Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2023

OUT OF THE CRISIS, NẰM NGOÀI CÁC CUỘC KHỦNG HOẢNG.

>>> Khủng hoảng chứ không phải tận thế!

Đặc trưng đầu tiên của khủng hoảng là nhu cầu sụt giảm. Hành vi con người phản ứng lo lắng với tương lại bất định là việc rất bình thường. Thắt chặt chi tiêu, giảm bớt những nhu cầu không thiết yếu, tiêu dùng cẩn trọng… Tuy nhiên, nhu cầu sụt giảm chứ không phải là nhu cầu kết thúc. Chính quá trình tiêu dùng kĩ lưỡng và thận trọng là lúc sàng lọc và là cơ hội vượt lên phía trước cho các doanh nghiệp phát triển trên nền tảng chất lượng! Người dùng sẽ ưu tiên chi tiêu cho những doanh nghiệp có độ tin cậy cao: sản phẩm ít hư hỏng, chức năng hoạt động ổn định; dịch vụ ổn định ít sai lỗi, cam kết không thất hứa; bảo hành bảo trì uy tín, xử lý khiếu nại nhanh chóng…
Nhu cầu càng sụt giảm càng phải tập trung vào chất lượng. Đó là cách duy nhất giữ vững thị phần! Chứ không phải càng khủng hoảng càng “bớt” chất lượng, đó là con đường tự sát! Các doanh nghiệp có nền tảng chất lượng tốt, uy tín sẽ sụt giảm ít hơn (<5% doanh thu) so với những doanh nghiệp có nền tảng chất lượng kém, “bớt” chất lượng (>30%), cái giá cho sự lừa đảo khách hàng là sự nghiệp của chính chúng ta. Bắt tay vào chất lượng không bao giờ là muộn! những việc phải làm được: giảm hư hỏng về bằng không, giảm làm đi làm lại, giảm sai lệch, giảm “hiểu sai khách hàng muốn gì” – đây là cái sai kinh điển và gây lãng phí nhiều nhất cho doanh nghiệp.
Đặc trưng thứ hai của khủng hoảng là chi phí đắt đỏ. Oái lạ, tiêu dùng sụt giảm nhưng tại sao chi phí lại tăng, nghe rất trái với các quy luật kinh tế. Hầu hết các cuộc khủng hoảng kinh tế không có nguyên nhân từ kinh tế! mà đến từ nhân tai hoặc thiên tai, chiến tranh, mộng bá quyền, bệnh tật,…Trong một thế giới đang phân công lao động theo lợi thế năng lực và tài nguyên thì một chổ này gãy, chổ khác cũng khập khiểng theo. Trong một thời gian ngắn, phản ứng khan hiếm sẽ lan tỏa theo hiệu ứng bầy đàn, tạo ra sự tăng giá nguyên liệu cục bộ như là một sự phòng thủ, tự vệ hoặc trục lợi thời cơ.
Doanh nghiệp hoạt động với biên lợi nhuận thấp chắc chắn sẽ bị “sốc nhiệt” và nhiều khả năng bị thị trường khai tử, vì không đủ tích lũy để đầu tư tìm kiếm cơ hội khác trở mình. Cho nên, hoạt động với chi phí tối ưu hơn người khác, luôn luôn là mục tiêu tối thượng của bất cứ doanh nghiệp nào trong bất cứ thời đoạn nào, hoàn cảnh nào chứ không phải chỉ có lúc khủng hoảng mới lo cắt giảm chi phí một cách hoảng loạn. Càng cắt giảm chi phí, càng rối ren lòng người, càng nhanh hơn tới sự sụp đổ.
Trong mội lĩnh vực kinh doanh nào đó, khi khủng hoảng chi phí càng quét qua, 30% doanh nghiệp hoạt động có chi phí tốt nhất sẽ được ở lại, trở mình và vượt lên mở rộng phát triển hơn, chúng ta có muốn nằm trong số 30% đó hay là 70% “đắp mộ cuộc tình”. Hãy bắt tay vào tối ưu vào chi phí ngay lập tức, và không bao giờ là muộn. Và nên nhớ rằng tối ưu chi phí chứ không phải là cắt giảm chi phí! Bạn sẽ nói “chi phí của tôi đã tối ưu hết rồi không còn gì để tối ưu nữa đâu”. Các nghiên cứu đã cho thấy, bạn đã bị “điểm mù quản trị” chổ này, bởi có 70% chi phí có thể tối ưu được mà bạn không thấy được, bởi muốn thấy bạn cần phải có thêm nhiều hơn tri thức quản trị, đặc biệt là bạn cần những công cụ phân tích dữ liệu sâu hơn, những gì bạn thấy được và bạn đã cải tiến chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.
Đặc trưng thứ ba của khủng hoảng là hình thành nhu cầu mới. Con người luôn phải thích ứng để tồn tại, không ai trong gian nguy mà ngồi chờ chết, chính quá trình thích ứng sẽ tạo ra sự hủy diệt cái gì đó (sản phẩm, dịch vụ mô hình kinh doanh…), đồng thời nảy sinh ra những nhu cầu mới từ đó hình thành sản phẩm, dịch vụ hay mô hình kinh doanh mới. Phần thưởng sẽ đến với ai sớm nhận ra những thay đổi này, đón trước nhu cầu và triển khai được những sản phẩm, dịch vụ hay mô hình kinh doanh mới. Từ ý tưởng đến hiện thực là con đường của năng lực, chứ không phải là con đường của sự mộng mơ, hoang tưởng! Ngược lại, ai ù lì chậm chạm, ngồi oán trách số phận, ngồi chửi bới khủng hoảng, ngồi ta thán khó khăn,…người đó sẽ nhanh chóng bị hủy diệt nếu chẳng may sản phẩm, dịch vụ mình đang kinh doanh không còn phù hợp nữa. Nếu như cách đây 50 năm, việc thay đổi mang tính hủy diệt được tính bằng thập kỷ, nhưng nay nó có thể diễn ra trong vòng vài năm, thậm chí trong vòng một năm. Trong kinh doanh ngày nay, tổ chức kinh doanh không phải to hay nhỏ (quy mô, nguồn lực,…), mà là ai xoay trở nhanh hơn người khác mới là con đường tồi tại. To nhưng ù lì chậm chạm thì càng nhanh bị hủy diệt hơn vì đốt tiền nhanh và nhiều hơn.
>>> Đừng ngồi chờ khủng hoảng sẽ qua!
Thế giới này càng ngày càng không còn khái niệm “khủng hoảng đã qua”, làm kinh doanh không thể nín thở ngồi chờ cho khủng hoảng trôi qua được nữa, vì chắc chắn bạn sẽ tắt thở. Hôm nay thế giới có thiên tai này, ngày mai có chiến tranh kia, nay có hoàng đế này mộng bá quyền, mai có đại đế khác…chờ khủng hoảng trôi qua là ngồi chờ chết. Kinh doanh ngày nay cần tâm thế xem khủng hoảng là một phần của cuộc sống. Việc chúng ta cần làm là xây dựng một năng lực thích ứng nhanh để chúng ta nằm ngoài mọi khủng hoảng. Mặc kệ ông bà đại đế nào mộng mị, ngày nào còn con người, ngày đó chúng ta còn cơ hội kinh doanh.
Năng lực đó không tự dưng mà có, nó phải là một quá trình nổ lực xây dựng một tổ chức thích ứng. Không ai có thể làm được cái gì một mình, chúng ta cần một đội nhóm, cần một tổ chức có năng lực thích ứng, chứ không phải là một vài cá nhân ngồi la làng, than khóc rồi tất cả cùng nhau chờ chết.
Con đường xây dựng một tổ chức có năng lực thích ứng và nằm ngoài tất cả các cuộc khủng hoảng đặt trọng tâm làm cho mọi con người trong tổ chức hiểu và hành động theo ba điều then chốt sau:
- Lấy khách hàng làm trung tâm và cố gằng làm mọi thứ để hiểu khách hàng hơn chính họ hiểu họ. Không những phát hiện sớm hơn đối thủ cạnh tranh những thay đổi của khách hàng mà còn nhạy bén phát hiện ra những gì có thể tác động làm cho khách hàng thay đổi trước cả khi khách hàng có thể nhận ra họ phải thay đổi. Hiểu khách hàng, ngày nay, là một khoa học, và là khoa học thời thượng – khoa học dữ liệu. Ai năm bắt sớm được năng lực khoa học này, người đó sẽ vượt lên phía trước.
- Diễn dịch nhanh sự thay đổi và nhúng nó vào sản phẩm dịch vụ của chúng ta một cách sáng tạo nhất để khách hàng luôn bất ngờ vì những điều chúng ta làm luôn vượt hơn sự mong đợi của họ. Đó là năng lực thiết kế và năng lực triển khai những hoạt động mới của chúng ta một cách nhanh chóng. Cái gì đã không còn có thể dùng được ở tương lai thì mạnh dạn bỏ đi đừng luyến tiếc. Con người chỉ nên giữ những hồi ức trong quá khứ như những kỷ niệm, chứ đừng cứ muốn sống một cách như trong quá khứ, làm như trong quá khứ từng làm, đó là con đường của sự hủy diệt trong một thế giới thay đổi ngày nay. Nghĩa là chúng ta cần xây dựng một tổ chức mà sự giải thế hay thành lập mới một bộ phận nào đó là việc rất là bình thường, chứ chả có “lớn chuyện” gì cả.
- Xây dựng một hệ thống vận hành một cách tin cậy nhất để không phải tốn quá nhiều chi phí và thời gian để sửa những thứ mà chúng ta đã biết nó là không phù hợp. Thậm chí né tránh được những thứ có thể gây tổn thất càng sớm càng tốt. Đó là một tổ chức cảm biến và hành động như một bản năng chứ không phải để mọi thứ tè le từa lưa rồi mang ra bàn coi ai có tội. Một tổ chức không truy cứu và hồi cứu, một tổ chức luôn đặt mình ở thì tương lai, của triển vọng và kỳ vọng.
Chúc thành công!

Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2023

SỐNG CHUNG VỚI ÁP LỰC (STRESS) , KHÔNG PHẢI LÀ CHẠY TRỐN ÁP LỰC.

Đối diện với áp lực cuộc sống, nâng cao năng lực xử lý, ứng phó công việc chứ không phải chạy trốn khỏi áp lực. Càng không có khái niệm cân bằng công việc - cuộc sống.

Khi con người đối diện với áp lực:
- quá nhiều việc đến cùng một lúc, nhiều việc khó, mới chưa biết cách làm; làm việc không đạt kết quả bị sếp la rầy; sợ người khác đánh giá thấp; làm sai sợ trách nhiệm; con cái gia đình đau ốm bệnh tật lo lắng; ít tiền lo lắng; thấy bạn bè đi chơi, sống sung túc mình lo làm tối ngày mà không có tiền, bực bội căng thẳng, thi cử sắp tới mà trong đầu chưa có chữ nào, hết sức lo lắng....bla bla ... có 1001 lý do tạo áp lực sống cho con người.
Khi đó não bộ sẽ tiết ra cortisol tạo cảm giác rất khó chịu, tim đập nhanh, cơ mỏi uể oải, dễ nổi nóng, giảm khả năng suy luận, phán đoán, tay chân rung, dạ dày bào bọt,...và con người luôn tìm cách thoát ra khỏi sự khó chịu đó. Khi thoát ra được cortisol sẽ được giải phóng, cơ thể và tâm trạng lấy lại thăng bằng dễ chịu, thoải mái.
Sẽ rất sai lầm khi mỗi lần chúng ta đối diện với áp lực là tìm cách thoát ra cho nó khỏe!? sẽ hết sức dở hơi khi cả đời người không làm được một việc gì khó khăn phức tạp cho ra hồn, cả đời không dám thi cử, không dám lập gia đình, không dám có con, không dám làm cái gì trước đám đông, không dám nhận một dự án gì đó mà mình chưa từng làm trước đó...thế thì sống trên đời này chỉ luôn đi tìm cái gì đó êm ấm, nhẹ nhàng, không áp lực, việc nhẹ lương cao, làm 3 ngày đi chơi 3 tháng mới là chân lý sống hay sao? Đời người chúng ta đi tìm cái thứ thần tiên đó ở đâu? càng mơ mộng thần tiên, càng cảm thấy cái gì cũng khó, càng cảm thấy áp lực, càng bị cuốn vào stress. Đó là cái vòng lẩn quẩn làm suy giảm trí não, năng lực của con người.
Áp lực là cơ hội, làm việc mới chưa từng làm trước đó là cơ hội, làm cái việc mà ai cũng thấy khó là cơ hội. Cơ hội cho nâng cao năng lực, cơ hội cho nâng cái ngưỡng chịu đựng cho não bộ và cơ thể của mình. Nó cũng giống như lần đầu bạn bị yêu cầu đứng hát trước 1000 người, tay chân giọng nói của bạn sẽ rung bần bật, cortisol, adrenaline tiết ra trong não mách bảo bạn "từ chối đi, chạy trốn đi, thoát ra khỏi nó đi,...", nếu bạn nghe theo nó bạn sẽ cảm thấy rất thoải mái, nhưng đời bạn chỉ dừng lại đó. Nhưng nếu bạn chiến đấu với nó bạn dũng cảm bước lên sân khấu, cố gắng kiểm soát cơ thể để hát 1 bài trước 1000 người, bạn sẽ nâng cái ngưỡng chịu đựng cortisol, adrenaline lên vài trăm phần trăm, nghĩa là nếu như trước đây 1 ppp cortisol bạn đã không chịu nỗi thì bây giờ 1 ppm bạn vẫn có thể chịu được. ĐÓ LÀ BẢN LĨNH TRƯỚC ÁP LỰC. Tất cả là do bạn dạy cho cái não của bạn.
Neuroplasticity - khả năng tự cấu trúc, tự thay đổi bộ não của con người là có thể, không phải tạo hóa sinh ra là đã như vậy, không thể làm được gì. Ba má tui sinh ra tui nhút nhát không dám làm cái gì, lo chút là tui mệt, tui muốn xỉu, tui muốn đi chơi sẽ cảm thấy thoải mái, không muốn làm, làm là tui mệt, ba má tui sanh ra vậy rồi tui không thể thay đổi được. Đó là sự ngụy biện hủy diệt cuộc sống và công việc chúng ta.
Ngày nào bạn còn cảm thấy mệt mỏi trong công việc, cứ muốn thoát ra khỏi nó thì hoặc là ngưỡng chịu đựng của bạn quá thấp bạn phải nỗ lực hơn nữa trong việc nâng ngưỡng chịu đựng của mình, hoặc là công việc không làm bạn cảm thấy hứng thú, vui vẻ và hấp dẫn, tức khi bạn làm việc dopamin không tiết ra trong não mình.
Con người sẽ cảm thấy vui vẻ, sảng khoái, hạnh phúc khi dopamin tiết ra trong quá trình chúng ta suy nghĩ và làm việc. Nhưng dopamin không phải chỉ có tiết ra trong lúc chúng ta chơi, mà còn tiết ra trong lúc chúng ta được làm cái việc mà chúng ta cảm thấy say mê và thích thú. Vậy thì bạn phải tìm ra công việc đó và dạy dạy cho cái não của mình. Chơi game, đánh bài, coi film, tán gái, làm tình, hút cần sa ... là những việc rất tuyệt cho dopamin phóng thích, nếu bạn dạy cho cái não mình nó nghiện thì đời bạn sẽ sớm vào địa ngục. Vậy bạn cần dạy cho cái não mình làm gì để vừa phóng thích được dopamin mà vừa mở cửa thiên đàng: giải được một bài toán khó; chinh phục được một thử thách; nghĩ ra một ý tưởng mới mẻ; cùng đồng đội đạt được thành tựu mới; giúp người khác vượt qua nghịch cảnh; chia sẻ cho người khác những điều có ích;...dopamin tiết ra trong những hoàn cảnh này chính là thứ mà bạn cần để đưa mình lên một tầm cao mới, và đương nhiên là một thế giới mới khác biệt hơn.
Khi bạn làm việc với dopamin thì công việc chính là cuộc sống, cuộc sống chính là công việc không có sự phân chia, không có ranh giới. Mỗi ngày bạn đi đến nơi làm việc như đi tìm cuộc sống không phải đi vào chổ chết. Mỗi ngày bạn về nhà là để tìm nơi nghỉ ngơi tái tạo năng lượng, chứ không phải bạn đi trốn chốn công việc. Mỗi khi bạn đi chơi là bạn đang thay đổi môi trường vật lý để cơ thể tái tạo sức khỏe, môi trường thành thị ô nhiễm cần hít thở không khí trong lành của rừng biển, chứ không phải là đi rủ bỏ công việc chạy trốn phiền não.
Cuộc đời này, bạn sẽ không bao giờ trốn được phiền não, trừ khi não bạn ngừng được cung cấp oxi; bạn chỉ còn một cách duy nhất là xem phiền não là một phần của cuộc sống, vui vẻ đón nhận và sống chung với nó.
Chúc thành công.


Thứ Hai, 3 tháng 4, 2023

GIÀ vs TRẺ, BẢN LĨNH VÀ NĂNG LỰC

Mỗi thế hệ lớn lên trong mỗi hoàn cảnh lịch sử đất nước khác nhau, đối diện với những vấn đề khác nhau trong cuộc sống. Thế hệ 5X, 6X đối diện với chiến tranh, cái đói, sự lạc hậu, được cái ăn, được cái học, được cuộc sống không bom đạn là niềm mơ ước. Thế hệ 7X, 8X đối diện với những thay đổi về thể chế và sự giao thoa mạnh mẽ về văn hóa và trí thức, họ không đối diện với đạn bom, nhưng họ đối diện với sự vươn lên trong một xã hội bắt đầu cạnh tranh gay gắt (ganh đua nhiều hơn, ích kỷ hơn). Thế hệ 9X, 10X đối diện với sự bùng nổ thông tin, bùng nổ tri thức, đồng thời cũng bùng nổ cám dỗ, và suy giảm lòng tin giữa người với người, sự vị kỷ ngày càng lên ngôi trong một xã hội ngày càng hiện đại, là một thách thức không nhỏ với nhân loại ngày nay.

5X, 6X có cái ăn là vui mừng khôn xiết, nhưng 9X, 10X ăn đến mức béo phì đi không nỗi. Cái khó của việc tìm kiếm cái ăn, với cái khó của việc ăn nữa sẽ chết, không thể so sánh cái khó nào hơn cái khó nào. 7X, 8X học được kiến thức phương Tây như mở cánh cửa vào đời và đổi đời, nhưng 9X, 10X bấn loạn vì không biết học cái gì và liệu lao vào học theo phương Tây có thể đảm bảo một tương lai tốt đẹp không thì chưa chắc. 5X, 6X, 7X, 8X cầm quyển Cô giáo Thảo chép tay lén lút chui toilet ngồi coi đầy hổ thẹn, trong khi 9X, 10X gặp cảnh cởi quần cởi áo dễ hơn gặp cha gặp mẹ, và chả có gì để gọi là thẹn thùng. Giữa cái thời không có gì để chơi, chỉ có đá banh, uống café với cái thời có quá nhiều cái chơi thì thời nào dễ sa ngã hơn thì chưa biết. Chả phải có quá trời cha chú vì không chịu nỗi cám dỗ đang ngồi đầy trong tù đó sao. Tỷ lệ ngồi tù vì tiền vì gái (vì trai) của cha chú (thím, mợ) đang nhiều hơn hay ít hơn giới trẻ, chưa thể phân định được!
Sức phản kháng với cám dỗ có vẻ không có mối liên hệ với tuổi tác, nó có quan hệ nhiều đến nền tảng giáo dục, tư tưởng, môi trường tiểu văn hóa xung quanh,…những thứ hình thành nên đạo đức con người hơn. Vậy thì nếu người lớn tuổi nhưng sống trong cái môi trường tiểu văn hóa súc vật đội lốt người mà rao giảng dạy dỗ về lối sống cho giới trẻ thì đích thật là đạo đức giả. Tương tự tuổi trẻ mà sống trong môi trường chân thật là xa xỉ thì cũng nhanh chóng thành con quỷ đột lốt người. Đó mới có lẻ là lý do cốt lõi của nhiều gia đình muốn con cái ra nước ngoài du học, chứ không phải là ham danh lợi, khoe của hay ở nước ngoài thì học giỏi hơn,…
Người nhiều tuổi hơn thường nghĩ mình có kinh nghiệm nhiều hơn người ít tuổi hơn. Đây lại tiếp tục là một sai lầm về năng lực! Kinh nghiệm con người có được thông qua trải nghiệm và tự thân đúc kết thành những bài học, người từng trải và va chạm nhiều thường tích lũy nhiều bài học. Tuy nhiên, thế giới này mọi thứ đang diễn ra quá nhanh, có những bài học phù hợp giai đoạn này không thể dùng tiếp cho thời đoạn tiếp. Thậm chí bài học kinh nghiệm không chỉ không giúp ích được gì mà còn cản trở con người cởi mở để thích nghi với những cái mới (hình thành định kiến, sự bảo thủ…). Hay nói cách khác già hay trẻ gì cũng phải học cái mới để thích ứng với cuộc sống mới đang ở phía trước. Thế giới ở tương lai có quá ít thứ từ quá khứ mang theo mà dùng được nữa. Nên già hay trẻ cũng đang ở cùng một vạch xuất phát cho tương lai, xét vì mặt năng lực hay trí lưc.
Năng lực trí tuệ của con người không có mối tương quan đến tuổi tác. Năng lực trí tuệ chỉ tương quan đến nỗ lực học hỏi, chất lượng của mạng lưới xung quanh của một con người. Thế giới có quá nhiều người 20-30 tuổi làm nên những chuyện kinh bang tế thế bằng năng lực vượt trội của họ. Già nhưng không nỗ lực học hỏi, già nhưng xung quanh chất lượng mối quan hệ kém, già nhưng dừng lại về trí não vì nghĩ nhiêu trí tuệ đó đủ xài rồi thì đồng nghĩa tự dìm mình vào quá khứ.
Truyền thống văn hóa Á Đông, trọng tôn ti trật tự, trọng người lớn tuổi, người lớn luôn luôn đúng... đó là nét văn hóa ngàn năm, nên cũng chỉ phù hợp với xã hội trăm ngàn năm trước. Xã hội hiện đại với bối cảnh tăng tốc độ phi mã của tri thức nhân loại, cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp, nếu không bất lợi nhiều hơn ích lợi. Con người không đọc suy nghĩ, ý tưởng của nhau mà làm việc, mà cứ nhìn mặt già trẻ, địa vị cao thấp mà làm việc thì xã hội sẽ tự làm suy giảm trí lực và tự nhân tác nhân cản trở nhiều hơn. Đó là lý do vì sao người lớn tuổi cần điều chỉnh thói quen với câu của miệng “giới trẻ bây giờ,…” đó là một sự phán xét đầy thiển cận, ít sự đồng cảm và thấu cảm, không đặt mình vào bối cảnh, hoàn cảnh của người khác.
Cuối cùng, tuổi tác, già trẻ chỉ còn lại ở ý nghĩa về mặt sinh lý, sức khỏe. Tất cả những thứ còn lại, già hay trẻ đều cùng trên một mặt bằng bản lĩnh và trí lực. Việc chúng ta cần làm là tôn trọng nhau, chia sẻ và trao đổi, lắng nghe với nhau nhiều hơn để hiểu nhau, hướng dẫn nhau, học hỏi cùng nhau về những thách thức phía trước, một cách ngang hàng và bình đẳng.


LÃNH ĐẠO VỚI MỘT SỨ MỆNH

Để dẫn dắt và tạo niềm tin với những con người đồng hành trên một con đường dài, nếu chúng ta không có một sứ mệnh có ý nghĩa, chúng ta sẽ đ...

Most Viewed