Thứ Hai, 17 tháng 6, 2019

GIÁO ĐIỀU VÀ VƯỢT KHỎI GIÁO ĐIỀU

Trong các cuộc họp, các hội nghị, ta thường thấy có những người nói những câu không bao giờ sai, hiển nhiên. Họ nói thao thao bất tuyệt, nói không ngưng, nói cả buổi, nhưng túm lại không biết họ nói gì và quan trọng là nói ra không biết để làm gì và hoàn toàn không có giá trị gì.

Cá nhân tôi rất oải phải ngồi đồng trong các buổi họp như vậy, rất mất thời gian, vô bổ.

Một câu nói về một vấn đề gì đó được gọi là có giá trị khi nó hàm chứa thông tin và giải pháp hoặc định hướng cho giải pháp. Nó phải cho thấy người nói trăn trở, xoay nhiều góc nhìn của vấn đề, tìm tòi giải pháp, và bật ra những ý tưởng khác biệt, đột phá. Để cuốn hút người khác không phải là ở nói những từ hoa mỹ thời thượng từ hot mà là giúp người khác tìm được phương cách để giải quyết vấn đề.

Cuộc sống này là GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ, từ gia đình ra tới xã hội, trong công việc từ nhân viên cho đến quản lý cấp cao, tất cả đều phải tìm cách giải quyết vấn đề. Mỗi ngày chúng ta đối diện từ vài đến vài chục vấn đề cần phải giải quyết.

Biểu hiện của người không giáo điều là HỎI NHIỀU HƠN NÓI, đặt câu hỏi nhanh thông minh (muốn đặt được câu hỏi bạn phải trăn trở nhiều), xoay nhiều góc cạnh để hỏi là cách chúng ta học nhanh nhất cho vấn đề, và là “hấp tinh đại pháp” công lực của người khác nhanh nhất. Và cũng là phương cách để tìm được giải pháp cho vấn đề.

Người giáo điều ngược lại rất thích nói, vì họ nghĩ nói là cách để người khác sợ và nể mình. Giáo điều là một biểu hiện của yếu kém năng lực, đặc biệt là năng lực tư duy. Nhưng tham quyền, tham danh vọng, tham được người ta sùng bái. Và đương nhiên là tham lợi lộc, tham tiền,

Người giáo điều họ rất sợ tranh luận, tranh biện, họ thường là đuối về mặt tư duy vì không theo kịp, không xoay trở kịp, không phản ứng kịp với lập luận của người khác. Và do đó chụp cái mũ cho nó nhanh, thường là cái mũ mà quyền lực đã trao cho họ, cho nên đó là cách cắt nhanh sự tranh biện của người khác.

Giáo điều sẽ dẫn đến độc đoán, không muốn ai suy nghĩ khác mình, không muốn ai cãi lại mình, mình muốn làm gì là người khác phải tuân lệnh. Từ từ người giáo điều càng làm cho năng lực tư duy của mình hạn hẹp hơn, vì không ai giúp mình thoát khỏi cái hộp mình đã đóng. Và sẽ tạo nên một nhóm quân thần tung hô vạn tuế để trục lợi từ cái hộp của mình (thậm chí họ càng làm cho mình u mê hơn để trục lợi). Nếu bạn nói ra điều gì cũng có một nhóm quần thần gật gù tán thưởng, vỗ tay bóp bóp. Càng kéo dài, thì con đường độc đoán của bạn sẽ tới và không ai cứu được bạn nữa.

Muốn thoát khỏi giáo điều, cần tập thay đổi thói quen cho suy nghĩ của mình:

-          Bớt suy nghĩ, bớt nói những điều HIỂN NHIÊN, những điều luôn luôn đúng.
-          Đặt mình vào bối cảnh để suy nghĩ, đặt mình vào người khác để suy nghĩ
-          Tập suy nghĩ khác biệt, nghĩ khác cách người ta nghĩ.
-          Hiểu được góc nhìn của người khác, và thử đặt những góc nhìn khác cho vấn đề.
-          Thảo luận chuyên nghiệp: “tôi hiểu góc nhìn của anh, nhưng tôi xin bổ sung một góc nhìn khác…”, kiềm chế cảm xúc, hạn chế gây hấn với nhau.
-          Tôn trọng sự khác biệt, và tôn trọng sự tranh biện.
-          Và đặc biệt quan trọng là không thỏa hiệp với cái ác, cái tiêu cực, cái làm hại người khác.

Một vài ví dụ cho sự giáo điều thường gặp:

“người càng lớn tuổi sức khỏe càng yếu” – câu nói này chả bao giờ sai, nhưng không có giá trị, chả giúp ai được cái gì.

“hè, trẻ con phải được chơi”, “trẻ con tiếp cận với smartphone, tablet nhiều không tốt” – câu nói là chẳng bao giờ sai, nhưng làm thế nào trong bối cảnh nhà phố, nhà hộp, cha mẹ phải đi làm suốt và môi trường an ninh khiếp sợ ở Sài Gòn hiện nay thì không ai gợi ý cách giải quyết. Nếu bạn tập thói quen suy nghĩ khác biệt ở đây thì bạn sẽ thấy có rất nhiều cơ hội kinh doanh.

“muốn phát triển khoa học công nghệ phải có nhiều tiền”. Không cần bạn nói người ta cũng dư sức biết, nhưng bạn chỉ có giá trị khi bạn tìm được cách ít tiền hơn nhưng tạo ra được kết quả khoa học công nghệ tốt hơn người ta.

“muốn phát triển, yếu tố con người là quyết định”. Cái này thì không chỉ là giáo điều mà còn nói một đằng làm một nẻo nữa. Chính vì nói một đằng làm một nẻo quá nhiều, nên càng giáo điều càng mất lòng tin. Nói riết không ai tin cái chi nữa hết. Cho nên chỉ mình mình nói, không ai muốn nghe hết.

Thế giới này rất thừa những người Giáo điều, suốt ngày suy nghĩ những điều hiển nhiên. Nhưng rất ít những người có năng lực để giải quyết được vấn đề theo một cách không có hiển nhiên, theo một cách chưa ai nghĩ ra.

Cho dù bạn là ai, chức vụ gì bạn mang trên người, bạn có nổi tiếng hay không. Nhưng bạn có giá trị hay không mới quyết định đến việc người khác kính trọng bạn. Nếu bạn có giá trị, bạn ở trong hang cũng có người tìm đến bạn. Còn bạn không có giá trị, khi cái áo chức vụ bạn buông xuống thì đừng có mà ngồi đó tủi thân là sao không ai còn nhớ đến mình.Đừng vướng mình vào những giáo điều hay suy nghĩ theo lối mòn mà ...

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2019

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LÀM SAO KIẾM TIỀN.

Vâng, dù muốn hay không, dù có né tránh thì “kiếm tiền” vẫn là câu chuyện thực tế mà ta phải đối diện hàng ngày. Chối bỏ nó là sống không thực tế, viễn vông, mơ mộng và thụ động chờ người giải cứu.
>>> Nguồn tiền nào đến với trường đại học:
1. Học phí: không trường đại học nào đủ kinh phí phát triển nếu chỉ dựa trên học phí. Học phí chiếm tối đa không quá 30% nhu cầu về kinh phí của một trường đại học. Nếu một trường đại học chỉ sống bằng học phí của sinh viên, thì tôi khuyên bạn nên tránh xa những trường đại học đó. Bởi, đó không phải là trường đại học, mà chỉ là một nơi “lật sách ra dạy rồi cấp bằng”, đó đích thị là một trường phổ thông cấp 4.
2. Nghiên cứu khoa học: sứ mệnh của người đại học là SẢN XUẤT RA TRI THỨC, chứ không phải chỉ là giảng dạy. Không sản xuất được tri thức thì dạy cái gì. Đương nhiên là phải mượn tri thức người khác để dạy, nhưng đồng thời cũng phải tạo ra tri thức để đóng góp vào cái kho tri thức chung của nhân loại. Chứ chỉ có lấy ra xài thì thiên hạ coi ra gì. Cho nên, khả năng SẢN XUẤT TRI THỨC LÀ CÁI BRAND của một trường đại học, là uy tín, là thể hiện sự đóng góp, và từ đó trường đại học được tôn trọng, kính nể trong cộng đồng. CÁI NÀY MỚI GỌI LÀ ĐẲNG CẤP QUỐC TẾ đây quý vị ạ. Làm mấy cái kiểm định chất lượng, mà thiên hạ ai cũng làm được, chỉ mình thấy khó, mà bảo là đẳng cấp quốc tế là tự ru ta vào mộng ạ.
Nhưng vấn đề là tiền đâu nghiên cứu khoa học. Đây là câu chuyện khó chịu của người làm khoa học. Bởi nhà khoa học trước giờ mặc định rằng ai đó phải lo tiền cho chúng tôi nghiên cứu, chúng tôi làm khoa học không phải làm kinh doanh, chúng tôi không có nhiệm vụ kiếm tiền. Và nhà khoa học hờn dỗi vì không có tiền để thỏa sức khám phá. Và nhà khoa học sẽ tìm kiếm bến đỗ nhiều tiền cho ta nghiên cứu.
Hãy quên chuyện đó đi. Tìm kiếm nguồn tài trợ cho nghiên cứu của mình là một PROFESSIONAL SKILL của một nhà khoa học. Kỹ năng tìm kiếm nguồn tài trợ, kỹ năng thuyết phục người khác rót tiền cho mình nghiên cứu, kỹ năng cạnh tranh ý tưởng để giành tiền về mình là cái thứ mà nhà khoa học phải tu luyện.
Và hãy quên những bến đổ nhiều tiền đi. Trên đời này không có bữa ăn nào miễn phí. Với một nhà khoa học tôi khuyên các anh chị một điều. Môi trường, văn hóa khoa học là quyết định đến hiệu suất, và hiệu quả nghiên cứu của các anh chị. Các anh chị có ôm một đóng tiền mà không có sự hỗ trợ từ môi trường nghiên cứu thì hậu quả là anh chị sẽ tìm cách đi buôn công trình khoa học và anh chị sẽ trở thành con buôn khoa học. Nếu anh chị thích thì cứ làm. Nhưng xã hội này chả ai kính trọng những con buôn đó.
Trường đại học sẽ được gì từ sự săn tiền tài trợ chuyên nghiệp của nhà khoa học. Trước hết, một nhóm người trong dự án khoa học sẽ có kinh phí làm việc, kế đến là cơ sở vật chất của trường được hưởng lợi, rồi kết quả nghiên cứu, rồi bài báo, rồi danh tiếng…Cho nên, đừng có đặt vấn đề trích huê hồng với các nhà khoa học có kỹ năng săn tiền cao. Sự lan tỏa tác động đến trường không hề nhỏ đâu. Đừng làm giảm nhuệ khí của họ, đừng làm tuột mood, giảm động lực của họ vì những chính sách tài chính nghĩ ngắn như vậy.
Đừng cố ra sức làm mọi cách để kiểm soát nguồn tài chính này. Sẽ có tác dụng ngược, cản trở nhiều hơn là thúc đẩy.
Nguồn tiền từ nghiên cứu khoa học sẽ giải quyết khoảng 30% nhu cầu thu nhập của một giảng viên là rất đẹp. Nghĩa là trường không phải đi lo chuyện này. Nên nhớ, cái cuối cùng là thu nhập, không phải là tiền lương.
3. Chuyển giao công nghệ, và dịch vụ công nghệ: Nếu một trường đại học kỹ thuật mà không kiếm được tiền từ hoạt động này, đó thực sự là một điều hết sức lo ngại. Nhóm trường đại học mang nặng tính khoa học cơ bản thì hiển nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn, và cần phải có sự trợ giúp của nhà nước. Vì các ngành công nghiệp không có tài trợ cho nghiên cứu cơ bản, họ chỉ tài trợ cho nghiên cứu ứng dụng, giải pháp công nghệ, hay dịch vụ công nghệ.
Làm cái gì cũng có tính cạnh tranh. Nhưng muốn thắng trong cạnh tranh không phải là tăng cường thủ đoạn, mà phải tăng cường chuyên nghiệp.
Từ một giảng viên đại học đến một chuyên gia tư vấn chuyển giao công nghệ chuyên nghiệp là một hành trình mang tính sự nghiệp của cả một đời người. Từ việc định vị, định hướng nghiên cứu công nghệ, cho đến xây dựng kỹ năng, uy tín tác phong chuyên gia, cho đến xây dựng personal brand, cho đến khẳng định đẳng cấp và bản sắc trong môi trường cạnh tranh…là một hành trình gian nan và vô cùng thách thức.
Nhưng nếu muốn kiếm tiền, và sống thịnh vượng một cách tử tế thì sự gian nan đó là đáng, là đúng, là gian nan nhưng thanh tâm an lạc.
Tùy mỗi người lựa chọn riêng cho mình những phương thức và thủ pháp kiếm tiền từ hoạt động chuyển giao công nghệ.
Tất cả phải đo sự thành công dựa trên khả năng chúng ta tạo giá trị cho người khác là bao nhiêu.
Mỗi giảng viên đại học có nguồn tiền từ chuyển giao công nghệ, dịch vụ công nghệ đóng góp khoảng 40% nhu cầu thu nhập đáp ứng yêu cầu cuộc sống là đẹp. Và đương nhiên, chúng ta phải có nghĩa vụ đóng góp cho trường đại học đã tạo ra mình và hỗ trợ cho uy tín của mình. Tỷ lệ đó là từ 10-20% là đẹp, tùy vào tình nhóm ngành công nghệ.
Thương hiệu và uy tín của một trường đại học là do hàng chục ngàn con người đóng góp tạo nên. Nếu người đi sau chỉ biết xài, không biết đóng góp thì ta rất nhanh xài hết cái mình có.
4. Startup và Spinoff: đây mới thực sự là nguồn tiền lớn, và quan trọng nhất với các trường đại học trong tương lai. Cách đây khoảng 8 năm, trong một buổi họp với nhiều quan chức, mình có phát biểu rằng “trường đại học phải tạo ra được doanh nghiệp để bán”, và nhiều vị đã phản ứng gay gắt về chuyện này. Với suy nghĩ, trường đại học không lo đi dạy cho tốt mà lo kinh doanh…
Ối trời ơi, ta muốn nhiều thứ lắm mà cái đầu chúng ta không chịu mở thì chịu chết. Nên 8 năm nay mình chẳng dám hó hé gì, vì đôi khi muốn làm điều gì đó phải đợi, đợi cho sự thay đổi tư duy và nhận thức được hội tụ.
Bây giờ thì chuyện này chả ai bàn ra nữa rồi. Nhưng từ nhận thức đến thực thi phải qua cái ải thể chế. Và trường đại học học lại tiếp tục chờ, chờ thể chế, chờ nghị định, chờ thông tư, chờ hướng dẫn. Nhiều người sẽ bảo có hết rồi mà chờ chi. Dạ thưa, có nhưng không đúng cái đang cần. Mà cái chổ đang cần đó mới là cái chổ người ta sợ (tù) nhất, đó chính là các nút thắt về thể chế tài chính, giữa công và tư…
Thế thì trường đại học kiếm tiền từ startup và spin up thế nào: một ý tưởng công nghệ lóe sáng lên chỉ ở dạng tiềm năng, nó phải được nuôi dưỡng và phát triển qua một giai đoạn. Thế thì ai sẽ làm việc này, không ai khác chính là các vườm ươm công nghệ. Trường đại học đứng ra tổ chức, lựa chọn, kết nối, hỗ trợ … gọi là ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, nếu thành công thì cổ phần của trường đại học trong các startup và spin off này là một tỷ lệ nhất định và nếu bán đi thì số tiền không nhỏ tí nào.
Triển khai để làm là không khó vì thế giới làm nhiều rồi, đi học riết rồi về không làm được gì sinh bệnh. Cái khó nhất hiện nay là các quy định về tài chính công trong câu chuyện này không dễ tí nào, mà đặc biệt là chẳng ai đoái hoài biên soạn, chẳng ai đứng ra để gỡ cái nút thắt này, mà người ta chỉ thích ngồi đó hô hào, nói chuyện trên mây.
Những vấn đề về tài chính trường đại học có nói 3 tuần cũng không hết chuyện. Cho nên, do nothing và tiếp tục chờ là phương án an toàn nhất.
Có điều, chờ đến khi mọi thứ đầy đủ thì thiên hạ ăn hết rồi.
5. Nguồn tiền đóng góp từ cựu sinh viên.
Trên thế giới nguồn tiền này rất là lớn, đặc biệt với các trường đại học uy tín. Nhưng tại sao ở VN, các cựu sinh viên thành đạt sẳn sàng bỏ ra hàng ngàn tỷ xây chùa chứ đóng góp vài tỷ vào trường đại học (xây phòng thí nghiệm, quỹ học bổng…) thì lại nhăn nhó.
Họ cảm thấy không đáng? Họ nghĩ rằng ai đó xài tiền của mình phung phí? Họ cần cái gì?...
Chưa có câu trả lời rỏ ràng cho vấn đề tại sao cựu sinh viên thành đạt (tài sản hàng ngàn tỷ) rất ít đóng góp cho trường đại học, mà xu hướng là xây làng, xây mồ mả, xây chùa… ?
>>> Lời kết
Tự chủ đại học là phải giải được bài toán tiền đâu tồn tại và phát triển. Cho nên, động lực cho tự chủ đại học không phải nằm ở Bộ GDĐT, mà nằm ở Bộ KHCN, và Bộ Tài Chính.
Cụ thể là phải giải quyết được nút thắt tài sản, tài sản trí tuệ, …và mức độ quyền hạn mà Ban Giám hiệu một trường đại học công được quyết định trong những vấn đề tài chính này.
Giải được nó là giải được bài toán kiếm tiền cho trường đại học, là giải được bài toán tự chủ cho đại học công.
Ngày nào chưa giải được, ngày đó cũng chỉ là tự chủ nữa vời. Nói nôm na là cai sữa và tự kiếm đường mà sống. Nhưng trái ngang ở chổ là không biết đường nào mà sống, nên cai sữa đồng nghĩa với thắt cổ.
Corporate Spin-off Images, Stock Photos & Vectors | Shutterstock

GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC THU NHẬP NHƯ THẾ NÀO?

Bất kỳ ai sống trên cõi đời này cũng phải bận tâm với tiền. Nếu chúng ta chối bỏ nó, là chúng ta sống không thực tế.
Sống thực tế là “nghĩ đến tiền một cách nghiêm túc”, và nghĩ cách kiếm tiền một cách tích cực. Điều quan trọng nhất là đừng sống giả dối, “miệng thì nói tiền không quan trọng nhưng rốt cuộc lại kiếm tiền bằng cách tồi tệ nhất”.
Mỗi người chúng ta đều có một kỳ vọng thu nhập khác nhau, tùy vào điều kiện hoàn cảnh của mỗi người. Và ý chí của mỗi người. Có người thì chỉ mong muốn “làm công”, có người thì mong muốn “làm chủ”.
Trường hợp bạn là người có ý chí làm chủ - entrepreneurship thì là một câu chuyện khác, sẽ bàn ở một dịp khác.
Ở đây ta chỉ bàn những người chỉ mong muốn là người làm công một cách mẫn cán, chỉ mong kiếm tiền dựa trên sức lực trí tuệ thực sự của mình.
Giả sử kỳ vọng thu nhập của bạn là 500 triệu/năm, vì bạn còn phải lo nhà, lo con ăn học, lo cho gia đình nội ngoại hai bên…
Vậy làm sao để có được thu nhập 500 triệu/năm?
1. Thu nhập từ giảng dạy: nên chiếm khoảng 30% thu nhập kỳ vọng, tức là khoảng 170 triệu/năm.
Để làm được điều này, bạn phải dạy ít nhất 9 tiếng/tuần. Nhiều người bảo, giảng viên sướng quá, tuần làm việc 9 tiếng là kiếm tháng mười mấy triệu. Xin thưa để dạy được 9 tiếng/tuần, bạn phải đầu tư gấp 2 lần con số đó, tức là cần có thêm 18 tiếng để chuẩn bị, để suy nghĩ, để xây dựng nội dung và kịch bản giảng dạy, và các công việc hành chánh khác.
Vậy ta cần là 27 tiếng/tuần cho hoạt động giảng dạy.
2. Nghiên cứu khoa học: nếu một giảng viên mà toàn đi dạy thì rất là nghiêm trọng. Nếu chỉ đơn giản là đọc sách, soạn slides, trình diễn cho hay là một thợ dạy. Nếu 500 triệu/năm
thu nhập của bạn đến hoàn toàn từ đi dạy, thì bạn không thể tồn tại quá 5 năm. Vì bạn không có cập nhật kiến thức và không làm nghiên cứu để sáng tạo ra tri thức cái chi hết.
Mỗi năm, một giảng viên cần trình bày ít nhất 2 cái seminar hay workshop, tham gia báo cáo 1-2 hội nghị khoa học, được quốc tế thì càng tốt. Và phải công bố từ 1-2 bài báo, được 1 bài quốc tế là mừng lắm rồi. Tùy theo lĩnh vực, có lĩnh vực công bố được nhiều, có lĩnh vực 3 năm công bố được một bài quốc tế là giỏi. Tất cả những thứ này không phải là “chỉ tiêu” mà là sự nghiệp khoa học. Nếu không nghiên cứu khoa học, nếu không làm seminar, workshop, lời khuyên tốt nhất là bạn hãy bước ra khỏi trường đại học và đi tìm việc khác để làm.
Để làm nghiên cứu bạn cần phải có tiền tài trợ. Nghiên cứu khoa học không có từ nước lã, càng không thể xin vợ. Bạn cần có thu nhập khoảng 100 triệu/năm từ các hoạt động nghiên cứu. Nếu vận bạn phải vận động và thu hút được nguồn tài trợ tối thiểu là 1 tỷ cho các nghiên cứu của bạn. Chi phí cho nghiên cứu ngày càng phình to do lạm phát, do một đề tài nghiên cứu không thể 1-2 người làm. Các nghiên cứu ngày càng mang tính liên ngành, nên nó đòi hỏi chi phí rất lớn, đó là chưa kể hầm bà lằng các loại thuế phí (chìm, nổi) đang bủa vây người nghiên cứu. Với một dự án nghiên cứu mà bạn “đem về cho vợ” được 10% trên tổng giá trị dự án là thành công rồi.
Nghiên cứu khoa học không tự trên trời rơi xuống, chỉ có đi cướp của người khác là nhanh, chứ nếu tự làm, tự suy nghĩ, tự mài mò, thì ít nhất bạn phải dành 20 tiếng/tuần cho hoạt động nghiên cứu. Phương tiện thông tin ngày nay rất thuận lợi cho chúng ta nghiên cứu ở mọi không gian và thời gian, nên social networking sẽ giúp chúng ta tăng cường hiệu suất và hiệu quả nghiên cứu. Nhưng cho dù có thuận tiện cỡ nào đi nữa thì người làm nghiên cứu cũng cần có thời gian để “tiêu hóa” kiến thức, cho nên cũng không thể có chuyện “ngủ đêm thức dậy mọi thứ hiện dần ra trong mắt ta”.
3. Chuyển giao công nghệ, tư vấn công nghệ, và dịch vụ công nghệ:
Đến đây thì ta đã kiếm được khoảng 270 triệu/năm và phải làm việc khoảng 47 tiếng/tuần.
Nhưng nếu giảng viên đại chỉ dừng lại ở đi dạy và nghiên cứu thì có 2 trường hợp: một là vợ bạn nuôi bạn, và bạn không phải lo gì cho tương lai của vợ con, hai là bạn còn độc thân. Nghĩa là với thu nhập 270 triệu/năm, bạn chỉ lo đủ cho bạn, không thể lo được gì cho ai khác.
Vậy thì 230 triệu/năm còn lại phải đến từ các hoạt động hướng đến các doanh nghiệp. Có nhiều hình thức, cố vấn, tư vấn, huấn luyện viên, hỗ trợ ….cho vài công ty để có được thu nhập này. Muốn làm được việc này bạn phải trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó. Mà nhắc đến bạn, người ta có để đọc ra được cái “Uniqueness” của bạn.
Và đường nhiên, chuyên gia cũng không có phải từ trên trời rơi xuống. Tất cả là phải đổ mồ hôi sôi nước mắt. Bạn cần làm việc ít nhất 30 tiếng/tuần để có thể sau 10 năm, bạn trở thành một chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó. Cái này chắc chắn một điều, doanh nghiệp họ trả tiền cho bạn, bạn không thể làm qua loa được ạ, và không ai thẩm định năng lực bạn tốt bằng mấy ông sếp ở doanh nghiệp ạ. Cho nên để có chổ đứng trong một ngành công nghiệp nào đó không thể và không bao giờ có được bằng cách “mua” ạ.
>>> Lời kết
Muốn có thu nhập chính đáng 500 triệu/năm, và muốn có năng lực ngày càng phát triển không bị đào thải, muốn có chổ đứng trong xã hội, giảng viên đại học cần làm việc ít nhất 87 tiếng/tuần.
Ngoài ra họ cần phải làm những công việc chung cho trường, giáo viên chủ nhiệm, kiểm định chất lượng, học nghị quyết, chào cờ, đoàn hội, thi đua khen thưởng…
Đó là chưa kể những người phải gánh thêm công việc quản lý của trường. Đó là lý do vì sao, chức vụ quản lý trong trường đại học là một sự hy sinh lớn. Và phải đi năn nỉ từng người để chia sẻ gánh vác tiếp nhau. Nếu bạn muốn có một môi trường không phải tranh giành chức vụ, mà chức vụ được mời gọi thì hãy vào trường đại học. Không ai cấp ngân sách cho bạn nghiên cứu chỉ vì bạn là trưởng khoa, không doanh nghiệp nào dâng tiền cho bạn xài chỉ vì bạn là trưởng phòng nào đó trong trường. Quên chuyện đó đi. Và cũng đừng có ngồi mơ, có chức vụ là ai đó sẽ trả lương và phúc lợi cho mình cao.
Vâng, xin đừng nhìn mấy thằng giảng viên rảnh rỗi lắm mà bày thêm việc cho nó làm. Với cường độ làm việc trên 80 tiếng/tuần và kéo dài 10 năm để trở thành chuyên gia, và để kiếm tiền chính đáng, giảng viên rất là ở không ạ, nên cho nó thêm nhiều hoạt động để rèn luyện ạ.
Cánh cửa trường đại học luôn mời gọi và chào đón mọi người.
Xin cám ơn.Invention - Wikipedia

ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC NHÂN SỰ

>>> Sự phát triển của lĩnh vực Quản lý Nguồn nhân lực trải qua 4 giai đoạn chính.
- Giai đoạn tổ chức nhân sự: khá quan liêu, quyền lực, ít xem trọng tài nguyên con người, cào bằng. Biên chế là hai từ quyết định đến vận mệnh của một con người. Học hành là đặc ân, phải chạy chọt, hiến thân hiến dâng đủ năm đủ tháng mới được ban phát.
- Giai đoạn quản lý nguồn nhân lực: xem trọng yếu tố con người hơn, lưu tâm đến thu hút nhân lực và các chế độ đãi ngộ, động viên hơn. Nhân lực cũng có sự phân hóa dựa trên năng lực, tuy nhiên việc đánh giá năng lực đặt nặng ở yếu tố bằng cấp, việc chạy theo người, chứ không phải đặt người vào vị trí công việc. Học hành được khuyến khích hơn, cởi mở hơn. Và nâng cao trình độ chuyên môn được xem là một nhiệm vụ.
- Giai đoạn phát triển tổ chức, phát triển con người: Giai đoạn này người ta bắt đầu nhận thức cạnh tranh nhân lực là yếu tố sống còn. Người có năng lực không từ trên trời rơi xuống mà tổ chức phải thiết kế một quá trình bồi tụ năng lực cho cá nhân gắn chặt với năng lực tổ chức, và gắn chặt với chiến lược phát triển của tổ chức. Xã hội luôn phát triển (công nghệ, chính sách, đối thủ cạnh tranh…). Do đó phát triển con người là một việc không bao giờ kết thúc, và luôn phải đi trước một bước, luôn là yếu tố phải đầu tư trước.
- Giai đoạn nguồn lực mở, động, thay đổi liên tục: Trước đây, nguồn nhân lực được xem là một nguồn lực đóng, nghĩa là nằm trong ranh giới của một tổ chức, của ai người đó dùng, “ra vào” tương đối phức tạp, và phải “được cho phép” mới được làm việc với nơi khác.
Đó là một quản điển thiển cận. Nguồn lực đóng, đồng nghĩa tri thức đóng và chậm phát triển. Nguồn lực mở, bản chất là tri thức mở, quá trình trao đổi, tạo sinh tri thức sẽ nhanh hơn. Điều này dẫn đến thách thức cho việc quản lý. Đặc biệt cần thay đổi mô hình quản lý sao cho phát huy được cái mạnh của nguồn lực mở, đồng thời hạn chế được những tiêu cực của nó.
Trong bối cảnh xã hội thay đổi quá nhanh như hiện nay, một tổ chức muốn trở thành dẫn đầu trong ngành của mình, phải tính đến chuyện nguồn lực mở. Một cách dễ hình dung, trong một tổ chức, có khoảng 30%-40% số người đang làm việc, không phải là người của tổ chức mình. Họ đến từ tổ chức khác, trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức xã hội…Và đồng thời, có tương ứng bao nhiêu người từ tổ chức mình đi khắp nơi khác làm việc ngắn hạn, dài hạn. Để làm được việc này, đòi hỏi hệ thống quản trị vận hành tương đối hoàn chỉnh và chuyên nghiệp.
>>> Ứng với các giai đoạn phát triển, quan điểm đánh giá năng lực cũng có sự thay đổi.
1. Đánh giá năng lực dựa trên đầu ra (performance). Năng lực được hiểu là “làm được việc”. Giao việc gì hoàn thành việc đó. Và ngược lại được gọi là không có năng lực. Quan điểm này xem năng lực là trên trời rơi xuống, không cần biết quá trình nỗ lực ra sao, chỉ cần biết kết quả làm được gì.
Cách đánh giá sẽ dẫn đến “vắt chanh bỏ vỏ”, vì khi tổ chức phát triển những công thần khai quốc có xu hướng không đủ năng lực đảm đương trong hoàn cảnh mới, dẫn đến “người thừa rất nhiều, người thiếu cũng rất nhiều”. Giải quyết nút thắt về nhân sự này làm đau đầu nhiều nhà quản lý. Và những hệ lụy xung quanh nó thì muôn hình vạn trạng (chạy chọt, phe cánh, cướp công..., có một vị tiến sĩ trong một bệnh viện công định nghĩa “đứng trên vai người khổng lồ” là đứng bên ngoài quan sát người ta làm, thấy ai làm sắp xong có kết quả thì nhào vô nói của mình! Không biết thế lực nào đã tạo ra loại tiến sĩ này!).
2. Đánh giá năng lực dựa trên các yếu tố đầu vào cấu thành nên năng lực của một con người (competence model). Quan điểm này nhìn con người tích cực hơn khi xem năng lực không phải trên trời rơi xuồng mà có thể phát triển được. Và muốn không thải loại con người khi phát triển, thì yếu tố huấn luyện đào tạo được ưu tiên như là một công việc chính thức và chính quy.
Khái niệm năng lực thường được xem có 3 thành tố chính viết tắt là ASK (Attitude – Skills – Knowledge). Và việc đánh giá dựa trên 3 thành tố này cho phép đánh giá được KHẢ NĂNG (Ability) một ai đó có thể đáp ứng được vị trí công việc được đặt vào hay không? Tuy nhiên năng lực của một con người không thể thay đổi nhanh được, phải có thời gian, cho nên việc đánh giá năng lực thường diễn ra định kỳ hàng năm với mục đích lưu ý một ai đó và chỉ cho họ biết họ cần phải cải thiện điều gì, cũng như cho họ một lột trình huấn luyện, đào tạo để họ không bị bỏ rơi khi đoàn tàu vẫn chạy về phía trước.
3. Sự kết hợp giữa đánh giá năng lực dựa trên đầu ra (performance) và đánh giá năng lực dựa trên đầu vào (competence model). Cách làm này hiện được nhiều tổ chức triển khai, nó đảm bảo tracking liên tục nguồn lực, và phát triển nguồn lực liên tục để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Đánh giá performance hàng tháng và đánh giá năng lực hàng năm (hoặc 6 tháng/lần). Và gắn việc đánh giá vào việc chi trả lương thưởng theo mô hình 3 Ps compensation (person – Position – Performance).
Với Person là đo lường khả năng đáp ứng vị trí công việc; Position là đo lường mức độ phức tạp của vị trí công việc; và Performance là mức độ hoàn thành công việc. Mỗi cá nhân đi làm việc sẽ hiểu rất rõ 3 chữ P của mình đang ở mức nào và thu nhập của mình đang ở đâu, tương quan với mức độ đóng góp của mình vào tổ chức như thế nào. Minh bạch hóa chính sách thu nhập là một việc cần làm để động viên cũng như định hướng con người vào những gì tổ chức cần.

>>> Những thách thức trong việc đánh giá năng lực và chi trả lương theo mô hình 3Ps
1. Năng lực là một khái niệm động nó phải xuất phát từ những hoạch định chiến lược phát triển của một tổ chức, và nó sẽ thay đổi theo thời gian và thời cuộc. Chúng ta cần những năng lực gì để phát triển trong hiện tại và tương lai? Là một câu hỏi khó mang tầm chiến lược.
Từ chiến lược, diễn dịch thành năng lực cốt lõi của tổ chức (core competency), từ năng lực tổ chức diễn dịch thành năng lực của từng vị trí công việc cần phải có, là một câu chuyện khá là phức tạp, đòi hỏi nhiều nỗ lực về tư duy, và tổ chức nên có chuyên gia hỗ trợ manh tính chất tư vấn.
Xây dựng bộ từ điển năng lực cho từng vị trí, đòi hỏi nhiều công sức, nhưng nó rất đáng để làm, vì nó sẽ chỉ khá rõ khoảng cách giữa những gì tổ chức cần và nhưng gì anh/chị đang có. Và từ đó chúng ta sẽ deal với nhau, bao lâu và bao nhiêu để anh/chị rút ngắn khoảng cách này. Và đương nhiên sẽ có những điều khoản mang tính chất knock – out!
2. Muốn đánh giá được mức độ hoàn thành công việc (performance) thì tổ chức cần phải xác định rõ mục tiêu và các kết quả chủ chốt (OKRs) gì cần phải đạt được. Và nó phải là kết quả diễn dịch từ việc phân tích chiến lược phát triển. Nếu không làm được việc này, rất có thể làm cho tổ chức bị chệch hướng vì dồn nguồn lực vào làm những việc không cần thiết hoặc không quan trọng.
Mỗi vị trí làm việc rất cần một định nghĩa rõ ràng những gì tôi cần làm và những gì được gọi là hoàn thành công việc (bản mô tả công việc). Nó sẽ hạn chế việc đánh giá dựa trên cảm tình cá nhân, chung chung, vui vẻ cả làng nhưng tổ chức thì sắp sập. Đánh giá performance không phải là để chúng ta thị uy với nhau, hay “làm vừa lòng nhau”, mà để thúc đẩy đầu ra công việc. Vì không có một tổ chức nào phát triển khi tất cả ngồi đó hô khẩu hiệu, vỗ tay bốp bốp hân hoan, mà phải có rất nhiều việc phải được hoàn hành, tạo kết quả cụ thể.
Để diễn dịch từ OKRs ra các tiêu chí định lượng định tính để đo lường performance là câu chuyện đòi hỏi tư duy phân tích hệ thống tốt. Tốn nhiều công sức nhưng rất đáng để làm.
>>> Lời kết
Phàm, những việc gì liên quan đến con người là phức tạp nhất quả đất. Nó làm cho người ta mệt mỏi, stress, và có xu hướng làm cho xong hơn là làm cho tốt. Nghịch lý là ở chổ, chúng ta luôn miệng nói về con người và con người là yếu tố quyết định, nhưng chúng ta lại muốn ở đâu đó từ trên trời rơi xuống cho ta một con người hoàn hảo để ta dùng! Điều đó cũng có thể có, nhưng sẽ tốn rất là nhiều tiền, mà tiền lại là thứ ta không có, cho nên cái vòng lẩn quẩn con gà hay quả trứng có trước là vậy.
Quản trị là đi trả lời câu hỏi, có ít tiền hơn nhưng làm được nhiều việc hơn, được không? Câu trả lời là được. Và đó là lý do tồn tại của khoa học quản trị. Nếu ai cũng có quá xá tiền thì khoa học quản trị không còn lý do để tồn tại.
Một lời khuyên chân thành với các nhà quản lý. Hãy kiên trì với con người và dành nhiều thời gian công sức hơn nữa để cải thiện năng lực cho con người. Nếu như hỏi, ngồi thảo luận mua một cái máy với việc ngồi thảo luận xây dựng tự điển năng lực, cái gì hứng thú với nhà quản lý hơn. Câu trả lời chắc chắn là ngồi thảo luận mua cái máy! Nghịch lý là chổ đó đấy quý vị ạ. Và ai thoát khỏi cái bẫy “thích làm những việc ưu thích” để chuyển nó thành “làm những việc cần làm, đúng việc, cho dù có ưu thích hay không” thì mới mong có thành tựu.
Một hiện tượng đáng báo động hiện nay là người ta lợi dụng việc xây dựng hệ thống đánh giá năng lực, hoàn thành công việc như là một công cụ của lợi ích nhóm. Cụ thể, có nơi, một nhóm ngồi lại và làm ra một bộ hệ số gì đó, và quỹ lương sẽ được rót vào từng cá nhân theo bộ hệ số này. Cơ sở để hình thành bộ hệ số này là một sự thỏa hiệp, chia chác của một nhóm người, đặc biệt là những người đang giữ tiền.
Cách làm này bản chất là một sự hợp thức hóa lợi ích nhóm, rất đáng bị lên án, và đương nhiên nó không có tác dụng gì trong sự phát triển chung của tổ chức. Nếu như nó là tổ chức công, thì đó là một dạng tham nhũng tinh vi. Và khi những người này hết nhiệm kỳ, sẽ để lại một đóng đổ nát cho người khác thu dọn tàn cuộc. Những tổ chức công nào vướng phải bộ sâu này coi như là gặp hạn nặng, và người ta chỉ còn cách thắp mấy cây nhang van vái cho xui xẻo qua nhanh, hoặc lên chùa Ba Vàng gọi vong (đó là lý do vì bây giờ chùa nhiều vậy).
Chúc thành công.

SỰ ĐẦY CỦA CÁI KHÔNG (*) – LÀM KINH DOANH CẦN HỌC GÌ Ở NHÀ VẬT LÝ

Trên con đường bất tận truy tìm cái gì nhỏ nhất và cái gì lớn nhất, nhà vật lý đã phát hiện ra “hư không hóa ra không phải là hư không”, trong hư không con người mới nhận diện được một ít vật chất và phản vật chất trong đó, và còn những thứ gì khác nữa mà con người chưa thể phát hiện ra được là vô cùng nhiều.
Việc truy tìm này mở ra cơ hội tìm kiếm những nguồn năng lượng mới cho loài người. Nếu như năng lượng nguyên tử đã tạo ra một bước ngoặc vĩ đại thì NĂNG LƯỢNG TỪ HƯ KHÔNG, một giấc mơ “hoang đường” của con người, lại đang là niềm đam mê bất tận của nhà vật lý.
Kết quả hình ảnh cho emptiness
Thế thì câu chuyện về vật lý này liên quan gì đến chuyện kinh doanh. Điểm tương đồng đó là NGUỒN LỰC, nguồn lực luôn hữu hạn và ai cũng nghĩ như nhau về NHỮNG GÌ LÀ NGUỒN LỰC. Cũng như năng lượng, và những vật chất gì tạo ra năng lượng, ai cũng biết hết. Thế giới này rất rất cần những người nhìn ra năng lượng từ hư không, để làm thay đổi thế giới này. Thì trong kinh doanh, ai có khả năng nhận ra những thứ gì KHÔNG AI NHẬN RA NÓ LÀ NGUỒN LỰC, NHƯNG NÓ LÀ NGUỒN LỰC, thì người đó sẽ THAY ĐỔI THẾ GIỚI NÀY.
Nhà sáng nghiệp đổi mới (innovative entrepreneur) là người đeo đuổi niềm đam mê KHÁM PHÁ những nguồn lức mới mà chưa ai nghĩ ra, giống như nhà vật lý đi khám phá ra nguồn năng lượng mới. Để từ đó họ làm nên SỰ NGHIỆP LỚN, thay đổi thế giới này.
Viết bài này để gửi đến các bạn có mong muốn khởi nghiệp, đặc biệt là các bạn sinh viên, hãy đeo đuổi mục tiêu là nhà sáng nghiệp đổi mới. Nếu chúng ta không nghĩ ra được cái gì MỚI, thì kinh doanh là con đường “chết từ trong trứng”. Hay nói cách khác, phải tìm ra được cái thứ gì mới TRƯỚC, và tùy vào mức độ mới ý tưởng của chúng ta, sẽ quyết định đến khả năng tiến xa hay tầm vóc “thay đổi thế giới” của chúng ta. Có thể có các dạng mới sau:
- Nhu cầu con người không mới, nhưng chúng ta có giải pháp mới để giải quyết các vấn đề của con người hiệu quả hơn (UBER, GRAB, Airbnb, Amazon).
- Nhu cầu tiềm ẩn, thậm chí con người không phát hiện ra đó là nhu cầu, nhưng chúng ta khơi gợi. chỉ ra nhu cầu mới cho họ, tạo cho họ một trào lưu mới, thói quen mới, thậm chí cách thức “sinh sống, làm việc” mới (FB, Gg, Youtube. Fintech).
- PHÁT HIỆN RA NGUỒN LỰC MỚI, NGUỒN LỰC TỪ NHỮNG THỨ MÀ KHÔNG AI PHÁT HIỆN RA ĐÓ LÀ NGUỒN LỰC. Hành vi thói quen suy nghĩ của con người là một nguồn lực và nếu có cách để thu thập nó một cách hiện quả thì sẽ chuyển được nguồn lực bất tận này thành nguồn lực kinh doanh (big data, machine learning…). Ví dụ như trong y tế, giáo dục, nếu ai cũng nghĩ người nghèo là người không có tiền, mà không nghĩ ra “người có bệnh”, “người có mong muốn học hành” là một nguồn lực vô cùng lớn, và nếu ta tạo ra một phương thức chuyển đổi nguồn lực bất tận này (người nghèo luôn vô cùng nhiều trong xã hội) thành nguồn lực kinh doanh, thì ta sẽ thay đổi thế giới này. Mà phần thưởng cho người thay đổi thế giới này là rất lớn. Cho nên hãy nghĩ về người nghèo khác đi, đó không phải là một phân khúc trong kinh doanh, mà đó là một nguồn lực ẩn, chưa khai thác, chưa ai biết cách khai thác.
Kinh doanh là phải “nghĩ ra cái thứ mà người khác chưa nghĩ ra”, nếu cái thứ ta nghĩ ra và ai cũng nghĩ ra hết rồi thì ta nghĩ làm chi nữa. Người miền Tây giăng câu có câu “cái gì ăn được thì cá lòng tong nó ăn hết rồi, muốn câu cá lớn phải nghĩ ra cái thứ ăn được mà cá lòng tong không ăn được”. Dân gian đôi khi lại thâm thúy.
Kinh doanh không phải là trò chơi may rủi. Càng không phải là đi dựa vào thế lực nào đó để cướp nguồn lực của người khác một cách tinh vi. Đó là cướp, là giặc không phải là làm kinh doanh. Nếu chúng ta đeo đuổi con đường này thì phải hiểu rằng, ngày nào đó chúng ta cũng phải “ói ra” hết, thậm chí đánh đổi mạng sống của mình và gia đình mình. Đừng nhìn những “tấm gương” đó mà noi theo, thấy họ oai phong lẫm liệt thế thôi, nhưng ngày đền tội không còn xa.
Trong trường đại học, khi ngồi trên giảng đường, hay ngồi trong phòng lab, hay bất kỳ nơi đâu. Nếu chúng ta bất chợt bật ra một ý tưởng nào đó, hãy ghi chép lại. Và bắt đầu đeo đuổi nó, trước tiên, là quá trình tự phản biện chính mình, hay với một nhóm bạn bè. Kế đến là tìm cho mình một MENTOR tin cậy.
Mentor có 2 dạng, mentor về công nghệ - người hiểu sâu về kỹ thuật và ngành công nghệ, và mentor về kinh doanh-người có trực giác tốt về thị trường. Việc mang ý tưởng của mình ra các cuộc thi phải hết sức cân nhắc, vì nghĩ ra cái mới rất khó, bắt chước thì rất dễ. Đặc biệt là với những ý tưởng mà hàng rào bí quyết công nghệ chưa có gì. Ở VN thì quên đi câu chuyện đăng ký patent, IP…
Một mentor chuyên nghiệp là không đi ăn cắp ý tưởng người khác, nếu ai đó phát hiện rat hi ta phải tạo một diễn đàn để loại những kẻ thiếu chuyên nghiệp đó để làm trong sách hóa môi trường khởi nghiệp.
Cuộc sống con người có rất nhiều, rất nhiều vấn đề cần giải quyết, càng rất rất cần chúng ta nghĩ ra những phương cách mới, giải pháp mới, hay dùng nguồn lực mới để giải quyết nó. Nói nôm na cơ hội cho ý tưởng kinh doanh là vô tận như vũ trụ chúng ta vậy.
Vật lý ngày càng tiệm cận với triết lý của Phật giáo, không có cái gì lớn nhất và không có cái gì là nhỏ nhất, ngay cả khi gọi đó là hư không cũng không phải là hư không. Nhà vật lý ngày càng phát hiện ra là “hóa ra cái chúng ta phát hiện ra lại nằm trong một cái gì đó rất nhỏ so với cái chúng ta chưa phát hiện ra”. Kinh doanh cũng vậy, hãy đeo đuổi sự bất tận đó, đừng bắt chước khi chưa nghĩ ra hoặc hiểu ra hoặc phát hiện ra phương pháp cách giải quyết của người ta còn có cơ hội làm tốt hơn như thế nào.
Suy nghĩ không có mất tiền, đeo đuổi suy nghĩ hơi tốn sức một chút (có thể tốn tiền café), nhưng khi chúng ta bắt đầu khởi sự kinh doanh là chúng ta bắt đầu tốn tiền thật sự. Làm tư vấn, hay sự khích lệ, không phải là xúi người ta làm liều, ăn may. Mà ta phải dùng cái trực giác của mình để nhận diện ra tầm vóc, tiềm năng, cơ hội của ý tưởng, và những trở lực phải vượt qua trên con đường vươn tới hiện thực hóa ý tưởng. Một shark lên ngồi đó không phải là để “sang tạo tiểu thuyết ngôn tình” đưa ra những câu nói giật gân để báo chí giật tít, để PR cái thương hiệu của mình. Mà phải giúp cho xã hội này tìm kiếm những ý tưởng mới, giải pháp mới, nguồn lực mới tiềm năng, và có đóng góp nhất định để biến những tiềm năng đó thành hiện thực.
Giống như vai trò của nhà vật lý là nhìn thấy ở đâu đó có năng lượng tiềm ẩn, khởi nghiệp là người như vậy, họ phát hiện ra những thứ rất tiềm ẩn. Vai trò của mentor là giúp cho những thứ tiềm ẩn được hiện thực hóa nhanh hơn, ít trả giá hơn. Thương hiệu của một mentor nằm ở chổ anh đã chấp cánh cho bao nhiêu năng lượng tiềm ẩn được hiện thực hóa. Trừ khi chúng ta không đủ năng lực, nên phải sáng tạo những câu nói “ngôn tình” để PR hình ảnh kiếm cơm. Như thế nào ta chỉ đi lừa đảo được vài vụ kiếm ít cơm, chứ nó không thể là một nghề, càng không thể là cái nghiệp.
Còn nếu ai đó suốt ngày hô hào thay đổi thế giới, nhưng chẳng có nghĩ ra cái ý tưởng gì “vĩ đại” tạo ra những bước ngoặc thay đổi lớn cho cuộc sống con người, thì đó là bệnh hoang tưởng vĩ nhân. Mà bệnh thì phải đi chữa bệnh, không thả lang để cắn người ta (ví dụ như bán café mà suốt ngày nghĩ mình có thể hô mưa gọi gió…).
Chúc cuối tuần vui vẻ!
-------------------
“Sự đầy của cái không” là tựa đề quyển sách của GS Trịnh Xuân Thuận, dành cho những người đam mê vật lý nghiệp dư. Nếu được lựa chọn, tôi đã chọn trở thành một người đeo đuổi hóa – lý cơ bản. Tuy nhiên, ở đời, không phải ai cũng chọn được cái thứ mình mong muốn.

LÃNH ĐẠO VỚI MỘT SỨ MỆNH

Để dẫn dắt và tạo niềm tin với những con người đồng hành trên một con đường dài, nếu chúng ta không có một sứ mệnh có ý nghĩa, chúng ta sẽ đ...

Most Viewed