Thứ Hai, 2 tháng 10, 2023

HEALTHCARE NAVIGATOR – Y TẾ XUYÊN BIÊN GIỚI (CROSS-COUNTRIES HEALTHCARE) VÀ ĐIỂM CHẠM TRÊN ĐÁM MÂY (CLOUD TOUCH POINTS)

 Thước đo hiệu quả lâm sàng (clinical efficiency) trong điều trị bệnh tật nằm ở hai giai đoạn: chẩn đoán và điều trị. Chẩn đoán chính xác ngay lần đầu tiên (first time accuracy) và quá trình hồi phục nhanh chóng sau chẩn đón chính xác lần đầu tiên (first time recovery). Cả hai thước đo này nếu đem ra benchmark đều có thể là điểm yếu của y tế Việt. Thực tế bệnh nhân phải đi nhiều nơi, lặp đi lặp lại các xét nghiệm và chẩn đoán cận lâm sàng để tìm kiếm đích thực nguyên nhân gây bệnh là gì. Khi phát hiện ra bệnh chính xác thì tiếp tục vật vả đi tìm nơi điều trị phù hợp, và hầu hết là phải vượt tuyến (trừ khi kiệt quệ). Mặc dù y tế Việt nỗi tiếng với giá rẻ, nhưng xét về tính hiệu quả tổng thể = (hiệu quả chẩn đoán, điều trị) / tổng chi phí), thì coi chừng không rẻ hơn nơi khác. Đặc biệt nếu xét thêm chi phí về THỜI GIAN, mà chi phí này rất khác cho từng người, thì không hề rẻ tí nào.

Điểm yếu này của y tế Việt sẽ bị khai thác triệt để bởi mô hình Healthcare Navigator xuất hiện gần đây trên tại Việt Nam.
Các tập đoàn y tế, tài chính y tế thay vì như trước đây đầu tư trọn vẹn từ A-Z theo từng chiến lược từ tổng quát đến chuyên sâu, góp một phần trong nền y tế Việt. Nay họ thấy làm như vậy sẽ tốn kém, không hiệu quả và gần như không cần thiết nữa. Bởi ở Việt Nam họ chỉ cần đầu tư một chuỗi clinic sang trọng để đón đối tượng tiềm năng. Sau quá trình khám sàng lọc sẽ được các phòng khám này điều hướng trực tiếp sang một bệnh viện chuyên sâu nào đó trong network mà họ đã xây dựng trong và ngoài nước Việt Nam với cam kết đó là địa chỉ phù hợp nhất cho bệnh nhân về cả tính chuyên môn và mức chi phí (họ bán giá trị chuyên gia – expertise value proposition). Chắc chắn đa phần những nơi mà họ điều hướng sẽ là nước ngoài, vì các Center of Excellence của y tế nước ngoài mạnh và rõ nét hơn VN rất nhiều. Đó là một quá trình cross-countries healthcare, trước đây có vẻ khó khăn, nay quá đơn giản từ thủ tục đến phương tiện, nếu bạn có tiền máy bay đậu sẵn Tân Sơn Nhất hay Nội Bài bất cứ lúc nào.
Và cũng không cần đầu tư clinic chi cho phiền phức, tốn kém (xin giấy phép, tuyển người, bla bla...). Với sự phát triển của AI trong chẩn đoán y khoa. Các điểm chạm trên đám mây – một clinic ảo có trụ sở đặt đâu đó ở nước ngoài sẽ yêu cầu bạn cung cấp một số thông tin, cần thiết thì sẽ chỉ định bạn đến một phòng khám nào đó mà họ đã thẩm định ở gần nơi bạn sống nhất (kiểu như bảo hiểm nhân thọ chỉ định) để làm một số xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh... Sau đó, các file số đó sẽ upload vào các APP, các thuật toán AI sẽ đưa ra một số tiên lượng về bệnh lý mà bạn mang trong người (hoặc có expert ngồi đâu đó), và tiếp theo sẽ điều hướng bạn đến nơi đâu trên trái đất này giải quyết tốt nhất, phù hợp nhất, nhanh nhất vấn đề bệnh lý của bạn. Và đương nhiên điểm đến cũng sẽ là các center of excellence ở nước ngoài! Chi phí mà bạn phải trả cho cái APP này cũng sẽ rất thấp, thậm chí miễn phí vì nó sẽ được các center of excellence tài trợ hoặc mang thương hiệu của các CoE này nữa thì quá mạnh!
Về mặt pháp luật, quản lý y tế của một quốc gia sẽ không làm được gì với hai mô hình trên vì tất cả nó dựa trên sự tự nguyện. Càng không thể đưa ra bất cứ biện pháp hành chánh nào cho việc ngăn chặn nó, trừ khi chặn cả internet như Triều Tiên. Viễn cảnh gì sẽ đến cho y tế Việt nếu các mô hình Healthcare Navigator này trợ nên thịnh hành:
- Y tế Việt sẽ chỉ giải quyết các bệnh lý mang tính lây nhiễm và cấp tính. Do không có đủ thời gian để người bệnh di chuyển đi đâu cả.
- Đối tượng đến với y tế Việt sẽ chỉ còn lại những người nương nhờ vào bảo hiểm y tế, nói chung, cho nhiêu xài nhiêu, không có chịu chết! Mà không có đối tượng sẵn sàng chi trả, có khả năng chi trả thì đồng nghĩa xã hội hóa y tế phá sản. Các bệnh viện tuyến dưới tự chủ sẽ phá sản hàng loạt hoặc “chết lâm sàng”. Các bệnh viện tuyến trên có thể còn tồn tại tốt hơn.
- Đặt y tế chuyên sâu của VN vào thế cạnh tranh với y tế chuyên sâu của thế giới một cách trực tiếp. Một cái máy chúng ta mua cao hơn vài lần với xứ người khác mua thì ta cạnh tranh kiểu gì! ở đây, văn hóa lót tay chỉ là một phần trong câu chuyện, cái chính quốc gia nào cũng có tài trợ gián tiếp vào thiết bị y tế, phổ biến nhất là chính phủ đứng ra mua lisence và sharing cho các bệnh viện, nên chi phí giảm rất lớn, VN thì đó chỉ là giấc mơ cho kiếp sau!
>>> Vài lời chân tình
Healthcare Navigator (mà bản chất là AI và internet) đã phà hơi nóng rát da sát mặt vào sự cạnh tranh của ngành y VN (không phân biệt công tư lớn nhỏ…). Bản đồ y tế sẽ được vẽ lại một cách toàn cầu với diện mạo mới là xuyên biên giới và dời lên đám mây hoạt động 24/7 với chi phí không tưởng. Và tất nhiên, nó nằm ngoài bàn tay của Như Lai Phật Tổ thể chế của VN. Chúng ta đâu có gửi công hàm cho nước khác năn nỉ cho chúng tôi một con đường sống được.
Thứ chúng ta còn lại duy nhất chỉ là NĂNG LỰC của mình, không còn và không thể trông chờ vào ơn trên phù hộ độ trì gì nữa cả. Đầu tư vào y tế phải chuyển qua một giai đoạn CHUYÊN SÂU đến mức EXCELLENCE nghĩa là làm cái gì phải thực sự là một Center of Excellence trong nhóm chuyên khoa của mình đã định vị. Để các mô hình navigator không thể forward bệnh nhân ra khỏi Việt Nam được. Bệnh nhân có khả năng chi trả phải ở lại, nhưng không phải ở lại bởi bất cứ can thiệp nào về mặt hành chánh (không có chuyển tiền ra nước ngoài chẳng hạn), mà phải bằng chính sự xuất sắc chuyên sâu của chúng ta. Thậm chí chúng ta hút ngược bệnh nhân từ các nước khác. Nghe có vẻ rất hoang đường, nhưng đó là con đường duy nhất để tồn tại. Một là chúng ta xuất sắc nhất, hai là chúng ta sẽ bị tiêu diệt.
Bệnh nhân không có khả năng chi trả, đương nhiên cũng không đi đâu được. Trước giờ ngành y xem nhóm này là gánh nặng. Nhưng chúng ta phải nhìn họ như nguồn lực. Ở đâu có bệnh tật, ở đó có tri thức y khoa. Ở đâu có tri thức y khoa, ở đó có phát minh sáng chế và bán được thành tiền. Ấn Độ đã xác lập chiến lược là nhà máy sản xuất thuốc trên thế giới, sắp tới sẽ là nơi có chi phí nghiên cứu phát triển thuốc rẻ nhất thế giới. Sâu chuỗi lại toàn bộ quá trình từ R&D đến sản xuất & phân phối, không đâu trên trái đất này làm ra viên thuốc có chi phí thấp như Ấn Độ. Nhìn lại kho thuốc của bệnh viện bạn thử xem, có phải gần 60% là thuốc Ấn Độ không?
Người Việt thường tự hào học giỏi, thi thố Olympic ỳ đùng rạng danh nhưng làm ra tiền từ trí tuệ thì hết sức lơ mơ, lờ mờ, ù ờ. Các quốc gia thì chả cần thi thố chi cho mệt, miễn dùng trí tuệ làm ra tiền được là được. Thước đo cuối cùng của một quốc gia là có dùng trí tuệ làm ra tiền được hay không, không làm được, tất cả bằng cấp, danh hiệu …cũng chỉ ngồi tự sướng với nhau cho vui!
Chúc thành công.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÃNH ĐẠO VỚI MỘT SỨ MỆNH

Để dẫn dắt và tạo niềm tin với những con người đồng hành trên một con đường dài, nếu chúng ta không có một sứ mệnh có ý nghĩa, chúng ta sẽ đ...

Most Viewed