Muốn giải quyết bất cứ vấn đề gì, bước đầu tiên là đặt mình vào các đối tượng liên quan (chịu tác động của giải pháp) mà suy nghĩ.
Thấu cảm và thấu hiểu là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề. Nếu không càng giải quyết càng rối. Càng giải quyết càng nhận được sự phản kháng.
>>> Vấn đề càng phức tạp, càng có nhiều đối tượng chịu tác động, thì quá trình thấu hiểu càng phải được đưa ra phân tích kỹ.
Hiểu người khác nghĩ gì không phải là ta thua họ, ta yếu hơn họ, ta phục tùng họ. Hiểu người khác nghĩ gì thì mới thiết kế được giải pháp sáng tạo, đôi khi không tốn kém gì mà vẫn giải quyết được vấn đề.
Quan liêu, tự cao tự đại, nóng vội thỏa mãn cái tôi, là sự hủy diệt năng lực giải quyết vấn đề của con người. Mà con người không có năng lực giải quyết vấn đề thì sự đào thải sẽ đến rất nhanh.
>>> Vấn đề càng phức tạp, càng tạo nhiều sức ép, nó sẽ dẫn đến những cảm xúc tiêu cực cho những đối tượng chịu tác động và người cần nghĩ ra giải pháp.
Suy nghĩ tích cực và cần hiểu đúng về suy nghĩ tích cực.
Khi con người chịu tác động của cảm xúc tiêu cực, stress. Họ có xu hướng muốn thoát ra càng nhanh càng tốt, hoặc chống đối nó. Chính vì vậy người ta không đối diện và không tìm cách giải quyết vấn đề.
Suy nghĩ tích cực không phải là lạc quan tếu, liều mạng, bất cần,…cách hiểu về suy nghĩ tích cực như vậy chỉ dùng trong trường hợp muốn mụ mị ai đó.
Càng khó khăn phức tạp, càng phải đối diện với thực tại và bình tâm tỉnh trí mà tìm giải pháp. Có gắng tìm kiếm các khía cạch tích cực của vấn đề phức tạp để khai thác tìm được những ý tưởng mới giải quyết vấn đề sáng tạo hơn.
Nhà quản lý có suy nghĩ tích cực là người khi đối diện với vấn đề càng khó khăn, càng cảm thấy mình được thử thách, và càng cảm thấy thú vị với những thử thách đó. Chứ không phải, càng khó khăn càng dùng quyền lực để trấn áp, để mọi thứ qua nhanh cho khỏe, đỡ phải suy nghĩ, mệt. Đó là chối bỏ thực tại, chối bỏ cơ hội để rèn luyện năng lực, là quan liêu.
>>> Chúng ta được tạo ra là để giải quyết vấn đề, không phải là tạo vấn đề cho người khác giải quyết.
Kinh doanh là quá trình “giải quyết vấn đề cho khách hàng”, doanh nghiệp tạo ra sản phẩm dịch vụ như là những phương tiện giải quyết vấn đề cho họ. Trong môi trường kinh doanh tuyệt đối không có hai chữ quan liêu. Ngày nào anh không thể giải quyết được vấn đề cho khách hàng, ngày đó chả ai trả tiền cho anh. Ai thích quan liêu, không làm kinh doanh được, làm kinh doanh độc quyền thì được.
Nhà quản lý không có năng lực giải quyết vấn đề thường dùng đến phương thức thỏa hiệp, tổng hợp các kiến nghị giải pháp, cân nhắc số đông và ra quyết định sao cho sự thỏa hiệp là cao nhất.
Nhà quản lý có năng lực giải quyết vấn đề sẽ dẫn dắt từng bước THẤU CẢM– XÁC ĐỊNH ĐÚNG VẤN ĐỀ- Ý TƯỞNG – THỬ NGHIỆM – ĐÁNH GIÁ, cho các thành viên trong nhóm. Để đạt được sự đồng tâm hiệp lực sáng tạo ra giải pháp giải quyết được tốt và đúng vấn đề.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét