện rất hẹp nào đó. Bạn đem chuyện con gà nói cho con vịt, suy ra con chim sẻ thì đó là bạn vận dụng chưa phù hợp, chứ không phải do lý thuyết.