Chứng cứ đâu là suy nghĩ như một phản xạ của những người có gốc khoa học tự nhiên, kỹ thuật. Khi ai đó đưa ra một nhận định nào đó, phải có chứng cứ người ta mới tin. Một người phát biểu không có chứng cứ là một người không đáng tin và do đó tất cả những gì anh ta nói là không đáng để nghe. Giao tiếp sẽ có một rào cản ngay lập tức nếu ai đó nói năng mang tính suy diễn.
Những người có nền tảng từ khoa học thực chứng (khoa học tư nhiên, kỹ thuật…) từ trong ghế nhà trường đã bị mấy ông thầy cài não đến mức nói ra một cái gì đó không có chứng cứ trở nên hết sức rung rẩy và do đó hầu hết thời gian và nỗ lực sẽ dành cho việc đi tìm chứng cứ hơn là đi tìm giải pháp cho giải quyết vấn đề. Thói quen đi tìm chứng cứ để yểm trợ cho lời nói của mình, để thuyết phục người nghe tràn ngập trong các trường đại học và ngay cả trong các trường đại học về kinh doanh.
Trong một buổi thảo luận về sự thành công hay thất bại của các mô hình kinh doanh, một cá nhân đưa ra nhận định về mô hình kinh doanh khác nhau giữa Mai Linh taxi và Grab. Mail Linh thiêng về mô hình tài chính, một chiếc xe có sở hữu từ ngân hàng, cựu chiến binh và tài xế lái xe taxi, Mai Linh chỉ sở hữu thương hiệu và thực hiện và quản lý. Grab thiêng về mô hình sharing và chỉ làm dịch vụ như một app gọi xe. Ngay lập tức có học viên đứng lên cự quyết liệt, chứng cứ đâu mà bạn nói như vậy, có ai trong công ty Mai Linh, Grab, xác nhận chuyện này không? Bạn biết gì công ty người ta, suy diễn kiểu như vậy rất là tào lao,…bla,…bla. Một phản biện rất ư là positivism! Nó làm người trình bày phát hoảng và đương nhiên là tắt đài!
Trong cuộc sống và công việc, chúng ta thường bị những kiểu phản biện tắt đài như vậy. Phản biện theo kiểu bắt bí, không phải để khơi gợi để tìm ý tưởng hay giải pháp gì mới mẻ. Phản biệt cốt để làm mất mặt người khác, rất thường gặp trong không gian văn hóa giao tiếp Việt, thứ văn hóa đầy sân si nhỏ nhặt, tỏ vẻ nhưng vô tích sự. Rốt cuộc tác hại của thứ văn hóa đó, vì không đủ thời gian, không đủ thông tin, không đủ nguồn lực để đi tìm chứng cứ! Nên trong các buổi thảo luận, tốt nhất là không nói gì, không đưa ra nhận định gì, vì nói mà không có chứng cứ thì bị người khác phản biện nhục lắm, mất mặt lắm. Rốt cuộc làm thui chột suy nghĩ, thui chột sự sáng tạo lúc nào cũng không biết. Thành ra xã hội rất thừa những người xét nét, bắt bẻ đúng sai, cãi sùi bọt mép những chuyện lặt vặt râu rìa, nhưng rất thiếu những người có ý tưởng mới mẻ để giải quyết vấn đề. Đây là văn hóa rất cần được cải thiện trong các tổ chức hiện nay.
Cách suy nghĩ đi tìm chứng cứ, để làm sáng tỏ vấn đề, để trả lời câu hỏi “nó là cái gì” là công việc của các nhà khoa học – còn gọi là convergent thinking, suy nghĩ một cách hội tụ, tập trung vào vấn đề gì đó và đào sâu tận gốc rễ vấn đề, thường bắt đầu bằng câu hỏi Why. Tại sao taxi Mai Linh bị cạnh tranh và ngày càng thu hẹp trước Grab; tại sao Bách Hóa Xanh suy giảm và phải đóng cửa hàng loạt của hàng. Tại sao những đứa trẻ học tiếng Anh không tốt. Tại sao xã hội ngày càng nhiều người bệnh ung thư; tại sao Sài Gòn bị kẹt xe nhiều như vậy,… 5 Whys, biểu đồ xương cá… là những công cụ điển hình của các điều tra viên (investigator) đi tìm nguyên nhân gốc rễ, công việc như những cảnh sát hình sự truy tìm nguyên nhân thực sự (có chứng cứ xác thực) của một vụ án. Công việc của một nhà khoa học như là một cảnh sát hình sự, đặt giả thuyết và truy tìm chứng cứ.
Những công việc truy vết một cách có chứng cứ có giá trị trong nghiên cứu khoa học, điều tra vụ án để biết được đúng sự thật ai đã gây án và động cơ gây án là gì, điều tra được nguyên gốc rễ về sai lỗi, hư hỏng khuyết tất trong quá khứ để tìm giải pháp ngăn chặn trong tương lai, để không xảy ra những sai lỗi đó nữa. Tuy nhiên, những việc này chứa định một vài giả định: quá khứ lặp lại – những thứ gì đó xảy ra ở quá khứ sẽ lặp lại ở tương lại; chúng ta có đủ nguồn lực (con người, phương tiện, tiền bạc và thời gian) để đi tìm chứng cứ.
Chính những giả định này làm cho convergent thinking với câu hỏi Why không phù hợp trong môi trường quản lý và kinh doanh, vốn liên quan đến các quá trình giải quyết vấn đề và ra quyết định thuộc về xã hội và con người. Người làm kinh doanh tạo ra sản phẩm và dịch vụ như là phương tiện để khách hàng giải quyết vấn đề của họ. Người làm kinh doanh phải giải quyết rất nhiều vấn đề trong doanh nghiệp của họ từ vấn đề ở cấp chiến lược đến vấn đề ở cấp vận hành, từ vấn đề công nghệ đến con người. Trọng tâm trong phương pháp suy nghĩ của người làm quản lý kinh doanh là đi tìm giải pháp trong một điều kiện nguồn lực luôn hạn hẹp. Người làm kinh doanh không đủ nguồn lực cho việc đi tìm chứng cứ chỉ để trả lời câu hỏi cái gì là sự thật. Người làm kinh doanh chỉ tập trung vào những suy nghĩ mang tính phán đoán và dự đoán mang tính kịch bản.
Nên, người làm kinh doanh bắt đầu bằng câu hỏi How, làm cách nào để thay đổi hiện trạng – Divergent thinking. Câu hỏi how giúp chúng ta suy nghĩ một cách phân tán, nhìn nhiều hướng khác nhau, mở suy nghĩ một cách đa dạng để tìm giải pháp cho vấn đề. Nhưng trước hết người làm kinh doanh phải tự đặt mình vào bối cảnh của người khác, đặt mình như là người trong cuộc để tập giải quyết vấn đề, cho dù đó không phải là vấn đề của mình. Đó là cách luyện tập cách suy nghĩ, đến khi cần thiết, nó sẽ hình thành phản xạ. Ví dụ: đặt vào vị trí quản lý Bách Hóa Xanh, chúng ta nên làm gì để cải thiện hiện trạng và làm cho nó tốt hơn. Kiểm soát chuỗi cung ứng để hàng hóa an toàn và chất lượng, có nguồn gốc ổn định hơn ngoài chợ; Xây dựng các mô hình tiên lượng để dự báo và dự đoán tốt hơn hành vi khách hàng; xây dựng được các mô hình tối ưu logistics để best-in-class về chi phí; cái gì sẽ được ưu tiên làm trước? vừa dễ làm vừa mang lại hiệu quả cạnh canh cao.
Thử một vài ví dụ khác để thấy sự khác biệt của convergent thinking (why) và divergent thinking (how).
Kẹt xe ở SG. Nếu chúng ta bắt đầu bằng Why, tại sao SG kẹt xe nhiều vậy. Tại vì nhiều xe cá nhân, ít đường…dẫn đến giải pháp sẽ là dẹp xe cá nhân đi, mở rộng thêm đường. Nhưng nếu chúng ta bắt đầu bằng câu hỏi How, có cách nào để có thể làm cho tình trạng giao thông được cải thiện. Có rất nhiều cách, điều phối đèn giao thông hợp lý lúc tan tầm; dải phân cách động để mở rộng hay thu hẹp một chiều đường nào đó một cách linh hoạt; điều tiết giờ làm giờ nghỉ xen kẻ nhau…
Học tiếng Anh. Khi ta bắt đầu bằng câu hỏi Tại sao chúng ta học tiếng Anh dỡ. Tại vì không luyện tập, lười biếng, không dành thời gian để thực hành, nghèo không có tiền, không nhận thức được tầm quan trọng của việc học tiếng Anh…Nhưng khi ta bắt đầu bằng câu hỏi How, làm cách nào để chúng ta có thể học tiếng Anh hiệu quả hơn. Cài phần mềm dạy phát âm tiếng Anh; xem film nghe tin tức, đi làm thêm những cộng việc có nhiều cơ hội giao tiếp…
Khi chúng ta bắt đầu một vấn đề nào đó bằng câu hỏi Why hay câu hỏi How, chúng ta sẽ thấy nó có thể dẫn đến việc hình thành giải pháp khác nhau hoàn toàn. Câu hỏi Why thường dẫn chúng ta đi truy vết tìm chứng cứ rất mất thời gian và nguồn lực nhưng chưa chắc cho chúng ta một giải pháp tốt ở tương lai. Nên câu hỏi Why thường dành cho những việc như điều tra vụ án, điều tra nguyên nhân hàng hóa bị lỗi, nghiên cứu để làm sáng tỏ một vấn đề gì đó và công bố cho người ta biết về nó, đó là công bố khoa học. Giá trị của những thông tin truy vấn từ câu hỏi why tùy thuộc vào chúng ta cần bỏ ra bao nhiêu tiền để có nó. Thường là không đủ tiền, nên rất nhiều vụ án không điều tra được nguyên nhân gốc rễ, và khoa học càng ngày càng đắt đỏ, vì những gì có thể dùng ít tiền để biết được thì hầu như nhân loại đã biết hết rồi.
Trong quản trị kinh doanh, thường câu hỏi How sẽ cho chúng ta những giải pháp đột phá hơn, ngoài sự tưởng tượng và khả thi hơn. Bởi vì nó giúp chúng ta thoát khỏi những lối mòn trong suy nghĩ, thoát khỏi sự lẩn quẩn trong tâm trí, thoát khỏi bối cảnh hiện tại mà tìm đến những hướng tiếp cận khác một cách đầy bất ngờ. Trong cuộc sống ngày nay, cùng một vấn đề có thể có nhiều hướng giải quyết, có những rào cản về chuyên môn, sự hiểu biết làm cho chúng ta thu hẹp gốc nhìn của mình hồi nào không biết. Hãy cho bộ não chúng ta có cơ hội mở rộng phạm vi suy nghĩ bằng cách tìm kiếm lời giải bên ngoài hệ thống tạo ra vấn đề. Giải quyết vấn đề A nhưng không phải thuộc chuyên môn A, mà là một chuyên môn B, C nào đó hiệu quả hơn. Câu chuyện này ngày càng nhiều.
>>> Vài lời cuối.
Một lời khuyên chân thành là các trường đại học bớt dạy cho sinh viên trở thành một nhà khoa học, chỉ <1% sinh viên muốn trở thành nhà khoa học, mà hãy dạy cho sinh viên trở thành người có năng lực giải quyết vấn đề cho cuộc sống xã hội. Nghĩa là dạy nhiều hơn về cách thức để có những suy nghĩ sáng tạo, đột phá. Đặc biệt là người làm kinh doanh, đối diện với các vấn đề xã hội, vấn đề ở tương lai, vấn đề không có tính lặp lại cao, vấn đề mới chưa từng có trong quá khứ ngày càng nhiều.
Một điều trớ trêu là các trường đại học càng ngày càng lệ thuộc vào kiểm định chất lượng, mà bản chất của kiểm định chất lượng là phải để lại chứng cứ cho người ta kiểm, mà muốn để lại chứng cứ thì chương trình và nội dung giảng dạy càng phải bẻ hướng vào vào những thứ có thể đánh giá được dễ dàng (nếu đánh giá cho đúng thì nó tăng chi phí kinh khủng) vô tình dẫn đến tạo ra nền giáo dục khuôn mẫu, phục vụ cho đánh giá, kiểm định nhiều hơn là khai phóng năng lực con người, giải phóng sự suy nghĩ đột phá.
Đương nhiên, kiểm định chất lượng không ai quy định phải dạy cái gì, nhưng với một khối lượng tủ tục hành chánh nặng nề đặt ra càng ngày càng nhiều phục vụ ch việc kiểm định, các thầy cô có xu hướng làm cho nó đơn giản để bớt phiền nên làm y khuôn cho nó lành. Cho nên càng kiểm định chất lượng, càng dẫn đến công nghệ hóa quá trình đào tạo, càng làm cho vai trò khai sáng của người thầy càng giảm, nghĩa là cái ngày AI thay thế người thầy không xa. Vì dạy kiểu chuẩn hóa kiến thức, chuẩn hóa phương pháp đánh giá, chuẩn hóa đầu ra, chuẩn hóa tất cả nhằm phục vụ cho việc đánh giá thì không cần người thầy nữa, chỉ cần một AI là quá đủ!
Một điều trớ trêu, Cốt tủy của Quản lý chất lượng là Cải tiến chất lượng nhưng trong giáo dục phương pháp và cách thức kiểm định chất lượng chả phải cải tiến gì, thậm chí càng ngày càng quan liêu hơn, bày ra nhiều thứ thủ tục hành chánh rườm ra hơn để phục vụ cho việc kiểm tra và đánh giá. Đó là lý do vì sao các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thì nghĩ mình đang làm cho chất lượng giáo dục tốt hơn đấy chứ, nhưng không, nó đang tồi tệ hơn rất nhiều, vì nó đang nhốt người học vào khuôn mẫu hơn bao giờ hết, đi ngược lại hoàn toàn với sứ mệnh giáo dục khai phóng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét