Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2022

Y TẾ, NGƯỜI GIÀU VÀ NGƯỜI NGHÈO.

Trong xã hội, không thể không có sự phân tầng giàu nghèo. Ngày xưa Pol Pot từng không chịu chuyện này nên đã đẩy 2.5 triệu người dân Campuchia xuống mồ trong vòng chưa tới 10 năm, gây nên trận thảm sát đau thương nhất trong lịch sử nhân loại. Các công xã, gõ cái beng thức dậy ra đồng, gõ cái beng leo lên giường ngủ, gõ cái beng giao hợp, đích thực là các trại súc vật.

Trong công nghiệp, đất nước Volga xinh đẹp từng mơ ước phân phối cho mỗi người dân một chiếc ô tô mang tên dòng sông thơ mộng của họ với mức giá bằng giá thành sản xuất, bởi lấy lời là bốc lột, lấy lời là tội ác. Kết cuộc, có người chờ đến chết vẫn chưa tới lượt mình được phân phối chiếc xe ước mơ để đi. Ai muốn có xe trước khi chết thì chịu khó “chợ đen, chợ đỏ”, những chuyện hãi hùng này không người dân VN nào cầu mong nó trở lại. Trong nền kinh tế thị trường, chúng ta phải chấp nhận một “giải pháp phân phối” người giàu được dùng trước những ưu việt, để các nhà công nghiệp có tích lũy đầu tư, thì sau đó người nghèo mới có cái tương tự mà dùng. 20 năm trước, điện thoại di động là xa xỉ mới mức giá 20tr/cái, nhưng nay 3 tr cũng có smartphone dùng tốt rồi. Đó là do “nhà giàu dùng trước” mà ra. Nếu chúng ta không chấp nhận chuyện này, tất cả không ai được cái gì cả, mà chỉ có “chợ đỏ chợ đen” được nhiều nhất.
Trong y tế. Vâng, khi nói đến y tế. Bất cứ nơi đầu trên trái đất này, người ta cũng sẽ dùng cái câu ngụy biện kinh điển để phủi hết tất cả sự giúp sức của các lĩnh vực khoa học khác “y tế nó khác “– đó cũng là sự cao ngạo kinh điển của ngành y. Vâng, không gì quý hơn mạng người, nên nó phải khác. Vậy y tế sẽ khác cái gì?
Trước hết, y tế phải là một ngành khoa học. Nếu y tế không là ngành khoa học thì lang băm thổi lỗ tai sẽ lộng hành, loài người sẽ cúng bái thần linh phù hộ cho sức khỏe như các bộ tộc còn sót lại trong rừng già Amazon. Y tế không chỉ là một ngành khoa học mà còn là một ngành khoa học liên ngành cực kỳ tốn kém, bởi tất cả các nghiên cứu trong y khoa điều đòi hỏi sự thẩm tra, tuân chuẩn nghiêm ngặt ở mức độ cao nhất trong tất cá các lĩnh vực khoa học. Tiền ở đâu ra để làm chuyện này. Giả sử đó là tiền nhà nước cấp toàn bộ, thì bản chất cũng là tiền thuế của dân. Giữa người giàu và người nghèo ai đóng thuế nhiều hơn. Vậy chả phải người giàu gián tiếp tài trợ nhiều hơn cho nghiên cứu y khoa sao.
Giới khoa học hàn lâm thường sống trong một giả định cực kỳ ảo tưởng. Nhiệm vụ của tui là nghiên cứu mang đến tri thức cho loài người, ai đó phải lo tiền cho tui, đó là nhiệm vụ của các người. Ủa mà người đó là ai vậy? Giới khoa học nên nhớ rằng, cái kiếm đâu ra tiền cho các người nghiên cứu mới thực sự là cái khó nhất của loài người. Nên, cả thế giới này, nghiên cứu cũng phải định hướng “đồng tiền”, nghĩa là phải dựa trên nhu cầu của cuộc sống, để còn có khả năng thương mại hóa cái nghiên cứu đó mà tích lũy vốn để nghiên cứu tiếp. Nên, chốt lại, nghiên cứu ngày nay bản chất là một quá trình đầu tư “tiền sinh ra tiền”. Việc chúng ta có thể làm là vận động các nhà đầu tư khi đầu tư vào nghiên cứu trong y tế đừng kỳ vọng quá mức về lợi nhuận, đừng biến cái trung tâm nghiên cứu y khoa thành cổ máy cào tiền cho cổ đông. Cả UN, WHO… lâu lâu cũng phải thỉnh các công ty dược, trang thiết bị y tế tới ngồi trò chuyện lay động lương tri. Túm lại, nhà khoa học nào không chấp nhận chuyện nghiên cứu là một quá trình đầu tư xin mời lên sao Hỏa sống, thần tiên trên đó sẽ trợ giúp cho chúng ta.
Chúng ta phải chấp nhập một hiện thực rằng không có quốc gia nào có đủ tiền nuôi hết, nuôi tất, nuôi từ A đến Z ngành y. Và cũng không nên làm chuyện đó nếu có tiền, bởi thực chất tiền cũng không đi được đến chổ mà nó cần, không có tiền thì than trời, có tiền rồi cũng không ngồi bàn để làm mà bàn để chia là chính. Nên chúng ta phải chấp nhận cái chuyện Y tế như một service business, chúng ta phải chấp nhận đưa cuộc chơi cạnh tranh lành mạnh vào để điều chỉnh hành vi kinh doanh, dùng cạnh tranh để thúc đẩy các tổ chức phải làm tốt hơn, nếu không phải dẹp tiệm, hình phạt phá sản là hình phạt duy nhất trên trái đất này buộc con người ta tự nguyện lao động đến mức chết trên bàn làm việc. Nhưng, tính chất dịch vụ của y tế là professional service, knowledge – intensive service, chứ không phải là hedonic service (dịch vụ mua vui, vui chơi giải trí, tiêu dùng, mua sắm,…bla bla, bỏ tiền ra cho sướng cái tấm thân, thỏa mãn cái tôi, thích người khác hầu hạ, xưng tụng…). Làm ơn phân biệt cho rõ cái chuyện này.
Trong một bệnh viện có 2 lớp dịch vụ:
- Core service là medical service mang tính knowledge – intensive service. Đây là thứ có thứ tự ưu tiên cho người nguy cấp nhất, bệnh khó nhất, nguy hiểm nhất. Vào khoa cấp cứu không phải quăng tiền ra là được ưu tiên. Vào bệnh viện không phải quăng tiền ra là gặp được giáo sư (vậy hóa ra giáo sư là con lân múa vui à! tiền lì xì càng nhiều múa càng hăng). Ai, chính chúng ta, những nhà quản lý bệnh viện tài ba đã tạo ra điều ngang trái này chứ ai! Với core service, trật tự và thứ tự được quyết định bởi mệnh lệnh của khoa học y tế, bởi trình tự chuyên môn. Chứ không phải quăng tiền ra là mổ trước, bệnh của đại ca lãnh đạo được mổ trước, bất chấp ai đang nguy kịch phải chờ đợi, nhường phòng mổ cho người quăng tiền vào đó rữa móng chân…Chính chúng ta, những nhà quản trị y tế tài ba đã dạy cho xã hội này vào bệnh viện quăng tiền là được sống, không tiền thì hên xui, chứ ai khác bây giờ.
- Value-added service hay non-medical service chính là các dịch vụ mang tính hedonic (phục vụ cái sự sung sướng tấm thân). Massage vai gáy, nằm phòng tổng thống, xe riêng đưa đón, hành lang lối đi riêng bảo mật, đầu bếp tiêu chuẩn 5 sao,…bla bla…Với những dịch vụ non-medical này thì tiền nhiều sẽ được hưởng nhiều, và không có giới hạn, tùy vào khả năng chi trả. Tiền ít thì phải chịu khó đi tàu hỏa, xe đò. Tiền ít thì phải chịu khó ngồi ghế economy. Tiền ít mà đngồi business class thì đó mới là trái với quy luật.
Tôi thường khuyên các giám đốc bệnh viện rằng, đừng tập trung tăng tỷ suất lợi nhuận vào medical service quá, vì nó rất dễ đẩy chúng ta vào vi phạm y đức (lạm dụng xét nghiệm, cận lâm sàng, chỉ định mổ khi chưa cần chỉ định…lạm dụng những thứ này bệnh viện được 1, nhà sản xuất hóa chất được 3, nên giống như chúng ta đang mang uy tín của mình đi làm mọi cho ngoại bang vậy), hãy tập trung tăng tỷ suất lợi nhuận vào non-medical service, thứ này thì không cần “tiết kiệm” cho nhà giàu (tiền họ nhiều lắm, hãy cho họ lý do để dùng). Chúng ta cần làm non-medical service cho tốt trong bệnh viện để từ đó có tiền đầu tư cho con người, cho nghiên cứu, cho nâng cao năng lực chuyên môn.
Năng lực chuyên môn y tế VN hoàn toàn có khả năng “xuất khẩu tại chỗ” nghĩa là mời bệnh nhân các nước đến VN vừa du lịch vừa chữa trị. Ví dụ như ngành nha, IVF, mắt, thẩm mỹ, da liễu, huyết học…có chuyên môn hoàn toàn ở tầm châu lục. Nhưng cái mà các bệnh viện thiếu là cơ chế và sự chuyên nghiệp trong làm dịch vụ y tế. Tháo được nút thắt này thì y tế sẽ mang ngoại tệ “ròng” về cho đất nước không thu bất cứ lĩnh vực công – nông nghiệp nào khác. Trước hết là 50-60 ngàn chuyên gia, người lao động nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại VN, họ hàng năm phải bay về nước khám bệnh, tốn kém chi phí rất lớn cho doanh nghiệp. Chỉ riêng nhóm này thôi cũng là một thị trường có độ lớn không dưới 200 triệu USD cho các bệnh viện VN rồi. Mang tư duy kinh doanh vào trong y tế không có tội. Dùng quyền sanh sát để buộc người khác đưa tiền, đó mới là tội. Cần phải khuyến khích làm ra tiền chính đáng chứ không phải khó quá thôi cấm đi cho nó lành.
Thách thức lớn nhất trong y khoa là làm gì để có tiền để còn tái đầu tư và phát triển. Để làm điều đó, đầu tiên phải là cho y khoa “có lời”, nhưng không phải có lời rồi nhà đầu tư đem chia nhau hưởng thụ. Mà có lời thì mới đầu tư tiếp được. Càng làm càng lỗ, càng cụt vốn thì phá sản mất rồi lấy đâu mà phát triển được. Mà muốn có lời thì phải chấp nhập chức năng NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN (R&D) trong bệnh viện. Nghiên cứu cái gì, phát triển cái gì để còn vượt lên phía trước, để còn tạo ra lợi thế cạnh tranh, để còn “thu hút nhà giàu trả tiền trải nghiệm trước, rồi từ từ nhà nghèo sẽ có”.. 30 năm trước cận thị được xem như là bệnh mãn tính. Nhờ nhà giàu chịu chi vài trăm triệu mổ Lasik trước nên bây giờ nghèo nghèo cũng bỏ ra vài chục triệu mổ được. Công nghệ ra đời cần người trả tiền để tái đầu tư, cái gì cũng đi phát hết thì có cào hết ngân sách nhà nước ra tài trợ cũng không đủ. Ai không chấp nhận được chuyện này thì xác định đời đời ăn bám ngân sách mới tồn tại được.
Bảo hiểm y tế. Trong xã hội, người bệnh nhiều bệnh ít, bệnh nan y, bệnh thông thường…không phụ thuộc vào giai tầng, gia cấp gì cả…bản chất đó là một sự thiếu may mắn. Xã hội cần có trách nhiệm chia sẻ với những người này. Ai ít bệnh hơn chia sẻ cho người bệnh tật nhiều hơn. Có người đóng bảo hiểm y tế 20-30 năm chưa dùng đồng nào, những người này sẽ trợ giúp cho những người suốt ngày ăn cơm bệnh viện. Việc mà BHYT cần làm là xây dựng một cơ chế để điều tiết chuyện này. Xây dựng một cái ngưỡng và một tỷ lệ chi trả phù hợp cho những người thực sự cần chi trả. Và thuyết phục đám đông rằng, đời các anh rất may khi không phải dùng đến đồng tiền BHYT mà mấy anh đã đóng, không dùng nó mấy anh không có thiệt thòi gì cả. Chứ không phải cứ có đóng tiền vào BHYT là cứ tìm cách đi lấy lại cho bằng được để đỡ thiệt thòi. Đó là sự trục lợi bất lương, sự trục lợi đó sẽ làm mất đi cơ hội được sống cho nhiều người khác chẳng may bệnh nặng.
BHYT bản chất là một ngành khoa học y khoa, nơi cần được các nhà khoa học nghiên cứu độc lập đưa ra tiêu chí phân loại để quyết định cái gì là bệnh nặng, cái gì là bệnh nhẹ, cái gì là cần trợ giúp tài chính, cái gì là không? Nhấn mạnh rằng, nó phải được hội đồng KHOA HỌC Y KHOA độc lập xem xét. Chứ không phải là một vài chuyên viên y khoa của BHYT ngồi biên soạn cái danh mục phán bệnh gì phải điều trị cái gì cho tất tần tật mọi loại bệnh tật trên đời. Thế thì khác nào mời các chuyên viên y tế này làm giám đốc chuyên môn cho hết tất cả các bệnh viện luôn cho nó gọn. Không ai trên đất này làm cái chuyện lạ lùng này như VN.
An sinh xã hội. Người nghèo trong một xã hội cần được trợ giúp một phần nào đó cho qua cơn bĩ cực. Không một quốc gia nào mà người dân đóng thuế chịu nuôi một đám người ngồi nhậu nhẹt be bét rồi giơ tay xin tiền trợ cấp. An sinh xã hội là một ngành khoa học xã hội nghiên cứu việc xây dựng cơ chế, cách thức đánh giá thực sự một ai đó cần được trợ giúp cho qua cơn bĩ cực hay không. Tính khoa học đòi hỏi một đội ngũ chuyên viên chuyên nghiệp, một cơ chế minh bạch có sự giám sát gắt gao của toàn xã hội. Người nghèo không may mang bệnh nặng là nỗi đau, nỗi bất hạnh rất đáng được cứu giúp trong bất kỳ quốc gia nào. Những người này họ cần được 2 sự trợ giúp từ BHYT và các chính sách an sinh xã hội.
>>> Vài lời cuối
Mọi sự rối ren trên đời cần được bóc tách để nhìn chi rõ chân tướng sự việc. Từ đó mới có cách giải quyết và mới có thể giải quyết được. Làm quản lý là giải quyết vấn đề không phải làm cho vấn đề rối như canh hẹ thêm.
Ngành y VN cần bóc tách từng vấn đề để giải quyết, đừng trộn tất cả: y khoa, an sinh xã hội, bảo hiểm y tế, chính trị…vào trong một cái bệnh viện. Làm cho nó ngày càng ngạt thở và trở thành cái chổ CẦN PHẢI CẤP CỨU NHẤT. Bệnh viện tốt nhất là nơi thuần túy là y khoa và các dịch vụ y khoa để có nguồn tiền tích lũy để phát triển. Hãy tách những chuyện khác ra khỏi bệnh viện để có đơn vị chuyên nghiệp hơn để lo. Cần rành mạch rằng:
- Bệnh viện không phân biệt công tư, đều phải được chi trả một cách đúng bản chất. Chi trả bởi BHYT - thay mặt người đóng BHYT, bởi cơ quan an sinh xã hội – thay mặt người đóng thuế trợ giúp người khó khăn,…và chi trả trên tinh thần cạnh tranh, các cơ quan nhà nước cũng phải đi tìm nơi nào cạnh tranh hơn để chi trả.
- Bệnh viên công bản chất là do nhà nước đầu tư, là từ tiền thuế của dân, thì cũng phải tính đúng tính đủ để lấy lại tiền đầu tư, để còn đi đầu tư nơi khác. Không phải đầu tư là tan biến đâu đó không biết, thế thì biết bao nhiêu tiền đầu tư cho đủ.
Đừng gộp hết tất cả mọi thứ và nhét vào bệnh viện để rồi hành hạ nhân viên y tế nữa. Trả lại môi trường làm việc khoa học, trả lại niềm đam mê y học cho nhân viên y tế, đừng cuốn họ vào những thứ vô bổ và không phải là bổn phận của họ nữa. Đừng tiếp tục bóp méo mọi quy luật để rồi phải dùng luật rừng để giải quyết, hậu quả cuối cùng là người dân gánh tất cả sự duy ý chí của chính những người suốt ngày hô hào do dân vì dân.
Tôi viết bài này, cũng xác định làm phiền lòng nhiều lãnh đạo không ưng những quan điểm thế này và càng không muốn nó lan truyền ra xã hội. Nhưng xin lỗi, lời thật thường mất lòng, tôi không còn cách khác.
Xin lượng thứ.
Trân trọng cám ơn.

DOANH NHÂN VÀ KỸ SƯ

Tôi thường nói với sinh viên Bách Khoa, nếu không có doanh nhân và kỹ sư, khoa học không thể đến với đời sống con người.

Mỗi năm Hoàng gia Thụy Điển đều trao giải Nobel cho những nghiên cứu có tiềm năng ứng dụng mang đến lợi ích to lớn cho con người. Nhưng tiếp theo ai sẽ là người cụ thể hóa những tiềm năng đó? Nếu không phải là kỹ sư và doanh nhân. Năm 2022, hóa học Click được vinh danh. Nếu là dân tổng hợp hóa hữu cơ, ai cũng sẽ hiểu tiềm năng ứng dụng và lợi ích của công trình này to lớn như thế nào với thế giới loài người. Nhưng tất cả ở “tiềm năng”, sẽ không có cái gì sờ được, ngó được, nếm được, xài được, bán được…nếu không có doanh nhân và kỹ sư.
Nhà khoa học say sưa nghiên cứu, công bố các kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học, đóng góp vô vàn tri thức cho nhân loại. Ai cũng có quyền tiếp cận để đọc và học. Thước đo của nhà khoa học là các công trình công bố trên tạp chí khoa học uy tín, và sự ảnh hưởng của các công trình này thể hiện qua mức độ trích dẫn của các nghiên cứu tiếp theo (Impact Factor).
Kỹ sư là người hiểu và vận dụng các nguyên lý khoa học vào thực tiễn để giải quyết các bài toán, các vấn đề gần gủi với cuộc sống con người, và đương nhiên con người muốn dùng phải trả tiền cho việc đó tùy vào mức độ đáng đồng tiền bát gạo (pay for value). Vậy thước đo của kỹ sư là gì, đó là phát minh sáng chế (patent), là sở hữu trí tuệ (Intellectual Property). Cuộc đời của một người kỹ sư có được 5-10 phát minh coi như thành công, có một cuộc đời đáng sống, có ích cho xã hội, và là niềm tự hào cho con cháu…
Nhưng, kỹ sư sẽ không thể ra đường hứng không khí mà phát minh được, người kỹ sư cần một môi trường kinh doanh, môi trường cạnh tranh khốc liệt để biết mình phải giải quyến vấn đề kỹ thuật gì, vấn đề khách hàng gì, vấn đề kinh doanh gì. Chính doanh nghiệp, trong quá trình phát triển sản phẩm dịch vụ sẽ đặt hàng “bí quyết” (know-how) cho bài toán cạnh tranh, từ đó làm động lực thôi thúc kỹ sư sáng chế, chế tạo, phát kiến, phát minh ra những giải pháp hữu ích để tạo dựng năng lực cạnh tranh cho tổ chức mình đang tham gia. Chính vì vậy, tổ chức là chủ sở hữu của phát minh, còn cá nhân kỹ sư có quyền đồng tác giả, tất cả là tài sản của tổ chức và được pháp luật bảo vệ. Giữa kỹ sư và tổ chức kinh doanh là một mối quan hệ cộng sinh, tổ chức đóng vai trò là hệ sinh thái, kỹ sư đóng vai trò thực thể cấu thành hệ sinh thái. Kỹ sư mang tri thức của mình đóng góp vào Tri thức tổ chức, và Tri thức tổ chức cũng nâng cao năng lực trí tuệ cho kỹ sư. Sự phát triển liên tục của tri thức của tổ chức là yếu tố then chốt cho sự phát triển trường tồn của một tổ chức. Người kỹ sư học ở trường đại học 5 năm, nhưng học ở tổ chức kinh doanh là CẢ ĐỜI. Ở trong trường, kỹ sư học về Engineering, trong doanh nghiệp kỹ sư là người tạo ra Technology.
Cuối cùng, vậy ai là người tạo nên một tổ chức kinh doanh nếu không phải là doanh nhân. Doanh nhân, đầu tiên là người có năng lực quan sát cuộc sống, nhận ra những nhu cầu của con người, phát hiện những vấn đề hiện tại, tiềm ẩn, hay sẽ diễn ra trong tương lai mà con người cần (mà chưa có) phương cách để giải quyết. Kế đến, doanh nhân sẽ gầy dựng lên một tổ chức để có thể tạo ra sản phẩm dịch vụ mà thông qua nó để giải quyết những vấn đề đã, đang và sẽ xảy ra cho con người. Doanh nhân là người kiến tạo ra các giá trị cho cuộc sống. Giá trị kiến tạo càng lớn, lợi ích mang đến cho con người càng lớn, giải quyết những vấn đề càng hóc búa, thì tổ chức mà doanh nhân gầy dựng đó càng có giá trị cho xã hội, và đương nhiên càng có giá trị về kinh tế, càng phồn vinh và thịnh vượng. Tạo giá trị cho xã hội trước, rồi sự thịnh vượng chung cho tổ chức sẽ tới, không ngừng kiến tạo ra nhiều giá trị hơn cho xã hội để tổ chức mãi trường tồn - đó là doanh nhân sáng nghiệp (Entrepreneurs). Quốc gia nào, càng nhiều doanh nhân sáng nghiệp, quốc gia đó càng thịnh vượng, … và ngược lại.
Nuôi dưỡng niềm đam mê sáng chế, nuôi dưỡng hoài bão mang đến nhiều hơn giá trị cho cuộc sống, chính là sứ mệnh của giáo dục. Giáo dục từ trong gia đình ra ngoài xã hội. Mỗi con người là một thực thể khác biệt, có tiềm năng khác biệt, nhiệm vụ của giáo dục không phải là nặn khuôn mà là tạo điều kiện cần thiết để phát huy hết khả năng tiềm ẩn trong mỗi con người – đó là giáo dục khai phóng. Nền giáo dục tốt sẽ sản sinh ra nhiều nhà khoa học, nhiều kỹ sư, nhiều nhà sáng nghiệp, thì đất nước sẽ phồn vinh,…VÀ NGƯỢC LẠI!
(*) Bài viết này là một nén hương tiễn biệt Giáo sư Phạm Phụ, người đã sáng lập nên Khoa Quản lý công nghiệp – một khoa Quản trị đặt trong một trường kỹ thuật – Bách Khoa, với sứ mệnh kết nối giữa Kỹ sư và Doanh nhân. Lúc tôi ngồi viết bài này, thân xác ông đang từ từ trở về tro bụi, tinh trí ông đã hòa tan vào hư không, nhưng tinh thần của ông sẽ còn mãi mãi.
------------------
TOP 10 inventors of all time
Thomas Edison. ...
Archimedes. ...
Benjamin Franklin. ...
Louis Pasteur and Alexander Fleming. ...
the Montgolfier brothers and Clément Ader. ...
Nikola Tesla. ...
Auguste and Louis Lumière. ...
Tim Berners-Lee.

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2022

CHẤT LƯỢNG VÀ GIÁ TRỊ

 

Một chiếc Wave alpha khoảng 14 triệu, một chiếc SH nhập từ Ý khoảng 300 triệu. Chúng ta không thể so sánh giá trị với nhau được. Một chiếc phục vụ di chuyển, bền, tiết kiệm, ít hư hỏng lặt vặt, đổ xăng thay nhớt, thay nhông sên dĩa, thay lốp là cứ chạy tới tới, chạy đến khi nào nát hết thì thôi. Một chiếc phục vụ nhu cầu xã hội, thể hiện bản lĩnh đẳng cấp cá nhân, thể hiện phong cách cá nhân, thể hiện “ta là ai trong cõi đời này”, nó phải có thiết kế rất “thể hiện”, nó phải được trang bị các tính năng ưu việt vượt trội thời đại nhất, nó phải được trưng bày ở nhưng nơi sang trọng nhất,…túm lại người ta phải làm mọi thứ để ai đó xuống tay 300 triệu luôn cảm thấy đáng đẳng cấp của mình.

 

Tuy nhiên, tất cả hai chiếc này Wave alpha hay SH nếu bị trục trặc hư hỏng sai lỗi dẫn đến không chạy được, vừa chạy vừa lo không biết giữa đường có chết máy không, không biết thắng có ăn không,…thì tất cả chỉ là RÁC. Và không ai bỏ tiền mua rác dù là bao nhiêu tiền đi nữa, vì mua rác về rất phiền là phải mang đổ, là rước sự bực bình, là cảm thấy mình rất ngu ngốc, là đốt tiền nấu trứng.

 

CHẤT LƯỢNG trước tiên phải là không hư hỏng khuyết tật (zero defects). GIÁ TRỊ là đáng đồng tiền bát gạo. Mỗi người sẽ tự biết mình có bao nhiêu tiền và có những nhu cầu tự thân khác nhau để xuống tiền cho cái mình gọi là đáng, đó là quyền của con người, miễn đừng lấy tiền của người khác là được, miễn chơi là không hối tiếc là được, miễn là chịu được trách nhiệm với cá nhân chính mình là được. Đừng chơi cho đã bắt người khác chịu trách nhiệm là được.

 

CHẤT LƯỢNG tốt sẽ gia tăng giá trị, từ đó gia tăng giá bán, gia tăng khả năng chi trả. Trong cùng phân khúc của Wave alpha, thì người dùng sẽ chi trả cao hơn khoảng 10-15% cho danh tiếng về chất lượng (giá trị cảm nhận) so với những đối thủ khác, cái này không phải là hữu danh vô thực, mà là qua sự sàng lọc khắc khe của thị trường. Không hư hỏng khuyết tật, tức giảm được nhiều chi phí cho bảo hành bảo trì, khiếu nại khiếu kiện nên chi phí vận hành sẽ thấp hơn đối thủ. Trong cùng phân phân khúc mà ta bán giá cao hơn đối thủ, chi phí ta thấp hơn, nghĩa là ta có NĂNG LỰC CẠNH TRANH tốt hơn, nên ta sẽ dẫn đầu phân khúc. Ta có lợi nhuận tốt hơn, từ đó tích lũy nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn, càng duy trì lợi thế cạnh tranh bền vững hơn, đó là BEST-IN-CLASS.

 

GIÁ TRỊ đến từ năng lực đổi mới sáng tạo (Innovation). Cạnh tranh là ở đâu đó luôn có kẻ nào đó rình rập ủ mưu thay thế lật đổ ta thông qua những điều mới mẽ có giá trị vượt trội hơn (value innovation) cho người dùng. Nên nếu ta muốn duy trì lợi thế của kẻ dẫn đầu, người tạo ra cuộc chơi, việc chúng ta cần làm là sáng tạo ra giá trị mới nhiều hơn người khác. Sáng tạo đến mức những kẻ bắt chước cũng phải hụt hơi, sáng tạo đến mức người dùng phải thốt lên ông định nghĩa cái gì thì tôi biết cái đó là cái đó. Sáng tạo đến mức kiến tạo cái “thế giới này là của chúng mình”. Đó là sự độc quyền của sáng tạo, ta có được sự độc quyền do người dùng cấp phát chứ không phải do nhà nước cấp phát. Đương nhiên, để có được sự độc quyền do người dùng cấp phát không hề đơn giản, nên ai cũng muốn tìm kiếm sự độc quyền do nhà nước cấp phát, nên nhà nước càng cấp phát thì càng nuông chiều sự ỷ lại và xem thường người dùng, chả ai nghe người dùng cả, chỉ nghe nhà nước thôi.

 

Kinh doanh là làm ra cái gì đó có chất lượng, có giá trị mà một nhóm người ta đó sẵn sàng chi trả, tự nguyện vui vẻ đón nhận, thậm chí khát khao mong đợi. Nếu chúng ta kinh doanh không thành công thì hoặc là những thứ ta làm ra không có giá trị hoặc người ta chưa cảm nhận được giá trị, hoặc là có giá trị nhưng họ không có khả năng chi trả. Việc chúng ta cần làm là thấu hiểu người dùng hơn để hiểu hơn với họ cái gì là giá trị, phù hợp cho từng nhóm người dùng nhất định. Từng nhóm người trong xã hội sẽ cảm nhận cái gì đó là có giá trị hay không khác nhau.

 

Kinh doanh là mang giá trị cho cuộc sống thông qua năng lực sáng tạo của tổ chức. Thế giới này không ai chăm tạo ra giá trị như những người làm kinh doanh, vì không tạo ra giá trị họ sẽ bị đào thải, không ai tiếc thương cho họ cả. Thế giới này sẽ không có ai mang khoa học công nghệ vào đời sống của đại đa số người dân nếu không có người làm kinh doanh, vì khoa học công nghệ với người làm kinh doanh là chìa khóa của cạnh tranh, họ ngày đêm mày mò công nghệ không phải là em yêu khoa học mà để giữ cho được cái vị thế độc tôn của mình. Thế giới này sẽ không có ai rảnh đi tạo ra sản phẩm dịch vụ có chi phí thấp hơn để cạnh tranh nếu không có những người làm kinh doanh, không phải họ yêu thương cuộc đời muốn làm từ thiện cho nhiều người dùng giá rẻ, tất cả xuất phát từ động lực cạnh tranh và cạnh tranh. Không cạnh tranh được ngày mai không còn ai nhớ họ là ai. Sự khắc nghiệt của cạnh tranh làm cho họ phải bật dậy lúc 4 giờ sáng, làm cho họ bay 3000 km một ngày, làm cho họ làm việc và ói ra máu gục chết tại bàn làm việc để bảo vệ danh dự và uy tín của mình.

 

Sản phẩm, dịch vụ trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện: thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, y tế, giáo dục... Là những ngành nghề mà sự khuyết tật, hư hỏng, sai sót sẽ tác động trực tiếp đến tính mạng con người. Trong khả năng thông thường người dùng không thể đánh giá được đến khi họ bị gây hại. Hoặc sản phẩm dịch vụ thuộc nhóm CẦN nhưng không MUỐN (y tế chẳng hạn). Với những lĩnh vực này vai trò của nhà nước là ban hành các điều kiện kinh doanh PHẢI CÓ và những chuẩn mực chất lượng TỐI THIỂU về sản phẩm dịch vụ,hệ thống quản lý. Và được sự giám sát, đánh giá thường xuyên, đó gọi là SỰ ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG. Ngoài ra trong những lĩnh vực này, vai trò của tổ chức thứ ba độc lập đánh giá để người dùng tham chiếu, tham khảo, tham vấn là rất quan trọng. Những tổ chức này vì sự tồn tại của mình phải tự xác lập tính chuyên nghiệp và độ tin cậy, nếu không chính họ sẽ bị đào thải trước (trừ khi họ do nhà nước lập ra thì không ai dám thải).

 

Với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà để xảy ra những trường hợp sản phẩm dịch vụ dưới điều kiện tối thiểu, không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu như: dao mổ cắt da không đứt, stent bị gẩy trong mạch máu, máy thở bơm không chính xác, máy đo đo không đúng kết quả….thì đó vấn đề của các hệ thống quản lý, hoặc các vấn đề tiêu cực tham ô tham nhũng. Tất cả cần phải được truy tìm nguyên nhân gốc rễ để ngăn chặn sự việc cho tương lai. Việc hô hoán ra toàn xã hội gây hiểu sai lệch vấn đề và sẽ góp che lắp gỡ tội cho tiêu cực (nếu có).


Thứ Ba, 4 tháng 10, 2022

CRITICAL THINKING

Bác sĩ thường khuyên nên ăn nhiều rau sẽ tốt cho sức khỏe. Nhưng ông nông nghiệp bảo, cẩn thận coi chừng ăn rau nhiều chết nhanh hơn. Hai ông có vẻ mâu thuẫn nhỉ.

Trong các cuộc tranh luận, mỗi người chúng ta thường đứng trên một quan điểm chuyên môn (perspective). Mỗi quan điểm chuyên môn thường có những lý thuyết mang tính nhân quả (nếu làm cái này thì sẽ dẫn đến cài này…) và những giả định ngầm (assumption).
Phát biểu của bác sĩ dưới gốc nhìn của y khoa và các chứng cứ y học về ăn rau tốt cho sức khỏe, nhưng có một giả định ngầm đó là “rau an toàn và chất lượng”. Ông nông nghiệp cũng phát biểu với chứng cứ nông học với bối cảnh (context) diễn ra tại VN, với sự hiểu ngầm về thực trạng mất kiểm soát sự an toàn thực phẩm hiện nay.
Phàm, sự việc trên đời không có đúng sai tuyệt đối, chỉ có đúng/sai, phù hợp/không phù hợp trong một phạm vi hẹp của bối cảnh, của quan điểm lý thuyết và các giả định ngầm kèm theo nó. Mỗi tổ chức, con người ở trong đó đều rất đa dạng ngành nghề, đa dạng trải nghiệm, đa dạng quan điểm lý thuyết (perspectives). Nên để sự đa dạng đóng góp vào sự hình thành tri thức chung (chứ không phát sinh thêm xung đột), chúng ta cần luyện tập cho mỗi người Tư duy phản biện (Critical Thinking) để sử dụng trong các buổi họp, thảo luận, làm việc nhóm…
1. Luôn lắng nghe trước để hiểu người nói đang đứng ở lập trường quan điểm gì và ở quan điểm đó đang ẩn chứa những giả định gì.
2. Luôn đặt câu hỏi xác nhận về cách chúng ta hiểu về cách họ đứng trên quan điểm nào để lập luận. Những câu nói nên dùng khi thảo luận: “qua những gì bạn chia sẻ (trình bày) tôi hiểu bạn đang đứng ở quan điểm ….(chứng cứ y khoa), có phải bạn cho rằng …. (ăn rau an toàn sẽ tốt hơn cho sức khỏe?).
3. Đề xuất một quan điểm khác để mở rộng góc nhìn, mở rộng tri thức, mở rộng sự hiểu biết. Câu nói nên dùng khi thảo luận:” Tôi nghĩ rằng chúng ta cần xét thêm quan điểm về … (an toàn thực phẩm) khi phân tích vấn đề này, …. (có đến 80% rau nhiễm dư lượng thuốc BVTV đang lưu hành hiện nay trên thị trường, do đó có thể ăn nhiều rau sẽ chết nhanh hơn).
4. Thường xuyên luyện tập và thảo luận với tư duy phản biện, chúng ta sẽ có nhiều hơn cơ hội gia tăng tri thức, gia tăng sự hiểu biết, và gia tăng ý tưởng cho giải quyết vấn đề. Ăn rau cũng chết, không ăn rau cũng chết, vậy liệu chúng ta có cơ hội kinh doanh mới là nhập viên rau ăn liền, canh ăn liền của người Nhật về cung cấp cho dân văn phòng chăng?
Critical thinking đã có từ thời triết học cổ đại (Aristotle, Socrates, Platon) chứ chả phải mới mẽ gì. Trong nghiên cứu khoa học, những bài báo đáng đọc là những bài challenging assumption – thách thức các giả định truyền thống, bởi đó thường là những bài báo mang đến một trường phái nghiên cứu mới (shifting paradigm). Trong innovation, challenging assumption là technique quan trọng để chúng ta tìm kiếm những breakthrough ideas để tái định vị đối thủ, mở ra đại dương xanh…(ai bảo son môi chỉ dành cho phụ nữ, tại sao đàn ông không thể dùng son môi)
Tuy nhiên, trong các tổ chức hiện nay, người ta (thường là sếp) thường không thích nghe ai đó nói khác cách mình nghĩ. Bởi, phàm ở đời, người ta không sợ người giúp mình mở mang trí tuệ, mà chỉ sợ người chống đối làm phản, làm lung lay cái ghế của mình. Nên nghe ai nói cái gì khác khác là cứ chụp cho nó cái mũ, gắn cho nó cái nhãn cá biệt (để mọi người xa lánh và cô lập nó). Nên từ từ môi trường làm việc chả ai muốn bày tỏ suy nghĩ, bày tỏ quan điểm gì cả, ù ù cạc cạc cho nó qua ngày. Hậu quả là khi tổ chức đối diện với khó khăn thực sự, khi đó người ta không tìm đâu ra được người có ý tưởng, có giải pháp, bởi từ lâu tất cả đã trở thành “cá mè một lứa” suốt ngày chỉ biết há mỏ chờ đốp.
Tạo một môi trường cho trao đổi và đối thoại thẳng thắn chân thành, khuyến khích mọi người thoát khỏi cái perspective đang án ngữ tâm trí mình mà suy nghĩ bằng một cách khác, đặt vào quan điểm người khác mà nghĩ, mà đưa ra phân tích, đưa ra lập luận…đó không phải là lời hô hào sáo rỗng, mà đó là xây dựng một bầu không khí tranh luận chuyên nghiệp, một văn hóa tổ chức cho sự phát triển bền vững. Cạnh tranh trong thu hút nguồn nhân lực là cạnh tranh giữa những nơi nào tạo điều kiện cho tri thức sinh sôi nảy nở, nơi nào mà con người thấy mình giỏi hơn ngày hôm qua.
Chúc thành công.

LÃNH ĐẠO VỚI MỘT SỨ MỆNH

Để dẫn dắt và tạo niềm tin với những con người đồng hành trên một con đường dài, nếu chúng ta không có một sứ mệnh có ý nghĩa, chúng ta sẽ đ...

Most Viewed