Thông thường mỗi người chúng ta được đào tạo một chuyên ngành khác nhau, lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Nhưng khi đi làm việc, để giải quyết các vấn đề trong công việc, nó đòi hỏi chúng ta phải phối hợp lại thì hiệu quả công việc mới có. Không ai có thể làm cái gì đó một mình.
Tuy nhiên, thường mọi người mắc phải một lối suy nghĩ “xem người khác hiển nhiên phải hiểu chuyên môn của mình”, đặc biệt là sếp phải biết, phải hiểu, phải ủng hộ chuyện của mình làm. Chính cái giả định này làm chúng ta cảm thấy bất mãn, cảm thấy người khác sao không nghĩ được như mình nghĩ, và cảm thấy mình không được trọng dụng, cảm thấy mình là “con ghẻ”, bị hắc hủi…Quá trình đi làm việc ở các nơi, những câu nói mà tôi thường nghe “anh trình bày nghe rất hay, nhưng tiếc rằng sếp tôi không thấy được việc đó…”, “ở đây người ta rất xem thường chuyện đó…, nên cần người lãnh đạo phải hiểu và tham gia quyết liệt mới được…”, “không có sự vào cuộc của lãnh đạo, không làm được gì đâu...”
Thực tế, không ai đủ thời gian đi tìm hiểu chuyện của ai, và sếp cũng không đủ “thần thông quảng đại” hiểu hết mọi thứ trên đời như ta nghĩ. Hoặc nếu sếp có hiểu chưa chính xác về chuyện của chúng ta làm là hết sức bình thường. Nhưng nếu vì chuyện này mà chúng ta bất mãn đổi chổ làm, thì tôi e rằng cả đời chúng ta sẽ không “đậu” được chổ nào hết mà chỉ là một cách chim bay nhảy. Có nhiều dạng nhảy việc. Nhưng nhảy việc với lý do không được trọng dụng thì đó là việc của chính chúng ta cần cải thiện. Vì nếu không cải thiện, chúng ta có đi chổ khác cũng thế thôi. Rồi cũng lại nhảy tiếp.
>>> Làm người khác thấy được vấn đề và chuẩn bị một vài giải pháp để có sự lựa chọn.
Cuộc sống và công việc là một quá trình thay đổi suy nghĩ lẩn nhau, chúng ta thay đổi suy nghĩ người khác và người khác cũng thay đổi suy nghĩ của chúng ta. Chúng ta thay đổi suy nghĩ từ sếp đến đồng nghiệp và cả khách hàng. Ngược lại chúng ta cũng chịu sự tác động của chính những người này. Rất nhiều người cảm thấy, nghe theo người khác là mất đi cái của mình, hay phải áp đặt được suy nghĩ của mình cho người khác mới là bản lĩnh. Phàm ở đời, ai cũng luôn cho suy nghĩ của mình là chuẩn, Cái tôi luôn hình thành và là thành trì khó khăn nhất của tất cả các tổ chức.
Chính cái tôi làm cho con người xa rời mục tiêu của tổ chức, cố gắng thỏa mãn bản thân. Cho nên, việc chúng ta cần làm là đừng bắt đầu bằng việc “tôi phải thay đổi được anh, chúng ta phải đổi được nhau”, mà hãy bắt đầu từ “nếu những vấn đề này không được giải quyết, chúng ta sẽ như thế nào”. Nghĩa là phải làm cho người khác thấy được vấn đề trước. Xây dựng văn hóa đặt trọng tâm vào vấn đề, không phải là con người, để làm mờ ranh giới cái tôi của con người. Chúng ta ở đây không phải để đọ xem ai đúng ai sai, ai hay ai dở, mà chúng ta ở đây là để nhận diện ra vấn đề và làm sao giải quyết nó. Điều mà bất kỳ một người sếp nào cũng cần đó là giải pháp, không phải là đặt vấn đề cho sếp nghĩ cách giải quyết nó. Nhưng đừng đặt trên bàn sếp một giải pháp duy nhất để lựa chọn, mà luôn luôn có nhiều phương án thay thế. Tại sao như vậy. Mối quan hệ giữa 2 người sẽ rất dễ rạn nứt khi chúng ta bị ép vào thế đồng ý hay không đồng ý. Mở một đường thoát nếu chúng ta chưa tìm ra điểm chung thông qua “chúng ta nên tìm thêm những lựa chọn tốt hơn cho vấn đề”. Đây là một kỹ năng làm việc giữa người với người cần luyện tập.
>>> Tạo dựng và duy trì động lực nội tại.
Phàm là người biết tự trọng, không làm được việc gì cho ra kết quả, là thứ làm mất động lực nhiều nhất. Mất lửa rất dễ làm người ta buông xuôi, chán nản, hoặc muốn thoát ra khỏi nó càng nhanh càng tốt. Phần lớn những trường hợp nhảy việc mà tôi tiếp xúc được trong nhiều năm nay đều liên quan đến sự mất động lực này. Tìm cách khác, tìm đường khác để xoay chuyển tình trạng hiện tại, hay “tìm nơi nào đó biết đâu sáng sủa hơn” là trăn trở dai dẳng. Đời người có một sức ép được gọi là “thời gian”. Nhiều năm loay hoay không làm được gì, với những con người có hoài bão nhiệt huyết là một chuyện không dễ buông bỏ.
Đừng trông chờ ai đó sẽ mang đến cho mình động lực. Tự tạo động lực là một bản lĩnh cần luyện tập, đừng để ai đó, việc gì đó làm mình mất động lực. Bởi mất động lực là làm tổn thất cho chính mình chứ không có ai khác. Nghĩa là chán nản công việc, mất động lực vì sự chán nản đó, suy cho cùng là một sự thiệt kép mà không ai rảnh đi thương xót cho mình. Nếu không muốn nói là ngu ngốc.
Chẳng việc gì phải buồn nản nếu không làm được một việc gì đó chưa ra được kết quả. Dành năng lượng để tìm cách tiếp cận khác, cách làm khác, để chinh phục nó mới là việc mà tâm trí cần dành thời gian. Ray rứt, gặm nhấm những việc chưa làm được không những chẳng làm được việc mà còn làm bào mòn năng lượng cơ thể. Đừng tự tạo áp lực cho mình để rồi tự hại mình là chính.
>>> Vài lời cuối
Một doanh nghiệp tồn tại hay phát triển được quyết định bởi chính những con người bên trong doanh nghiệp đó có khả năng “nhận ra vấn đề, có ý tưởng giải quyết vấn đề một cách khả thi, và biết cách tổ chức triển khai việc thực thi giải quyết vấn đề đó. Cuối cùng là giải quyết được vấn đề”. Để làm được việc đó, rất cần con người bên trong một tổ chức có vượt qua được cái tôi và duy trì được động lực nội tại hay không. Văn hóa tổ chức rất quan trọng trong việc dựng ra hay xóa nhòa hàng rào ngăn cách của cái tôi. Và không quá khó để nhận ra chính người lãnh đạo là người hình thành văn hóa đó. Và như một quy luật của con người, càng thành công trong quá khứ, cái tôi càng lớn ở hiện tại, và nếu không sớm nhận ra, thì sự sụp đổ sẽ tới. Vậy thì trong tổ chức, ai sẽ là người giúp sếp nhận ra cái tôi của mình. Chắc chắn không phải ông trời mà là chính chúng ta, những người nhân viên của sếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét