>>> Phán xét.
Khi đối diện với một sự việc, chúng ta thường có thói quen phán xét đúng-sai, hay-dở, yếu-mạnh, dựa trên những định kiến, nền tảng nhận thức và bối cảnh văn hóa của mỗi con người. Thông thường các phán xét thường theo hướng tiêu cực chê bai, phủ nhận, và gây hấn. Ở góc độ của não bộ, phán xét sẽ kích hoạt vùng não Limbic tạo nên cảm xúc nhiều hơn, thường là cảm xúc tiêu cực, tức là sự bực bội, cáu gắt, bực mình sẽ kéo tới. Song song đó các chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmitters) cũng sẽ được phóng thích như cortisol hay adrenalin…gây cảm giác rất khó chịu cho cơ thể: tim đập nhanh, hệ thần kinh thực vật bị kích hoạt tiết ra mồ hôi tay, acid trong dạ dày cũng tiết ra nhiều hơn. Bên cạnh đó, chất dẫn truyền thần kinh này gây hủy hoại các mối nối thần kinh trong vỏ não của bạn, gây ra hiện tượng “miscommunication” giữa các tế bào thần kinh. Tóm gọn, mỗi khi chúng ta phán xét một điều gì đó, đặc biệt là sự gây hấn kích động tiêu cực thì cơ thể chúng ta bị tàn phá tương đương với việc bị mất ngủ một đêm. Và càng mất ngủ, bạn càng cảm thấy rất dễ quên vì não của bạn bị đứt các liên kết thần kinh khá nhiều. Đó cũng là lý do vì sao những người hay bị căng thẳng thần kinh (stress) luôn kèm theo biểu hiện mất trí nhớ ngắn hạn (quên chìa khóa để đâu, nấu ăn quên tắt bếp…)
Lấy vài ví dụ để dễ hình dung.
Trong một buổi họp mặt bạn bè thời đại học. Có nhiều người thành đạt, đi ôtô xịn, khoe nhà đất khắp nơi, vị trí cao cấp trong chính quyền... Phản xạ đầu tiên là bạn sẽ cảm thấy chạnh lòng và tủi thân vì không bằng người ta, cảm thấy không muốn tiếp chuyện, có một khoảng cách gì đó vô hình hình thành. Kế đến chúng ta bắt đầu có những phán xét ngầm: chắc nó làm quan ăn hối lộ nên giàu như vậy, chắc nó có chồng giàu sang chứ tài ba gì, chắc nó có của cha mẹ để lại chứ nó mà biết làm gì…bla bla…Bạn không để ý rằng các phản xạ suy nghĩ như thói quen như vậy để lại mấy hậu quả: cơ thể bạn bị tàn phá một chút bởi sự kích hoạt của các chất dẫn truyền thần kinh mang tính tiêu diệt các mối nối thần kinh; bạn mất đi một mối quan hệ xã hội bạn bè một cách rất lãng phí, biết đâu mối quan hệ đó mà giữ được sẽ giúp bạn thay đổi cuộc đời sau này; và về bản chất giả sử bạn không có thành tựu trong cuộc sống chả liên quan gì đến bạn của bạn cả, nên bạn đang trốn tránh và ngụy biện cho sự yếu kém của mình lên người khác. Điều đó vô tình làm cho bạn mất đi cơ hội học hỏi từ người khác.
Nhiều ví dụ tương tự như vậy trong cuộc sống: thấy một người trẻ tuổi giữ chức vị cao hay chủ trì một dự án lớn là bắt đầu phán; nghe một ai đó trình bày một ý tưởng mới, chưa nghe hết là bắt đầu phán; trong văn hóa Việt, chúng ta rất hay phán xét vùng miền, nông thôn-thành thị…hậu quả cuối cùng chỉ làm cho chúng ta sống càng ngày càng bưc bội khó chịu, suốt ngày mặt nhăn mày nhó, giao tiếp xã hội ngày càng kém đi (vì gặp ai cũng thấy khó ưa khó gần), quan hệ xã hội ngày càng giảm, và hiểu biết cũng như tâm thế sẵn sàng cho sự tiếp nhận những cái mới ngày càng kém, từ từ chúng ta trở nên bảo thủ, không cầu thị và bị liệt vào đối tượng “hết thuốc trị” lúc nào không biết.
Nguyên nhân dẫn đến thói quen phán xét của một con người tương đối phức tạp, do nền tảng tri thức, gia đình, xã hội,...Tuy nhiên, việc chúng ta cần làm là luyện tập thói quen “ngừng phán xét”. Đừng để bộ não chúng ta ngày càng tàn phá chính nó và tàn phá cơ thể chúng ta bởi chính thói quen suy nghĩ của chúng ta. Đừng để con người chúng ta ngày càng thụt lùi bởi chính thói quen phán xét mọi nơi mọi lúc của chúng ta. Gọi là luyện tập bởi nó không có dễ tí nào. Không ngày một ngày hai là luyện tập được. Cần phải có sự kiên trì và chúng ta sẽ thấy nó xứng đáng. Khi dừng phán xét, chúng ta sẽ thấy người mình thanh thản nhẹ nhàng, ít bị bực tức, nóng giận, ít bị căng thẳng, và dễ gần gũi với mọi người hơn. Mọi thứ nhẹ nhàng đến và nhẹ nhàng đi, không để lại một mối bực tức khó chịu gì trong chính cơ thể chúng ta. Đó là nội hàm của khái niệm MINDFULNESS, được dịch ra tiếng Việt là Chánh niệm (niệm là những gì thầm nghĩ trong đầu, chánh là trung dung không phán xét). Tuy nhiên, đừng nhầm với khái niệm Chánh niệm trong Bát Chánh Đạo của Phật giáo có từ 2000 năm trước, thiêng về ý nghĩa triết học, nói về con đường tu tập của một người để thoát khỏi khổ đau. Trong khi mindfulness là một thuật ngữ của Tâm lý học hiện đại, nói về trạng thái tâm trí của một con người.
>>> Phán đoán
Khi đứng trước một sự việc, thay vì phán xét chúng ta nên đặt những câu hỏi mang tính phán đoán: điều gì đang xảy ra-what happen; điều gì sẽ diễn ra tiếp theo - what’s next; nếu điều đó xảy ra thì-what if; những điều này để làm gì - what for. Thói quen suy nghĩ này sẽ giúp chúng ta hình thành tư duy logic, mở rộng và liên kết các vấn đề lại với nhau một cách nhân quả (causality), từ đó suy luận và phản xạ nhanh hơn với sự việc. Lâu ngày chúng ta sẽ hình thành được trực giác nhạy bén trước sự thay đổi của bối cảnh, nhạy bén với những xu hướng mới xuất hiện. Từ đó dễ dàng đón nhận và nắm bắt những xu hướng đó. Ví dụ khi bạn nghe nói về tiền số (cryptocurrency). Thói quen phán xét “ôi, ba thứ tào lao lừa đảo, xàm xí…” nên dừng lại, mà thay vào đó nên đặt câu hỏi, nó là gì, tại sao người ta làm ra những thứ này để làm gì, lý do gì để nó tồn tại, cơ sở nào để nó tồn tại, liệu nó có thể thay đổi gì cho cuộc sống chúng ta, khi nào thì những thói quen dùng tiền số này sẽ trở nên phổ biến, mình có nên thử đầu tư để trải nghiệm nó là gì không…trả lời hết những câu hỏi này là làm tăng một lượng nơron đáng kể cho bộ não của bạn.
Câu trúc của bộ não được hình thành bởi sự liên kết các nơron thần kinh, quá trình suy nghĩ và bật ra được những ý tưởng mới, hay hiểu thêm những khái niệm mới là do các liên kết nơron mới được hình thành, càng suy nghĩ mật độ nơron càng dày hơn, mạng lưới nơron phát triển vô tận không có giới hạn. Càng nghĩ sâu sắc càng giúp chúng ta phản xạ về việc gì đó nhanh hơn, phán đoán và suy luận nhanh hơn. Giống như các kiện tướng cờ vua, nhờ luyện tập tư duy mà khi nhìn vào một thế cờ họ có thể phán đoán được 10-20 nước đi kế tiếp của đối thủ. Cơ chế hình thành causal network (mạng lưới nhân quả) của quá trình suy luận của não bộ con người đã được các nhà khoa học thần kinh phát hiện, thuật toán hóa và dạy cho cái máy nó làm, từ đó cái máy biết suy luận logic như con người - người ta gọi đó là AI (artificial intelligence). Với causal network, AI đã tiến xa hơn khả năng con người, kiện tướng cờ vua thế giới có thể phán đoán 20 nước cờ tiếp theo là tới hạn, nhưng với AI khả năng lên tới 200, vượt xa giới hạn não bộ con người.
Tuy nhiên, cần phân biệt rõ, suy nghĩ và lo nghĩ. Lo nghĩ, là sự kích hoạt cảm xúc tiêu cực của sự lo lắng, càng lo chúng ta càng nghĩ, nhưng bản chất của sự suy nghĩ đó là sợ, đó là hiện tượng rumination, cuốn suy nghĩ con người vào trong một sự quẫn trí không thoát ra được, càng nghĩ càng sợ, càng sợ càng sinh bệnh. Đến một lúc nào đó khi cơ thể kiệt sức, con người chỉ muốn kết liễu đời mình để giải thoát lo âu. Nhiều người có thể tự mình thoát ra được sự cùng quẫn của lo âu, nhưng cũng có người không, nên người bên cạnh nếu sớm nhận ra sẽ giúp cho họ đừng có càng nghĩ càng quẫn, càng nghĩ càng bế tắc, càng nghĩ càng muốn kết thúc mọi thứ. Đó là lý do vì sao người rơi vào trạng thái rối loạn lo âu thường hay nghĩ đến cái chết.
Giữ cho tâm trí thoát khỏi lo nghĩ, luôn trong trạng thái suy nghĩ hưng phấn là bản lĩnh của đời người. Suy nghĩ trong hưng phấn có tiêu tốn năng lượng, nhưng không có tàn phá cơ thể. Giống như khi bạn tập trung làm một dự án thú vị bạn có thể có cảm giác đói, cơ thể mỏi mệt do ngồi lâu, khi đó bạn chỉ cần cung cấp thêm năng lượng cho cơ thể, vận động cho máu huyết lưu thông là sẽ có được cảm giác sảng khoái, đầu óc linh hoạt sáng suốt, nghĩ gì cũng nhanh và sâu.
Cuộc sống luôn đặt chúng ta giữa lằn ranh suy nghĩ và lo nghĩ. Cũng như phản xạ tư duy trong tích tắt của chúng ta cũng có thể thay đổi số phận của chúng ta. Ví dụ như khi chúng ta bị sếp phàn nàn về kết quả công việc. Lo nghĩ sẽ dẫn chúng ta đến việc kiếm cơ hội trả thù sếp, còn suy nghĩ sẽ giúp cho chúng ta có cơ hội có được ngày làm sếp. Tiếc rằng 10 người thì hết 8 người muốn băm sếp ra từng mảnh cho hả giận, nên cuối cùng chỉ có được 2 người được chọn làm sếp kế thừa..
>>> Vài lời kết
Tạo hóa hình thành cấu trúc của não bộ, đặt hệ Limbic - nơi kích hoạt cảm xúc làm trung tâm. Nghĩa là khởi động bộ máy cảm xúc luôn nhanh hơn khởi động bộ máy suy nghĩ. Đó là lý do vì sao phán xét luôn dễ và nhanh hơn phán đoán. Lo nghĩ thường xuyên diễn ra hơn suy nghĩ. Nói như vậy không có nghĩa là cảm xúc là tồi tệ cho sự nghiệp của con người. Nếu con người không còn cảm xúc nữa thì sẽ không là con người mà là robot. Cảm xúc còn là động lực để chúng ta dấn thân vào việc gì đó (học làm bác sĩ vì muốn chữa bệnh cứu người). Cảm xúc cũng có thể tạo ra cảm hứng cho những sáng tác nghệ thuật (nhớ người yêu sáng tác)... Vấn đề là đừng để cảm xúc dẫn dắt hành vi, và làm hao mòn trí tuệ của chúng ta. Nói nôm na, nếu cảm cảm xúc tạo cho chúng ta động lực để suy nghĩ thì sẽ làm giàu cho trí tuệ của chúng ta. Còn cảm xúc dẫn đến sự lo nghĩ thì cần phải tập kiểm soát và hạn chế.
Thay đổi thói quen suy nghĩ, giảm phán xét, tăng phán đoán, làm một lộ trình thay đổi tư duy của con người, đồng thời thay đổi cấu trúc của chính bộ não chúng ta. Cấu trúc não bộ ảnh hưởng đến suy nghĩ của một người, nhưng đồng thời thói quen suy nghĩ (được học từ môi trường xã hội) lại tác động ngược lại, định hình lại cấu trúc của não bộ. Từ đó não bộ tiếp tục tác động lại suy nghĩ của chính người đó. Quá trình mang tính chất tác động tương hỗ này được gọi là Neuroplasticity. Đó là lời giải cho chúng ta hiểu tại sao hoàn cảnh ảnh hưởng đến con người, và con người cũng có thể tạo ra hoàn cảnh, nếu như chúng ta có duyên Giác ngộ (enlightenment). Để mở được cái duyên giác ngộ cho cuộc đời chúng ta, hãy “let’s go and see”, ngồi một chỗ duyên không tự đến được. Tăng cường các kết nối xã hội (social connection) của bạn, duyên sẽ đến.