Thói quen làm việc của các lãnh đạo là khoán đầu mối công việc. Nghe nói đến phần mềm, à, giao cho phòng công nghệ thông tin lập đề án, trình xem xét và phê duyệt triển khai. Đó là thói quen của đi mua một cái máy, mua một dụng cụ vật tư gì đó. Lãnh đạo xem hệ thống thông tin như là một cái máy và như bao nhiêu cái máy khác, mua xong về lắp vô chạy, trả tiền, xong!. Đó là một thói quen tai hại.
Hệ lụy của thói quen tai hại này là một quy đình đánh giá và lựa chọn nhà cung ứng được kích hoạt. Đi tìm 5-7 công ty gì đó, nghe nói kinh nghiệm lẫy lừng. Mời họ tới khảo sát xong nghe trình bày a,b,c, đánh giá kinh nghiệm năng lực, giá cả, bia bọt gác tay gác chân, lì xì xanh đỏ bla bla…rồi thì cũng chọn được một anh, hay một chị tùy cảm tình của chúng ta. Rồi cũng làm một lễ ký kết hợp đồng, một buổi kick-off hoành tráng, mời báo chí đưa tin loạn xạ, giựt gân như thể ngày mai ta lên cung trăng đây nhé.
Đến đây thì ác mộng bắt đầu. 2/3 dự án phần mềm thất bại để lại một tổn thất lớn cho doanh nghiệp, chưa đến mức phải dẫn nhau ra tòa, nhưng số tiền trăm ngàn đô “deposit” chi ra không dùng được cho việc gì sẽ coi như là một chi phí chìm. Còn ráng gồng cho “go live” để đỡ tội thì thảm họa đến với nhân viên vận hành. Hàng trăm cuộc họp sau đó diễn ra để tháo gỡ khó khăn cho cái phần mềm (má ơi, tưởng có nó mình hết khó khăn, ai dè, có rồi phải đi gỡ khó cho nó). Lúc này, các nhân viên lập trình của các công ty viết phần mềm được cưng như cưng trứng hứng như hoa, dạ anh muốn ăn gì cứ nói em hầu!
Mọi việc rồi cũng qua, nhờ tài khéo léo của chúng ta. Và một thời gian “cức trâu để lâu hóa bùn”, đập phá làm lại, lại có dịp để chi tiếp, quá đã!. Xà quầng 5-10 năm chi rất nhiều nhưng trắng tay là vậy. Cuối cùng rồi trong doanh nghiệp chỉ có một cái phần mềm coi ra hồn là phần mềm kế toán báo cáo thuế, đương nhiên rồi, cái này mà không ra hồn thì chết chắc. Còn lại, mãi mãi, nguồn lực thông tin, trí tuệ từ khai thác dữ liệu, 20-30 năm, vẫn mãi là những trang sách giáo khoa đầy mơ mộng.
30 năm, từ ngày phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP – Enterprise Resource Planning) được biết đến ở VN (qua các tập đoàn đa quốc gia), số doanh nghiệp Việt có thể khai thác được sức mạnh của hệ thống thông tin và trí tuệ dữ liệu đếm trên đầu ngón tay. Trong khi Thái Lan chỉ mất 10 năm, Hàn Quốc, Nhật Bản không mất năm nào!
Chúng ta, những nhà lãnh đạo, cần thay đổi thói quen tai hại là “đi mua một phần mềm”. Vậy chúng ta cần làm gì.
1. Nhận thức về thông tin và dữ liệu sẽ giải quyết chuyện gì cho chúng ta trong kinh doanh, trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh, trong việc tồn tại và phát triển. Nếu chúng ta còn mơ màng, lờ mờ về nó. Hãy mời chuyên gia về chia sẻ và làm cho từng con người trong tổ chức hiểu rõ việc này. Mơ màng, không hiểu tại sao phải làm một việc gì đó, đồng nghĩa là không có động lực để làm, làm để trả bài chứ không phải làm để giải quyết vấn đề, và đương nhiên là không nghĩ cách để làm.
2. Hệ thống thông tin, trước hết là hệ thống vận hành. Dòng chảy công việc, dòng chảy thông tin, điểm khởi tạo dữ liệu phải được mapping đầy đủ và phải được đưa ra bàn luận với các chuyên gia trong doanh nghiệp. Thiết kế quan trọng của một hệ thống thôn tin là thiết kế dòng chảy thông tin, và thiết kế cơ sở dữ liệu. Hai việc này là tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, không phải là của công ty viết phần mềm. Chúng ta giao cho công ty viết phần mềm, khác nào chúng ta dâng trí tuệ cho người khác, hay bị người khác áp cái trí tuệ trời ơi đâu đó cho mình (nhiều khi của lập trình viên cũng không chừng). Ngày nào chưa làm xong hai thiết kế này, ngày đó đừng bao giờ trả tiền để viết code!
3. Nhà cung cấp phần mềm, là nhà cung cấp giải pháp, đừng để cái ánh hào quang trong quá khứ của họ (từng làm cho công ty to à nghen) làm mờ mắt chúng ta. Hãy hỏi họ, anh đã đọc ra vấn đề gì của chúng tôi và anh có giải pháp riêng biệt gì cho chúng tôi không. Một công ty phần mềm không chuyên nghiệp là công ty đi triển khai phần mềm như đi lắp đặt cái phòng game, anh có bao nhiêu máy, bao nhiêu user, tui tới tui cài phần mềm, rồi đó xài đi, tôi biến. Họ bảo họ đã từng làm nhiều nơi, nhưng hãy nghe nhân viên những nơi đó nói mới chính xác, đừng nghe lãnh đạo nơi đó nói (lãnh đạo chê, chả khác nào thừa nhận mìn thất bại).
4. Một công ty phần mềm có năng lực là công ty:
a. (1) có khả năng phân tích hệ thống và có giải pháp cho hệ thống của từng doanh nghiệp, không phải là bê nguyên cái chuẩn ở đâu đó về áp cho doanh nghiệp, việc này sẽ gây ra sự tốn kém rất lớn cho doanh nghiệp, tiền mất tật mang là đây;
b. (2) có tầm nhìn về khai thác dữ liệu, nghĩa là họ phải biết khoa học dữ liệu đang tiến đến đâu và có thể giải được những bài toán gì, thì ngay lúc thiết kế họ đã có thể làm cho cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp không phải đập phá nhiều trong tương lai;
c. (3) sử dụng những nền tảng hệ thống có thể chừa chổ cho các extension sau này cắm vào để doanh nghiệp có thể khai thác tốt dữ liệu trong tương lai. Chứ không phải mỗi khi cần cứ đi kiếm công ty phần mềm mà không tự làm được;
d. (4) Nói đến hệ thống quản trị là nói đến change management. Trên thế gian này không bao giờ có một hệ thống tổ chức và vận hành nào đẹp như mơ để mà chúng ta thỏa ước tất cả. Nên năng lực thay đổi cấu trúc hệ thống, thay đổi mindset, thay đổi hành vi, thay đổi văn hóa…cho công ty khách hàng là cốt lõi của sự thành công của một công ty phần mềm.
e. (5) Năng lực truyền đạt. Đừng múa thuật ngữ chuyên ngành, đây là cái bệnh của những người có học một chút. Chúng ta nói cái gì đó để mà người ta hiểu và làm, chứ không phải nói để tỏ vẻ chúng ta là anh tài. Nói cái gì đó người khác ngu ngơ là cái yếu kém của năng lực diễn đạt của chúng ta, chứ chả phải hay ho gì hết. Người ta không hiểu thì người ta không có động lực, không hợp tác, không làm đúng, chúng ta sẽ gánh hậu quả cho việc đó.
Năng lực quản trị của doanh nghiệp Việt ngày càng bị bỏ quá xa so với thế giới. Chắc chúng ta chỉ hơn mỗi Lào, Campuchia. Nói ra không phải để chúng ta chỉ trích nhau để rồi phán nhau suy nghĩ tiêu cực. Nói ra để chúng ta biết thực tại mình ở đâu và phải quyết tâm vượt qua chính mình. Chúng ta không thể chậm trễ nữa. Chúng ta cũng tiếp nhận, doanh nghiệp thế giới cũng tiếp nhận những công nghệ mới, nhưng người ta tiếp nhận để người ta làm và biến nó thành năng lực cạnh tranh thực sự, còn ta thì không có làm cái gì cho thực chất. Đừng làm màu lào xào rồi bán nữa, làm thực chất hay là chết!.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét