“Cách ly” thời Covid19, làm người ta nhận định “thiên thời cho chuyển đổi số đã đến”, vì nó tạo cho xã hội cơ hội trải nghiệm tiện ích vượt trội của công cụ số.
Bài viết này không nói về những lợi ích của làm việc và sinh sống trên nền tảng số, vì nó đã được bàn đến rất nhiều.
Bài viết này chỉ muốn lưu ý các bạn làm startup trong lĩnh vực này vài điều.
1. Trước khi design phải dành nỗ lực insight
Làm ra cái gì đó và muốn người khác trả tiền mình. Nhưng không chịu bỏ tâm sức ra để thấu hiểu khách hàng, là cái điều lạ lùng nhất trong môi trường kinh doanh ở quốc gia có nền kinh tế định hướng cái gì đó. Người ta cứ muốn làm ra cái gì đó và chỉ vô mặt người khác, mầy phải dùng và trả tiền, không có quyền đòi hỏi cái chi hết. Môi trường kinh doanh trịch thượng như vậy thì định hướng cái gì cũng chết.
Nó như là một thứ văn hóa ăn sâu vào tiềm thức con người trong xã hội định hướng cái gì đó. Người ta có thể ngồi ở các diễn đàn, ở các show trình diễn nói những chuyện kinh bang tế thế. Thích được danh tiếng lẫy lừng, thích được tung hô top này top kia. Nhưng họ luôn quên rằng, chỉ có khách hàng mới có thể giúp họ lên ngôi vương, mà không phải do bất cứ thế lực nào khác.
Thử hỏi một startup, các bạn đã dành bao lâu và làm như thế nào để làm nên một user ecosystem mapping, một user experience mapping, hay một design blueprint, touch point design, intreaction design?... Câu trả lời thường nhận được là không có làm, làm sơ sơ hoặc thậm chí là không biết nó là gì. Có startup còn nói cứ thiết kế giải pháp, cứ viết code trước đi rồi từ từ chỉnh sửa sau. Làm tới đâu sửa đến đó.
OMG! Có lẽ là tạo ra cái gì đó chạy trên App bấm bấm được, có thêm multi media chớp nhá là “chuyển đổi số” rồi đó á. Vậy khác nào sơn đông mãi võ! Làm ra cái gì đó và dùng chiêu trò để ép người khác dùng, thì muốn làm sao cũng được. Và cũng chả phải học hành gì cho mệt.
Cho nên cứ lên mấy cái nguồn mở, tìm kiếm, thấy gì hay hay, giống giống, đem về, xào nấu, chỉnh sửa, đu trend các cuộc phát động, bla bla. Quan trọng là khâu đem bán, nổ làm sao cho nó banh đồn khiếp vía thiên hạ là “thành công”, ngồi rung đùi và tiền vào như nước.
Tư duy kinh doanh kiểu đó thì ở cái ao làng sống khỏe vì có chổ dựa hơi, bước ra biển lớn nhục mặt với thiên hạ.
2. Đừng bao giờ chửi người dùng NGU, hãy làm cho ngay cả chị bán ve chai vẫn muốn dùng và dùng được.
Điều lạ lùng nhất mà tôi quan sát được là không ít start up công nghệ chửi những người không chịu dùng sản phẩm của họ là người không chịu mở não, không biết thích nghi, cố chấp bảo thủ, không theo kịp xu hướng thời đại.
Muốn người ta bỏ tiền ra để mua sản phẩm mình, nhưng lười thuyết phục, quay sang chửi người ta ngu, là thái độ kinh doanh gì đây? Nếu bạn giữ thái độ đó, bạn rất khó làm kinh doanh. Bạn chỉ thích hợp làm quan!
Người làm kinh doanh phải luôn nghĩ rằng “những gì người khác không biết, mình mới có cơ hội, ai cũng biết hết rồi, còn cơ hội cho mình sao?”.
Việc bạn cần làm là đặt câu hỏi sâu hơn. Tại sao họ chống đối? tại sao họ không chấp nhận? điều gì cản trở họ? suy nghĩ của họ là gì, trong những suy nghĩ đó, điều gì là ngộ nhận, điều gì là cảm nhận, điều gì là chưa đúng, chưa phù hợp, hiểu nhầm, hiểu sai, chưa hiểu rõ. Phân tích những điều đó, chính là phát hiện ra những cơ hội để bạn khác biệt.
Làm kinh doanh, tuyệt đối không được quan liêu. Bạn càng gần với khách hàng, càng đi sâu vào nhóm khách hàng chống đối, bạn sẽ phát hiện ra nhiều chuyện thú vị.
Hãy nhìn Grab để làm gương. Họ đã thuyết phục từ chị bán rau, anh chạy xe ôm, đến ông tiến sĩ, doanh nhân,…chuyển đổi số. Họ không kỳ thị ai hết, không chửi ai ngu hết, họ chỉ âm thầm nghiên cứu họ, và làm cho họ không thoát được cái hệ sinh thái mà họ đã và đang giăng thôi.
Đó mới là một thái độ đúng cho người làm kinh doanh.
3. Truyền thông cụ thể, đừng bay bổng, mơ màng ru ngủ
Với những cái mới. Khách hàng tiềm năng cần hình dung cụ thể những gì mang đến lợi ích cho họ và những rủi ro gì mà họ sẽ phải đối diện. Và sự chuyên nghiệp của chúng ta phải thể hiện qua việc, chúng ta đã lường hết những rủi ro và đã thiết kế những giải pháp VƯỢT TRỘI hơn người khác như thế nào.
Với những cái mới. Khách hàng luôn cân nhắc những thuận lợi và bất lợi, và họ sẽ chấp nhận rủi ro khi thấy chúng ta biết rõ về điều đó và đã có những giải pháp.
Với những cái mới, truyền thông cần tập trung trọng điểm vào những tính năng cụ thể, chức năng vượt trội, khác biệt, để thu hút sự mạo hiểm trải nghiệm. Khách hàng luôn luôn có những nhóm chấp nhận mạo hiểm để trải nghiệm cái mới. Hãy đi tìm những nhóm này trước. Đừng nỗ lực “quăng chài” hòng nổi tiếng trước. Có những nhóm khách hàng tiên phong sẽ làm bùa hộ mệnh cho bạn. Họ là những người ơn của bạn.
Điều tồi tệ nhất trong truyền thông những cái mới làm gom từ ngữ thời thượng, (kỷ nguyên 4.0, tiến bộ vượt bậc, dữ liệu lớn, tối ưu hóa, công nghệ tiên tiến hiện đại,…bla bla) vào trong phát ngôn, các bản tin truyền thông.
Gom những câu chữ thời thượng nhưng sáo rỗng, hô hào như lên cơn, nói như thể sợ người khác nói hết không cho mình nói, là điều ám ảnh người dân nhiều năm nay. Bởi vì nói nhưng không làm, nên người ta nghe đến là dị ứng và không muốn nghe tiếp. Người làm kinh doanh cần để ý điều này mà tránh.
4. Phải biết hoãn cái sự sung sướng, nếu không sẽ làm kẻ lót đường.
Phàm, làm cái gì mới thì hành lang pháp lý thường không có. Ở những quốc gia mà pháp luật đuổi theo cuộc sống còn hụt hơi, chứ nói gì đến kiến tạo, đón đầu xu thế. Thì những cái mới thường được xây dựng theo mô hình “thí điểm” rút kinh nghiệm cái sai, phát huy cái đúng, bla bla…Bên ngoài nghe nhẹ hều nhưng bạn nên tự biết những gì xảy ra bên trong. Và phải tự biết mình ở đâu, cấp độ nào, để có được chiếc vé vào cuộc chơi. Nói nôm na là bạn “có cửa” không?.
Phân tích những điều này không phải để nản lòng. Mà để biết “lùi một bước trời cao biển rộng”, đi trước đi sau không quan trọng mà là “những ý tưởng của mình có được thành hiện thực hay không”. Trong điều kiện hành lang pháp lý còn mập mờ, cần cân nhắc hết sức cẩn thận lúc nào nên xuất đầu lộ diện.
>>> Lời kết
Làm startup công nghệ là tạo ra nhiều điều mới. Và với cái mới đó chúng ta phải thay đổi nhiều thứ. Thay đổi từ hành vi, thói quen, quan điểm của người dùng. Và đôi khi phải lobby thay đổi chính sách luật pháp.
Bạn phải tự hỏi bạn có đủ nguồn lực, đủ quyết tâm, để kiên trì tạo ra sự thay đổi nó không?
Đừng bực tức khi “cái mình làm hiện đại tiên tiến mà dân tình ngu quá không biết dùng”. Nhiệm vụ của bạn là làm cho họ tự nguyện dùng và tự nguyện trả tiền. Không phải là đi kiếm cây dao kề vào cổ họ cho nó nhanh.
Đừng nôn nóng. Đừng sợ trâu chậm uống nước đục. Thị trường trong kinh doanh như là vũ trụ, giãn nở vô hạn. Bản lĩnh tạo cái mới không có hao mòn theo năm tháng. Nóng vội có cái tiếng tiên phong, nhưng nếu nguồn lực không đủ hay thế lực không đủ, tiên phong trở nên lót đường.
Và điều bạn phải tin tưởng là “chính khách hàng và chỉ có khách hàng, mới là người mà bạn cần để đưa bạn đế thành công một cách bền vững”. 300 năm nay, điều đó chưa bao giờ sai, trong mọi bối cảnh phát triển của xã hội.
Chúc thành công.