Mỗi người sinh ra đời muốn tồn tại độc lập được phải kiếm được tiền. Tiền vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là “chân lý sống” (người không vì tiền, trời tru đất diệt).
Muốn kiếm được tiền, ta phải “bán” cái gì đó, tùy vào cái ta có. Có sức bán sức, có trí tuệ bán trí tuệ, và thậm chí là bán thân xác để mua vui cho người khác. Cho nên cha mẹ thường răn con “không chịu học để có năng lực trí tuệ thì sau này phải bán sức lực hoặc thân xác để sống”. Đó là lý do để trường học tồn tại. Nếu thế gian này không ai cần trí tuệ nữa thì trường học sẽ đóng cửa.
Nhưng, xã hội lại có những người không bán cái của mình để kiếm tiền, mà muốn lấy cái của người khác để bán. Đó là cướp. Nhưng cướp có nhiều loại: có loại bị bắt bỏ tù, có loại được tôn vinh như thánh thần. Ranh giới giữa hai loại cướp này được quyết định bởi văn hóa và thể chế. Khi các giá trị văn hóa suy đồi, trong nhiều trường hợp, cướp được vinh danh như là một sự khôn “ranh”. Khi thể chế bị “bắt cóc” thì nó sẽ được ban hành để phục vụ cho cướp và băng nhóm của cướp.
Xã hội, trộn lẫn nhiều hình thái kiếm tiền khác nhau. Việc của chúng ta là chọn cho mình một phương cách kiếm tiền và đương nhiên chúng ta cũng tự chịu trách nhiệm với những gì mình đã chọn.
Một xã hội phát triển bền vững, là sàng lọc được cướp, và loại hình kiếm tiền bằng cách cướp sẽ phải ít hơn những loại hình khác. Còn ngược lại, thì đó là sự diệt vong, vấn đề là bao lâu.
>>> KINH DOANH
Nỗ lực của cá nhân kiếm tiền, cho dù giỏi cách mấy, cũng hữu hạn, nghĩa là cũng chỉ trở thành người khá giả, trung lưu.
Muốn vượt qua ngưỡng tích tụ tài sản hữu hạn, chúng ta phải quy tụ được những người khác cùng làm với mình và dẫn dắt họ để cùng mình kiếm tiền – tạo ra doanh nghiệp để kinh doanh với mục đích kiếm tiền từ đó ra đời. Và những người đó được gọi là những người có tinh thần làm chủ, người muốn tạo dựng một sự nghiệp lớn – tinh thần sáng nghiệp.
Với một doanh nghiệp, việc kiếm tiền trên lý thuyết là vô hạn. Thế giới phẳng ngày nay, việc kiếm tiền vượt không gian và thời gian, doanh nghiệp có thể tạo dựng những đế chế kinh doanh có sức mạnh lớn hơn cả một quốc gia.
Phương châm của các đế chế kinh doanh là kiếm tiền với tất cả các cơ hội có được miễn là pháp luật không làm gì được. “Mèo trắng, mèo đen gì không quan trọng, miễn là bắt được chuột”. Vấn đề là pháp luật thì cũng do một nhóm người nào đó tạo ra, cho nên, với các đế chế kinh doanh, pháp luật cũng là một “bài toán đầu tư”, cũng là “con cờ trên ván cờ”.
Lịch sử gầy dựng các đế chế kinh doanh của thế giới từ phương Tây sang phương Đông đều ghi nhận các đế chế kinh doanh mới thật sự là người làm luật. Đặc biệt là các quốc gia Đông Á, Nhật, Hàn (chaebol), TQ, Đài Loan là phổ biến nhất. Thậm chí, vượt khuôn khổ pháp luật về kinh doanh, các đế chế kinh doanh còn ngồi trên pháp luật ở những việc khác như bắt cóc, thủ tiêu, ám sát chính trị, cài người vào bộ máy, và buôn ghế quốc hội, buôn ghế tổng thống…nói nôm na là chuyện gì cũng làm miễn giữ được đế chế kinh doanh của mình. Các lợi ích kinh doanh, chính trị đan xem nhau một cách khủng khiếp, không ai lần ra nổi đầu dây mối nhợ, và không ai biết rõ đường dây thực sự bên trong là gì.
Phàm ở đời, ai nắm nhiều tiền người đó có thực quyền, cho nên quyền lực của một quốc gia cuối cùng lại nằm trong tay của các đế chế kinh doanh.
Đương nhiên cái gì tồn tại đều có mặt tích cực, các đế chế kinh doanh cũng tạo ra những lợi ích thiết thực cho xã hội. Công ăn việc làm, sản phẩm hàng hóa dịch vụ được tạo ra một cách tối ưu hơn nên đảm bảo các nguồn lực được sử dụng hiệu quả hơn. Đặc biệt, nó giúp trấn giữ an ninh kinh tế và tài nguyên tốt hơn. Từ đó nền tài chính một quốc gia ổn định hơn, xã hội ổn định hơn.
Đó là lý do vì sao luôn có 2 phe quan điểm trong việc ủng hộ và không ủng hộ các đế chế kinh doanh cả công lẫn tư trong cộng đồng xã hội và các đảng phái chính trị. Quan điểm ủng hộ cho rằng, kinh tài (kinh tế - tài chính) của một quốc gia, 80% nên thuộc về vài chục đế chế kinh doanh, và ta chỉ việc quản mấy ông này tốt là được. Quan điểm không ủng hộ cho rằng bất cứ thứ gì dẫn đến sự độc quyền đều là sự tự sát.
300 năm nay vấn đề này vẫn còn đang tranh cải. Và trong bối cảnh “kinh doanh không biên giới” ngày nay, không chừng 80% kinh tài của cả thế giới gom lại nằm gọn trong vài trăm đế chế kinh doanh.
Các đế chế kinh doanh có quan hệ đồng sanh cộng tử với các thế lực chính trị cho nên nó cũng có những rủi ro do chính trị mang lại. Đương nhiên, các đế chế này cũng tìm mọi cách để tạo thế “too big too fail”- quá lớn để sụp đổ, hoặc biến hình theo dòng chảy của chính trị.
>>> ENTREPRENEURSHIP
Thuận ngữ Entrepreneurship trước đây (thế kỷ 19, 20) được hiểu là tinh thần làm chủ, tinh thần sáng nghiệp như phần trên. Tuy nhiên, gần đây nó đang được xem xét lại bởi các trường phái cách tân – innovation - xã hội muốn phát triển phải thúc đẩy sự thay đổi sáng tạo đột phá, vai trò của những Entrepreneurship không chỉ là đi kiếm tiền làm giàu bằng mọi giá cho đế chế kinh doanh của mình mà là người khai sáng, tạo sự thay đổi cho xã hội, tạo ra những thay đổi mang tính cách mạng trong đời sống con người, làm cho đời sống con người tốt đẹp hơn. Đó mới là những Entrepreneur thực sự đáng kính trọng.
Từ đó, Entrepreneurship được định nghĩa lại là tinh thần tìm tòi sáng tạo và biến những sáng tạo đó thành những hoạt động kinh doanh làm thay đổi cuộc sống con người tốt đẹp hơn.
Entrepreneurship, trong bối cảnh một người chỉ có ý tưởng sáng tạo, không có nguồn lực gì khác trong tay, được gọi là startup – khởi nghiệp sáng tạo. Và nhiều quốc gia, để khuyến khích những con người này, họ đã tạo ra một hệ sinh thái để hỗ trợ họ (vốn, kỹ năng quản trị, chính sách, phương tiện nghiên cứu…)
Entrepreneurship, trong bối cảnh những doanh nghiệp trưởng thành (mature firm), kinh doanh bằng những mô thức truyền thống, những muốn thay đổi, từ đó khuyến khích thúc đẩy các thành viên trong công ty bật ra những ý tưởng đổi mới sáng tạo đột phá, với nền tảng nguồn lực mạnh, họ sẳn sàng đầu tư vào những ý tưởng mới này, điều này được gọi là Intrapreneurship – tinh thần khởi nghiệp sáng tạo bên trong. Các doanh nghiệp đối mặt với những thị trường “bão hòa” hiện nay đang rất thúc đẩy cái Intrapreneurship này, vì nếu không họ không thể tăng trưởng được nữa.
Vai trò và hình ảnh của doanh nhân ngày xưa, trong con mắt của xã hội, là những người chụp giật, luồn lách, mua chuộc, thủ đoạn để chiếm đoạn nguồn lực, tạo thế lực cạnh tranh không trong sạch, sẳn sàng gây hại cho người dùng, …miễn sao có tiền và không bị bắt là được, dần dần được thay thế bằng hình ảnh những người chuyển tải khoa học công nghệ, tạo ra sự sáng tạo đột phá giúp đời sống con người tốt đẹp hơn.
KHÔNG CÓ DOANH NHÂN, KHOA HỌC CỘNG NGHỆ KHÔNG THỂ ĐẾN VỚI ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI, doanh nhân là cầu nối cho thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, không có động lực thương mại hóa khoa học không có nguồn lực để duy trì. Đó là vai trò cực kỳ quan trọng của doanh nhân trong xã hội ngày nay.
Khi Entrepreneurship đặt trên nền tảng của Innovation, hai quan điểm ủng hộ và không ủng hộ việc tạo lập các đế chế kinh doanh trong một quốc gia, lại tiếp tục thách thức nhau.
Quan điểm không ủng hộ: Một quốc gia nên có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng hàm lượng đổi mới sáng tạo cao hay ít doanh nghiệp to đùng nhưng ít sáng tạo mà suốt ngày chỉ lo đi cấu kết với chính trị để thao túng thị trường tạo thế độc quyền?
Quan điểm ủng hộ: những đế chế kinh doanh ngày nay thực chất cũng đã phân rã thành những đơn vị nhỏ và thúc đẩy Intrapreneurship, do đó nó sẽ có nguồn lực đầu tư hiệu quả hơn những SMEs nguồn lực phân tán, khó mà cạnh tranh được. Cho nên, cần phải tạo những chính sách “thiên vị” cho những đế chế này, và đó cũng là cách để phát triển một quốc gia (vì nguồn lực được sử dụng hiệu quả hơn).
Kinh doanh và chính trị luôn đi đôi với nhau, mỗi quốc gia sẽ có những xu hướng nhất định trong việc hoạch định chính sách ủng hộ cái gì, tùy thuộc vào quan điểm số đông của các vị nghị sĩ trong quốc hội.
>>> LỜI KẾT
Xã hội không có cái gì là tuyệt đối, luôn có hai mặt có bất cứ vấn đề gì. Cho nên, nó rất cần sự tranh luận khoa học, và đó cũng là lý do tồn tại của khoa học. Nếu cái gì cũng đúng hết thì khoa học tồn tại để làm gì.
Tuy nhiên, quan sát của cá nhân, các đế chế kinh doanh cả công lẫn tư đình đám hiện tại ở VN, thì nó vẫn mang màu sắc tài phiệt ở thế kỷ 20 hơn, chứ chưa có thể được gọi là Sáng nghiệp Đổi mới sáng tạo gì cả.
Mà tài phiệt ở thế kỷ 20 đã bị đào thải trên toàn thế giới hết rồi. Chỉ còn ta dung dưỡng thôi. Cho dù ta có khoác lên cho nó nên bao nhiêu mỹ từ ở thế giới hiện đại, nhưng bản chất vẫn là bản chất. Và chúng ta khi suy xét chuyện gì, phải nhìn sâu vào bản chất, đừng nên để những mỹ từ thêu hóa kết gấm mà say đắm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét