Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2022

ĐỊNH MỨC VÀ QUẢN LÝ ĐỊNH MỨC

Là một người có hơn 20 năm làm quản lý công nghiệp, nhưng điều tôi rầu nhất là người ta mang cái cách quản lý một nhà máy vào trong Y TẾ và GIÁO DỤC. Nhưng áp dụng một cách máy móc và đầy quan liêu.

Định mức vật tư, định mức lao động, định mức năng lượng…tất tần tật các loại định mức đều là bài toán thống kê. Nhưng cái thống kê nào nó cũng bao gồm 2 giá trị Trung bình và Độ lệch chuẩn. Nên người ta thường dùng công thức: trung binh +/- 2 x độ lệch chuẩn để kiểm soát xác suất 95 % dao động của định mức.
Kiểm soát nghĩa là theo dõi và phát hiện những bất thường để cải tiến. Phát hiện những bất thường nhưng phải điều tra nguyên nhân gốc rễ để biết đâu trong cái bất thường đó tri thức mới xuất hiện. Nghĩa là người ta xem outlier là cơ hội học hỏi chứ không phải là tội đồ.
Trớ trêu thay, trong thời bao cấp, những vị quản lý đầy quan liêu lại bày ra cái gọi là KHOÁN ĐỊNH MỨC. Bản chất nó là một quá trình xin cho ban phát chứ chả có xác suất thông kê cái chi ráo. Khoán định mức là cái bùa của mấy anh kế toán quản trị lười biếng sau này để hạch toán vào giá thành cho nó khỏe, cho nó đảm bảo không thủng ngân sách, đảm bảo an toàn tài chính.
NHƯNG trong công nghiệp, sự dao động của hệ thống thường thấp, nên đó là cách quản trị tạm chấp nhận cho yên chuyện được.
CHẲNG MAY cho thế gian này, người ta mang cái tư duy Khoán định mức quan liêu đó vào trong Y TẾ, và GIÁO DỤC đầy tai hại cho nhân gian.
Trong y tế người ta khoán từ viên thuốc đến sợi chỉ, khoán từ cây kim đến bông gạt để đảm bảo bảo toàn đồng tiền. Cách làm quan liêu này đang xem y khoa là một ngành khoa học như sản xuất cái áo, sản xuất cái bóng đèn. Mọi thứ cứ y khuôn mà chạy. Xin thưa quý vị, nếu quá trình sinh một đứa bé mà như quá trình sản xuất cái bóng đèn thì loài người chúng ta chỉ có thể là robot mà thôi. Thế gian này chả cần bác sĩ chi cả, máy móc robot sẽ khám và chữa bệnh cho chúng ta.
Trong giáo dục người ta cũng khoán định mức cho giảng viên bao nhiêu tiết dạy, bao nhiêu giờ nghiên cứu khoa học, bao nhiêu bài báo…rất là khổ tâm. Người ta vốn dĩ chẳng đo lường và đánh giá được trí lực của một người làm khoa học và giảng dạy được đo thế nào cho tốt. Chẳng đánh giá được thế nào là một giảng viên giỏi. Chẳng biết làm sao để đánh giá được ai làm nghiên cứu giỏi. Nhưng sẵn cái cốt quan liêu trong người người ta chả cần tìm hiểu, nghiên cứu chi cho nó mệt, cứ khoán tới, cứ khoán cái gì cho nó dễ, cứ đếm tiết, cứ xua giám thị đi canh me giảng viên ghi tên bắt phạt như đứa trẻ mẫu giáo. Nhưng với cái hệ thống quan liêu trời cho nên xem ra họ chả biết họ đang làm gì cho tốt hơn hay tệ hơn cho người làm việc tri thức. Kết hợp với độc tài độc đoán xem ra họ còn khoái trá với những gì đang làm, và còn đang dự định mở rộng ra khoán những thứ khác.
Khổ tâm lắm. Y tế và giáo dục là 2 lĩnh vực rất đặc thù về tri thức. Nhà quản lý cần học cách quản lý tri thức. Khổ lắm!

TƯƠNG LAI NÀO CHO ĐẤT NÔNG NGHIỆP (2)

2ha đất trồng sầu riêng tại Bảo Lâm, nơi được đồn là sẽ nhập về Bảo Lộc để lên thành phố thủ phủ của Lâm Đồng (Đà Lạt sẽ lên thành phố trực thuộc trung ương), được rao giá là 30 tỷ. 600 gốc sầu riêng 4 năm tuổi bắt đầu thu hoạch được định giá 25 tỷ (giá trị kỳ vọng cho 15 năm tiếp theo 600 x 120 kg/năm x 70.000/kg x 15 năm= 75 tỷ ). Tổng giá trị rao bán cho 2 ha sầu riêng này là 55 tỷ.

Ai sẽ bán và ai sẽ mua miếng đất này.
Bán, các lão nông một đời cơ cực khai hoang sẽ bán vì tuổi đã già, cần bán để chia tài sản cho con. Vì trong các con không ai có đủ khả năng mua hết lại để thối tiền cho những người con còn lại, nên buộc phải bán dù tiếc đứt ruột. Tập quán chia đất cho con là một trong những nguyên nhân làm cho đất đai ngày càng manh mún.
Mua, nếu là người làm nông nghiệp đơn thuần chắc khó có đủ vốn mà mua lại để canh tác. Nếu người có tiền hơn có thể mua lại để vừa thu hoạch sầu riêng vừa kinh doanh farmstay, cũng là một dạng kinh doanh tiềm năng. Tuy nhiên số này rất ít.
Đối tượng mua lại nhiều nhất có 2 dạng:
Thứ nhất là người không biết ở đâu và làm gì nhưng họ có rất nhiều tiền và đầu cơ đất đai chờ khoảng 3-5 năm khi Bảo Lộc lên Thành phố thủ phủ của Lâm Đồng họ kỳ vọng miếng đất này sẽ lên ít nhất 200 tỷ. Nghĩa là tăng 4 lần sau 5 năm, chỉ cần một quyết định hành chánh phong cho cái thành phố nào đó lên 1 cấp.
Thứ hai là người ta sẽ tìm cách chuyển đổi 2 ha đất nông nghiệp này lên thổ cư và phân lô bán nền, đặc biệt là nền nghĩ dưỡng view đồi núi, trung bình 1000 m2 nghĩ dưỡng thổ cư hiện nay ở Bảo Lộc khoảng 9-12 tỷ tùy view. Nghĩa là nếu phân được 15-16 nền (sau khi làm đường và khuôn viên), người phân lô có thể mang về tối thiểu 150 tỷ. Vấn đề là cái giá của chuyển đổi thổ cư là bao nhiêu? Chắc khó có quan chức địa phương nào vì yêu mến nền nông nghiệp nước nhà mà cưỡng lại được cái giá của nó.
Cuối cùng của các quá trình này chính là đất đai và sản xuất nông nghiệp của quốc gia ngày càng đắt đỏ, buộc phải càng ngày càng lùi sâu vào núi, ngày càng tốn kém chi phí logistics hơn. Và quan trọng hơn cả là chả ai làm nông nghiệp nữa, lo đi bán đất cho nó nhanh, phân lô đất nông nghiệp sẽ được xem là nghiệp vụ đắt đỏ nhất hành tinh. Đời người chả cần làm gì, chỉ cần kiếm được miếng đất nông nghiệp được quy hoạch thổ cư, đầu tư phân lô một phát thì cả đời ăn không hết.
Phân cấp, thăng hạng đô thị chính là nguyên nhân cốt lõi góp phần tàn phá nền nông nghiệp VN. Bản chất của đô thị chả có gì đổi khác khi đô thị được thăng hạng, đường xá chả có gì hơn, trường học cũng nhiêu đó, chợ cũng nhiêu đó, tất cả cũng chỉ là bao nhiêu đó không nhiều thêm thứ gì có lợi ích hơn cho cư dân. Địa phương có thể thu thêm được một ít thuế đất, nhưng không đáng vào đâu so với sự mất mát ngàn năm của nền nông nghiệp. Chỉ duy nhất thứ có lợi là giá đất tăng vùn vụt và chỉ một ít người có tiền (không biết ở đâu), chộp lấy cơ hội và trở thành siêu giàu trong thời gian ngắn.
Vì tương lai của đất nước hãy dừng nâng hạng đô thị, đó chỉ là cái danh do con người bày ra để gọi, nhưng tác hại là vô cùng lớn cho nền nông nghiệp của đất nước. Thăng hạng đô thị chỉ mang đến thời cơ trở thành siêu giàu cho một vài nhóm buôn đất mà thôi. Nuôi dưỡng đám này chính là nuôi họa cho đất nước.

HOẠCH ĐỊNH CHIẾN LƯỢC LÀ LÀM GÌ?

Mùa cuối năm là mùa nhân viên chạy chỉ tiêu, nhưng với người làm quản lý là mùa của Hoạch định – Làm cái gì? (What to do?). Nghe thì rất đơn giản, nhưng đây là công việc đòi hỏi nhiều trí tuệ tập thể, Steven Jobs từng nói “chúng ta thuê người thông minh về làm việc là để họ chỉ cho chúng ta biết cần làm gì chứ không phải để chúng ta chỉ cho họ làm gì”. Jobs nói câu này là để nhắc nhở các nhà lãnh đạo độc tài độc đoán thích làm theo ý mình (nhưng thất bại thì kiếm thằng khác gánh thay), luôn cho rằng trí tuệ của mình là đỉnh cao, mà cần phải lắng nghe nhiều hơn, cầu thị hơn, đặc biệt là đừng “tự ái”.

Có mấy kiểu làm chiến lược cần tránh:
- Giao cho ai đó soạn bản thảo rồi lấy ý kiến góp ý. Làm chiến lược là một việc đòi hỏi động não, đói hỏi sự tương tác tư duy, trao đổi thông tin, chia sẻ tri thức, một ai đó ngồi tự nghĩ, làm sao mà nghĩ. Nghĩ không ra nhưng deadline tới gần thì bắt đầu sao chép tạp nhạp nộp bài cho có. Rồi lấy ý kiến qua loa cho xong, hoặc là lôi ra cãi nhau không hồi kết. Đây là một cách làm rất rất kém hiệu quả mà chúng ta cần tránh.
- Tổ chức cuộc họp và sếp bảo “tôi rất muốn lắng nghe, các anh cứ nói thoải mái, nhưng tôi là người quyết định cuối cùng”. Đây là một dạng “dân chủ trá hình”. Bởi người lãnh đạo chỉ nghe những gì mình cảm thấy thích, cuối cùng rồi cũng sẽ làm theo ý mình. Thật chất cũng là độc tài độc đoán nhưng có vẻ gì đó rất là dân chủ, và hợp thức hóa được dân chủ.
- “Chúng ta có nhiều ý kiến khác biệt, nhưng chúng ta không còn thời gian, vậy thôi chúng ta biểu quyết”. Cách làm này có mấy vấn đề. Thứ nhất, cách ra quyết định tập thể có vẻ rất dân chủ nhưng kỳ thực là người ta đã đưa vào cuộc họp số đông nghe theo lời sếp; thứ hai, định hướng chiến lược không phải là chổ của dân chủ số đông, nhiều người đồng thuận đi vào ngỏ cục để rồi cùng chết thì cũng chẳng để làm gì. Hoạch định chiến lược là đi tìm một con đường sáng cho tổ chức, chứ không phải là việc chúng ta hài lòng vui vẻ thỏa hiệp lẫn nhau để rồi cùng phá sản.
Hoạch định chiến lược là quá trình:
- Cùng kiến tạo và chia sẻ một tầm nhìn chung
- Cùng tìm kiếm những ý tưởng đột phá để đi đến tương lai bằng những cách rất khác biệt.
Nói đến chiến lược là nói đến thì tương lai, những gì sẽ diễn ra trong tương lai, nhưng chúng ta cần làm gì cụ thể từ hôm nay để cái tương lai đó mới thành hiện thực được, ngồi nói không thì có được cái gì. Nói đến tương lai là nó đến tầm nhìn, là nói đến nhận định về tương lai của từng cá nhân. Mỗi người chúng ta sẽ nhận định về những gì sẽ diễn ra trong tương lai rất khác biệt, nó phụ thuộc vào nhận thức, tư duy, thông tin, tri thức, và cả trực giác. Chính sự khác biệt này làm cho chúng ta không hiểu về nhau và xảy ra “xung đột”. Xung đột về tầm nhìn là xung đột có lợi cho tổ chức, chứ không phải là điều gì đó xấu xa. Bản thân mỗi người chúng ta còn lúc vầy lúc khác chứ đừng nói đến người khác. Trong mỗi gia đình, vợ chồng con cái cha mẹ anh em cũng xảy ra xung đột về tầm nhìn.
Vai trò của người lãnh đạo là tạo điều kiện (facilitate) để mọi người có thể làm rõ tầm nhìn, chia sẻ nó một cách trách nhiệm để chúng ta cùng kiến tạo một tầm nhìn chung (mà ở đó mọi người đều hình dung một cách rõ ràng). Ngay cả bản thân người lãnh đạo cũng chỉ là một phần trong tầm nhìn đó. Bởi tương lai là gì bản thân chúng ta chỉ nhận diện một phần nhỏ trong đó, nhiều bộ não thông minh có trực giác tốt càng làm rõ viễn cảnh về tương lai. Mơ hồ là kẻ thù của chiến lược. Hô khẩu hiệu hào nhoáng bản chất là che đậy sự mơ hồ (không muốn cho người khác biết mình chả biết mẹ gì nên hô khẩu hiệu cho chắc).
Ưu tiên số một trong xây dựng tầm nhìn là “HÃY NGHĨ VỀ SỰ THAY ĐỔI CỦA KHÁCH HÀNG” hay hình dung được “KHÁCH HÀNG Ở THÌ TƯƠNG LAI”. Để sớm giật mình khi khách hàng đã thay đổi hết rồi, chỉ mỗi còn chúng ta là ở lại phía sau.
Kế tiếp là “CÔNG NGHỆ HỦY DIỆT”. Làm kinh doanh, bạn phải luôn luôn để ý rằng ở đâu đó luôn có những kẻ ủ mưu dùng công nghệ để thay đổi thế giới. Nếu chẳng may chúng ta nằm trong trận cuồng phong hủy diệt đó, chúng ta không trở tay kịp, chúng ta sẽ bị tiêu diệt. Ngày xưa tốc độ triển khai một công nghệ có thể tính bằng thập kỷ, nhưng ngày nay nó được tính bằng tháng, và sự hủy diệt được tính bằng năm. Nói nôm na, công nghệ mới có thể đánh sập một công ty khổng lồ trong vòng 3 năm, nếu như công ty lớn đó đừng ngoài cuộc chơi của công nghệ.
Đừng bận tâm đến đối thủ cạnh tranh, bởi tất cả những gì bạn nhìn thấy được chỉ là bề ngoài, bạn sẽ không bao giờ hiểu được và đoán được đoạn đối thủ cạnh tranh sẽ làm gì, bởi họ còn không biết được họ sẽ làm gì thì sao bạn đoán. Nhưng nó sẽ cuốn bạn vào mới bòng bong rất mất thời gian và công sức để chạy theo đôi khi lại là thứ tào lao của người khác. Việc bạn cần bận tâm hơn là thể chế, bởi đó là thứ bạn chỉ có thích nghi, chứ bạn không có quyền thay đổi. Chính trị càng ngày càng tạo ra những cuộc chơi rất khó đoán, sống nay chết mai, sáng đúng chiều sai, không do bạn chủ động. Đừng bực bội với thể chế, bởi có bực bội nó chỉ làm chúng ta điên thêm chứ chả giúp được gì. Việc chúng ta cần làm và phán đoán và thích ứng. Đương nhiên, đôi khi nó cũng có thể làm chúng ta chết tức tưởi vì trở tay không kịp. Biết sao được, trừ khi chúng ta có thể tạo dựng được một tập đoàn đa quốc gia, để dự phòng được rủi ro thể chế ở từng quốc gia nào đó gây ra.
Khi tầm nhìn được kiến tạo, đạt được sự đồng cảm (xin lưu ý, đồng cảm chứ không phải đồng thuận, thế gian này không có chuyện 100% đồng thuận) và chia sẻ, là lúc chúng ta kích hoạt cho những ý tưởng sáng tạo về cách làm, cách tổ chức thực hiện và xem xét tính khả khi của nó. Đừng vội phán xét bất cứ ý tưởng nào, hãy đặt câu hỏi đơn giản “chúng ta sẽ làm điều đó như thế nào”, mọi thứ sẽ dần dần sáng tỏ. Nên nhớ rằng, thứ chúng ta cần tìm là những ý tưởng khác biệt cho tương lai, nên đừng bao giờ đặt câu hỏi vớ vẩn kiểu như "chuyện này có ai làm thành công chưa?".
Cuối cùng, quyết định tất cả đó chính là nhân viên chúng ta, mà sự toàn tâm toàn ý của họ quyết định mọi chiến lược trên đời này, bởi họ mới là người làm cụ thể. Sai lầm thường gặp nhất của các nhà quản lý là “áp đặt tầm nhìn”, nhưng yêu cầu người khác nghĩ cách gì đó hay ho để làm. Bạn nên nhớ rằng, con người chỉ làm việc tốt nhất, sáng tạo nhất, dành hết tâm trí khi họ được làm với động lực nội tại. Nếu không, mọi thứ chỉ là làm để cho xong. Khi đó, nhà quản lý sẽ điên lên là tại sao tôi biết hết, nhưng tôi không thể làm được gì! Chả ai làm được gì theo ý tôi hết! Nếu nhà quản lý muốn nhân viên có thể làm được chuyện gì đó vượt lên sự mong đợi của mình, cách duy nhất là hãy cho họ cùng kiến tạo một tầm nhìn chung với chúng ta. Đừng quan liêu mà nghĩ rằng, nhân viên thì cần biết gì về chiến lược, chiến lược chỉ có ở cấp cao, ở tầng lớp tinh hoa…
Khi một tổ chức mà ở đó mọi người chia sẻ tầm nhìn chung. Con người được làm việc toàn tâm toàn ý, con người tìm được lẽ sống của mình trong tầm nhìn và sứ mệnh của tổ chức. Khi đó con người sẽ gắn kết vào nhau và tạo nên một TỔ CHỨC HẠNH PHÚC. Con người xà quầng trên đời này cuối cùng rồi cũng là để mưu cầu hạnh phúc. Nhân viên hạnh phục sẽ mang đến hạnh phúc cho khách hàng để rồi khách hàng cũng trở thành một phần trong cái hệ sinh thái hạnh phúc đó. Khái niệm tổ chức hạnh phúc còn khá mơ hồ và trừu tượng. Nhưng có nhiều chủ doanh nghiệp sau bao năm mệt mỏi với thực thi chiến lược bảo với tôi rằng, hoạch định cái gì là quan trọng nhưng làm cho nhân viên làm nó một cách vui vẻ mới là quan trọng nhất.
Lãnh đạo làm dẫn dắt chứ không phải chăn dắt. Khai mở cho tổ chức nhìn ra viễn cảnh tương lai, tự tìm con đường đi đến tương lai và vui vẻ với nó. Đó là lãnh đạo khai sáng.
Chúc thành công.

LÃNH ĐẠO VỚI MỘT SỨ MỆNH

Để dẫn dắt và tạo niềm tin với những con người đồng hành trên một con đường dài, nếu chúng ta không có một sứ mệnh có ý nghĩa, chúng ta sẽ đ...

Most Viewed