Thu phí thấp, thậm chí miễn phí, không phải là làm từ thiện, đó là một mô hình kinh doanh, và là một mô hình kinh doanh cực kỳ sáng tạo. Cuộc sống chúng ta có rất nhiều thứ miễn phí, nhưng những người tạo ra nó lại là những tỷ phú hàng đầu thế giới.
Trước đây, người ta kinh doanh theo kiểu “giá vốn hàng bán + lợi nhuận mong muốn = giá bán”. Trường đại học cũng với công thức như vậy, nên trường đại học luôn luôn cảm thấy lỗ vì giá vốn hàng bán không được tính đúng tính đủ. Trớ trêu là trong giá vốn hàng bán, chi phí cho “phần cứng” không có thể “mua rẻ” được, nên người ta chỉ còn cách ép chi phí cho “phần mềm” về “ngưỡng nghèo đói”. Từ đó, học phí được xem là cứu cánh duy nhất để thoát nghèo, nhưng đụng đến học phí là đụng đến an dân, nên muốn thoát nghèo cũng phải có lộ trình, miễn sao tốc độ thoát nghèo nhanh hơn tốc độ nâng ngưỡng nghèo là “chập nhận được”.
Câu chuyện đó chỉ phù hợp với bối cảnh 20-30 năm trước đây. Thế giới ngày nay đã đổi khác. Trường đại học cũng được định vị lại vai trò trong một hệ sinh thái khác. Và đương nhiên “mô hình kiếm tiền” cũng khác, và phức tạp hơn rất nhiều.
>>> Trường đại học trong quy chuẩn thị trường và quy chuẩn xã hội.
Quy chuẩn thị trường: giáo dục là hàng hóa, tạo ra giá trị và bán nó với một mức giá mà “khách hàng mục tiêu” sẵn sàng chi trả. Và đương nhiên, tất cả chi phí đầu vào cũng “tính đúng tính đủ”. Nếu nhìn ở quy chuẩn thị trường thì đào tạo kinh tế, kinh doanh có chi phí thấp nhất. Đào tạo y khoa là chi phí cao nhất. Từ đó kinh tế, kinh doanh học phí thấp nhất, và đào tạo y khoa học phí cao nhất. Nếu chúng ta nhìn thấy học phí kinh tế cao hơn y khoa, chúng ta sẽ thấy “rất bất công”.
Trường đại học sẽ được quản trị như một doanh nghiệp, có đầu vào đầu ra, có quá trình gia tăng giá trị, có kiểm soát quá trình, có kiểm định chất lượng đẳng cấp quốc tế; có PR quảng cáo, thu hút, cấp học bổng cho những người nổi tiếng, có ảnh hưởng xã hội; có thu hút nhân tài, có cấp ngân sách nghiên cứu tương ứng chỉ tiêu nghiên cứu,…bla bla. Và khi anh bán cái gì đó thì sẽ có chuyện khen chê, bình phẩm, đánh giá, cạnh tranh, chiêu trò. Khách hàng sẽ có quyền “kêu ba má em đuổi thầy” hay “cô còn ở đây, tui chuyển trường”. Vì ba má em có ảnh hưởng lớn xã hội, nên đuổi thằng thầy này thì tuyển thằng thầy khác, đầy đường ấy mà. Viễn cảnh đó chẳng có gì khó để hình dung.
Trong quy chuẩn thị trường, doanh thu của một người đại học là trọng yếu, quyết định đến sự tồn tại của ngôi trường đó, và những nhà đầu tư là những nhà kinh doanh, mưu cầu lợi nhuận, xem giáo dục như là một danh mục đầu tư.
Quy chuẩn xã hội: giáo dục là khai phóng tiềm năng con người. Nơi con người có cơ hội để trở thành người hữu ích cho xã hội. Nhưng đừng có nhầm, đây không phải là trường đại học phi lợi nhuận, hay trường đại học “của những tấm lòng cao cả, cống hiến vô tư cho đời”, càng không phải là sân sau cho hệ sinh thái bất động sản, hay bình phong, bàn đạp, … bla bla.
Cái mà trường đại học hoạt động theo quy chuẩn xã hội tạo ra là “vốn xã hội”, và từ đó chuyển nó thành tiền ở một phương thức khác mà không phải là từ học phí của sinh viên. Vậy “vốn xã hội” ở đâu ra, đó chính là ở sinh viên. Cho nên, sinh viên không phải là khách hàng, sinh viên là một tác nhân đồng tạo sinh giá trị (value-cocreation actor). Và quá trình đồng tạo sinh giá trị không chỉ ở mấy năm đại học, mà là trọn đời.
Nếu như quy chuẩn thị trường xem sinh viên là đầu vào - đầu ra của một quá trình “tiền trao cháo múc, không tiền trút cháo vô”. Thì quy chuẩn xã hội xem sinh viên là một thành viên trong hệ sinh thái “trọn đời”. Rất nhiều trường đại học xem sinh viên ra trường là coi như xong. Nhưng không, sinh viên ra trường chỉ là mới bắt đầu và đó là tác nhân quan trọng tạo nên nguồn lực to lớn cho một trường đại học. Vần đề là các trường đại học chưa tìm được một mô hình phù hợp để khai thác nguồn lực này. Và đó là cơ hội cho một mô hình đại học mới.
>>> Cách thức kiếm tiền và đặc điểm của một trường đại học “học phí thấp”, vận hành theo quy chuẩn xã hội.
- Học phí thấp và rất nhiều học bổng miễn học phí: mục tiêu của học phí thấp là để thu hút nhiều sinh viên tiềm năng, sinh viên có hoài bão, sinh viên muốn thay đổi cuộc đời mình và gia đình mình thông qua con đường tri thức. Các trường đại học ngày nay không phải là “thi tuyển” mà là săn tìm, như tìm một nguồn lực, như tìm chất liệu đầu vào cho phát triển. Mỗi cá nhân là một tiềm năng, nhiệm vụ của giáo dục là khai phóng tiềm năng này. Trường đại học không “bán” cho sinh viên tri thức theo kiểu tiền nào của đó, trường đại học chỉ kích hoạt và nuôi dưỡng nguồn năng lượng trong mỗi con người. Đương nhiên là không kích hoạt bằng những “khẩu hiệu sáo rỗng”, mà dùng tri thức để kích hoạt và nuôi dưỡng tri thức.
- Huy động nguồn lực xã hội cho nghiên cứu khoa học:sứ mệnh của người đại học là SẢN XUẤT RA TRI THỨC, chứ không phải chỉ là giảng dạy. Không sản xuất được tri thức thì dạy cái gì. Muốn nghiên cứu phải tìm được nguồn tài trợ và một hệ sinh thái nuôi dưỡng các nghiên cứu. Sinh viên vừa là nguồn nhân lực nghiên cứu, vừa là nguồn tài trợ nguồn lực cho nghiên cứu, vừa là hệ sinh thái nuôi dưỡng việc nghiên cứu, khi họ đã bước ra môi trường xã hội. Nguồn vốn xã hội này sẽ không bao giờ có được khi trước đây họ bị đối xử như người đi mua tri thức. Nguồn vốn xã hội này chỉ có được khi ngày xưa họ được khai phóng một cách bất vụ lợi.
- Ngân sách cho hoạt động phần lớn đến từ chuyển giao công nghệ, và dịch vụ công nghệ: Nếu một trường đại học mà không kiếm được tiền từ hoạt động này, đó thực sự là một điều hết sức lo ngại. Sản xuất ra tri thức là phải bán được. Có thể người mua là chính phủ, doanh nghiệp, hay các quỹ của các tỷ phú muốn mang đến lợi ích nhiều hơn cho xã hội. Marketing công nghệ là một năng lực quan trọng cho các trường đại học dạng này. Và ai sẽ là đối tượng tốt nhất để làm marketing công nghệ, không ai khác chính là cựu sinh viên. Nếu những sinh viên ngày xưa “chi trả sòng phẳng” cho những gì họ học được, thì ngày sau, họ cũng sẽ rất sòng phẳng trong những thương vụ này. Còn nếu như ngày xưa họ được khai phóng, thì ngày sau tất cả những gì họ làm trong trường hợp này đều là tự nguyện từ tâm.
- Tạo ra doanh nghiệp Start up và Spin off để bán: đây mới thực sự là nguồn tiền lớn, và quan trọng nhất với các trường đại học trong tương lai. Một ý tưởng công nghệ lóe lên chỉ ở dạng tiềm năng, nó phải được nuôi dưỡng và phát triển qua một giai đoạn. Thế thì ai sẽ làm việc này, không ai khác chính là các vườm ươm công nghệ. Trường đại học đứng ra tổ chức, lựa chọn, kết nối, hỗ trợ … gọi là ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, nếu thành công thì cổ phần của trường đại học trong các startup và spin off này là một tỷ lệ nhất định và nếu bán đi thì số tiền không nhỏ tí nào. Đến chổ này thì chúng ta thấy những sinh viên được khai phóng có giá trị như thế nào!
- Nguồn tiền cho tặng từ cựu sinh viên muốn để lại cái gì đó cho đời. Tài trợ một phòng thí nghiệm mang tên mình, một giảng đường mang tên mình, thậm chí là một viện nghiên cứu mang tên mình. Chuyện rất phổ biến trên thế giới. trong tương lai cũng sẽ phổ biến ở VN khi các tỷ phú đến một độ tuổi nào đó gần đất xa trời.
>>> Vài lời với những nhà quản lý giáo dục.
Những gì tuyệt vời nhất trên thế gian này sau gia đình là ở trường đại học. Bất kể xuất thân, bất kể kinh tế gia đình, bất kể sự may mắn hay bất hạnh, con người ta vẫn có thể học giỏi và thành tài. Trong đó có 2 điều kiện tiên quyết: (1) một môi trường giáo dục khai phóng (liberal education), kích thích được tiềm năng không giới hạn của một con người; (2) “search insight yourself”, luôn tự thân tìm kiếm những gì mình có thể làm tốt nhất.
Hạ thấp học phí là một chiến lược để thu hút những người tiềm năng. Nhưng không có nghĩa là làm từ thiện. Cũng giống như FB, càng nhiều người dùng, càng nhiều nội dung được tạo ra thì FB càng tích tụ được nhiều data, và chuyện còn lại là biến data thành tiền. Một trường đại học cũng vậy, nhiều người trưởng thành từ đó, nhiều người giỏi xuất thân từ đó thì nguồn vốn xã hội của một trường đại học rất lớn. Việc còn lại là thiết kế các hoạt động kinh doanh khai thác trên chính mạng lưới đó, để cung cấp nguồn tiền nuôi ngược lại hoạt động đào tạo của trường. Cứ thế mạng lưới kinh doanh của trường đại học ngày càng phát triển, lấy hạt nhân trường đại học là trung tâm.
Năng lực cốt lõi của một trường đại học ngày nay là khả năng quản lý và khai thác cái mạng lưới kinh doanh này. Không phải suốt ngày xà quần với mấy chuyện cải cách thi cử, quy chế đào tạo. Hãy thay đổi tư duy về một trường đại học, từ đó cải cách mạnh mẽ quản trị đại học. Đó là chuyện cấp thiết cần làm.
Để mô hình đại học chi phí thấp – vận hành theo quy chuẩn xã hội thành công. Điều tiên quyết là nó phải thiết kế được một hệ sinh thái thu hút được những người có hoài bảo, khát khao làm một chuyện gì đó thể hiện bản lãnh và kiếm được tiền từ trí tuệ sáng tạo, “mã tầm mã ngưu tầm ngưu”. Để tạo ra hệ sinh thái đó không phải là bỏ rất nhiều tiền để xây “một thung lũng silicon” hoành tráng (tài sản cơ sở vật chất phải có quá trình tích lũy, không ở đâu trên trời rơi xuống), mà năng lực quản trị.
Đạo lý ở đời rất đơn giản, nếu chúng ta xem sinh viên là bầu sữa, và xây dựng mối quan hệ “thuận mua vừa bán” với họ, thì sau này chúng ta sẽ gặt được sự mặc cả tương tự theo kiểu “cá ăn kiến, kiến ăn cá”. Nhưng nếu chúng ta xem sinh viên là một tác nhân đồng tạo sinh giá trị (value co-creation actor), thì chúng ta sẽ tích tụ được một nguồn năng lượng tạo giá trị bất tận.
Chọn con đường nào, quy chuẩn thị trường hay quy chuẩn xã hội, là tùy vào triết lý của một trường đại học. Tất cả đều có chung mục tiêu là kiếm tiền, không tiền thì không làm được chuyện gì hết, học phí thấp cũng không có nghĩa là kiếm được ít tiền hơn, học phí cao cũng không có nghĩa là kiếm được nhiều tiền hơn. Con đường và cách kiếm tiền, ngắn hạn hay dài hạn, ăn xổi hay bền vững, là tùy vào quan điểm và thủ pháp của hội đồng trường. Mà hội đồng trường … là câu chuyện của vận mệnh!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét