Thứ Hai, 2 tháng 10, 2023

TỪ KINH NGHIỆM CÁ NHÂN ĐẾN TRI THỨC TỔ CHỨC

Kiến thức học trong trường đại học chỉ là nền tảng, nó không đủ cho bất kỳ ai sống đến trọn đời, nó chỉ chúng ta một ít kiến thức chuyên môn cơ bản nào đó và một chút địa vị xã hội để tự tin bước vào cánh cửa cuộc đời. Ở những quốc gia bị ảnh hưởng bởi Nho giáo ngàn năm như VN, không có tấm bằng thật sự là một khó khăn khi vào cửa cuộc chơi. Người ta sẽ không cần nghe bạn nói gì, người ta chỉ hỏi bạn có bằng gì trước rồi mới nghe, hóa ra người ta nghe cái bằng nhiều hơn nghe bạn, nên bán bằng là thứ kinh doanh phổ biến vì nhu cầu quá cao. Từ đó, không ít người nhầm lẫn, miễn sao có cái bằng rồi xài cả đời cho nó khỏe, muốn phán gì phán, muốn nói gì nói, biết hết biết tuốt! Một lời khuyên chân tình, hãy quên chuyện đó đi, nếu bạn muốn phát triển thực sự năng lực của mình và kiếm được nhiều tiền hơn bằng chính năng lực đó. Nghĩa là phải học thật, làm thật, để cái bằng nó phải ánh đúng, xứng đáng với năng lực thật của bạn.

Kinh nghiệm được xem như là một sự chịu khó rèn luyện, sự sáng dạ, sự tự học của mỗi người: khả năng quan sát, nhiều lần thử sai, tích lũy những bài học trong quá trình thực hành, tương tác, những ý tưởng nảy nở trong quá trình suy tư, trăn trở, thảo luận, phản biện với người khác, tìm tòi kiến thức, thông tin từ nơi khác, vận dụng một cách thông minh…. Trước giờ kinh nghiệm được xem như một tài sản cá nhân. Tui chịu khó học hỏi, tui thông minh hơn người khác, tui đánh đổi nhiều thứ mới có được kinh nghiệm này. Mắc mớ gì tui phải chỉ không cho người khác, tại sao họ không học, họ không làm gì hết, tui làm gần chết giờ bắt tui đi chỉ cho họ không không như thế, phải trả tiền tui mới chia sẻ….bla bla…Dân gian có câu “thà cho tiền, không ai chỉ đàng làm ăn”, ý nói tuyệt chiêu và bí kíp là quan trọng và phải giữ kỹ.
Trước năm 1980, khoa học quản trị xem tri thức tổ chức bằng một phép cộng tri thức cá nhân. Chúng ta làm sao có được những cá nhân xuất sắc trong từng lĩnh vực về ngồi đó là chúng ta sẽ ngon lành, ngủ một đêm thức dậy chúng ta sẽ có năng lực bằng với tổ chức đã phát triển cả trăm năm. Thế nên, dịch vụ săn đầu người rất thịnh hành ở giai đoạn đó. “Đi tắt đón đầu” đồng nghĩa “mạnh vì gạo bạo vì tiền”. Xuống tiền gom quân là “công thức” thần thánh của kinh doanh ở giai đoạn này. Nhưng tiền đâu để xuống thì “sách” không có nói! Vì vậy nó dẫn đến hai hệ lụy:
(1) doanh nghiệp trở nên là nơi màu mỡ cho các tổ chức đen rửa tiền. Bơm tiền, gom quân, đánh bóng tên tuổi, bán, tiền bẩn thành tiền sạch thơm tho nức tiếng…Sau giai đoạn này luật chống rửa tiền ở các quốc gia bùng nổ, sợ quá, ở đâu mấy cha tiền nhiều quá, rửa tiền ngon quá khác nào thúc đẩy thế giới ngầm, tham nhũng, xã hội đen lộng hành;
(2) quản trị một tổ chức không đơn giản như kết nối một đội bóng tập dượt phối hợp sở trường sở đoản…tổ chức muốn tồn tại phải cạnh tranh hàng ngày, phải tạo ra những năng lực cạnh tranh mới, phải đối diện và giải quyết nhiều vấn đề phát sinh. “Người tài” vào ngồi đó vài ba bữa, đi vào đi ra, xài một mớ tiền làm này nọ, thu hút được ít khách hàng. Xong, tiền bỏ ra rất nhiều nhưng không một năng lực mới nào được sản sinh. Khách hàng kiếm về hôm nay đâu phải là suốt đời. Trong kinh doanh ngày nay, thứ mà ít bền vững nhất là “lòng trung thành của khách hàng”. Vậy thì làm sao phát triển tiếp. Lại đánh bóng thương hiệu bán tiếp. “Người tài” ngồi đó vài ba bữa thui chột năng lực, hoặc chán bỏ đi, hoặc xoay qua quánh lộn giành ghế để không cần phải làm gì mà tiền vô như nước…bán danh tiếp!
Thế giới quản trị đã tỉnh ngộ với khái niệm “Người tài từ đất nẻ chui ra, hút khí trời mà thần thông quảng đại”, “Năng lực xây một lần và xài cả đời – bán danh không thể bán cả đời được” và đặc biệt càng tỉnh ngộ rằng TIỀN NHIỀU CHỈ MUA ĐƯỢC CON NGƯỜI, KHÔNG MUA ĐƯỢC NĂNG LỰC CẠNH TRANH CHO TỔ CHỨC, CÀNG KHÔNG GẦY DỰNG ĐƯỢC NĂNG LỰC CHO SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG. Mỗi tổ chức có những định hướng phát triển khác nhau, xây để bán hay xây để trường tồn, từ đó cách tổ chức thu hút và bồi tụ năng lực cũng sẽ khác nhau. Vấn đề là “nồi nào úp vun đó”, “mã tầm mã, ngưu tầm ngưu”, tùy vào sự lựa chọn “ăn xổi” hay “bền vững” của mỗi người chúng ta.
Trong suốt cuộc đời này, 80% những gì chúng ta học được là từ xã hội và tổ chức, nơi nuôi nấng và tạo cho chúng ta một điều kiện để tiếp cận được tri thức. Chúng ta có cơ hội thực hành, có cơ hội trao đổi, chia sẻ, phân tích, lao vào những công việc phức tạp, mới, thách thức,…tất cả những cơ hội học tập đó là do tổ chức mang đến cho chúng ta. Ngay cả lúc tổ chức khó khăn cũng là lúc nó tạo cho chúng ta cơ hội học tập vô giá. Do vậy, việc chúng ta học được cái gì, nhanh hay chậm, rất phụ thuộc vào sứ mệnh của tổ chức. Nếu một tổ chức đặt nặng kiếm tiền nhanh dựa trên buôn chuyến, đầu cơ, ăn xổi, lừa đảo, chiêu trò cướp bóc, tranh thủ đặc quyền đặc lợi bốc hốt, làm để bán….thì đương nhiên chúng ta cũng sẽ trở thành một “cao thủ” mà ai gặp cũng phải thắp ba cây nhang cúng vái… mong chúng ta để họ yên. Nếu tổ chức đó có sứ mệnh giải quyết những bài toán khó cho con người dựa trên năng lực nội sinh trí tuệ thì chúng ta cũng sẽ trở thành một người có năng lực vượt trội mà ai cũng cần, đi đến đâu cũng được mong đợi.
Không một tổ chức nào có thể phát triển bền vững nếu không tự tạo được trí tuệ, tri thức phục vụ cho bài toán cạnh tranh. Nếu tri thức gì cũng đi mua hết thì làm cho chúng ăn. Lý do rất đơn giản, áp lực cạnh tranh đòi hỏi phải sản sinh tri thức mới liên tục. Doanh nghiệp không thể có vài ba bí kiếp mà xài cả đời được. Doanh nghiệp phải có năng lực sản sinh tri thức mới liên tục. Doanh nghiệp có thể to, thương hiệu có thể nổi tiếng, nhưng tri thức nội sinh không có, khả năng sản sinh tri thức mới không có, nó có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, và sống chủ yếu phải dựa vào chính trị (mua chuộc chính sách để đè bẹp đối thủ mạnh hơn, gián tiếp làm lụn bại them quốc gia). Con người cũng vậy, cũng đến rồi đi như cái chợ, vì vậy hôm nay kiếm được tiền, ngày mai có kiếm được nữa không thì không biết được nếu như không học hỏi liên tục năng lực mới!
Cá nhân và tổ chức là một sự cộng sinh về trí tuệ. Kinh nghiệm của chúng ta có chỉ là một phần nhỏ, ngắn hạn, nhanh chóng lỗi thời. Chúng ta mang kinh nghiệm sẵn có đến với một tổ chức, hòa vào nó, và cùng nó sản sinh ra cái mới, đó mới là con người cho sự cộng sinh để trường tồn. Tổ chức ngày nay được xem như là một hệ sinh thái cho học tập trọn đời. Các thiết chế quản trị của tổ chức được thiết kế MỞ để thu hút, trao đổi và chia sẻ tri thức một cách mạnh mẻ từ bên ngoài lẫn bên trong sao cho hiệu suất sản sinh tri thức là cao nhất. Sự vị kỷ của con người hay tổ chức là một rào cản cho sự phát triển tri thức, càng muốn giữ thì nó càng mất. Càng cởi mở thì nó càng tích tụ nhiều. Bởi sự cởi mở thúc đẩy qua trình giao lưu, quá trình chia sẻ từ đó tạo ra sự tương tác công sinh, sản sinh tri thức mới nhiều hơn.
Quản trị tri thức hiện đại ngày nay là quản trị một tổ chức mở, ranh giới giữa tổ chức – tổ chức, tổ chức – trường đại học, viện nghiên cứu ngày càng mờ dần, ranh giới địa lý, ranh giới chính trị... gần như bằng không. Chúng ta quản làm sao được mà quản trong thời đại thông tin này, quản được thân xác chứ làm sao mà quản được tâm hồn hay trí tuệ. Việc chúng ta cần làm là xây dựng một thể chế cởi mở cho quá trình giao lưu đó, đồng thời giáo dục ý thức trách nhiệm với tổ chức, bên cạnh đó cũng dần chuyên nghiệp hóa trong việc phân định tài sản trí tuệ của tổ chức một cách minh bạch rõ ràng ngay từ đầu. Cái thể chế phải đảm bảo được sự công bằng trong việc đo lường, tưởng thưởng, vinh danh cho sự đóng của vào cái chung. Điều ngớ ngẫn nhất của đất nước VN này là cào của chung ra xài cho cá nhân mà còn được vinh danh nữa. Thể chế như vậy chỉ thúc đẩy tạo ra nhiều kẻ cướp chứ không tạo ra người đóng góp. Nói đi thì cũng nói lại, vai trò của tổ chức trước hết là tạo hệ sinh thái và thiết kế thể chế quản trị tốt, chứ không phải lấy cái tên cho oai, dựa hơi, rồi một số người ngồi ăn tiền xâu như chủ sòng, không khác gì bảo kê.
>>> Vài lời cuối
Tổ chức kinh doanh ngày nay đòi hỏi một năng lực cốt lõi cho phát triển bền vững đó là năng lực nội sinh tri thức. Muốn vậy phải xây dựng cho tổ chức mình một khả năng học tập liên tục bằng những việc sau:
- tạo ra văn hóa học tập, tạo điều kiện cho học tập, xây dựng thể chế khuyến khích học tập, và đương nhiên là một thể chế để lưu giữ, kế thừa, công nhận tri thức mới do tổ chức sinh ra một cách minh bạch rõ rang, không cả nể tế nhị gì cả.
- mỗi nhân viên khi bước chân vào làm việc cần được giáo dục một giá trị “một ngày nào đó bạn có thể ra đi, nhưng làm ơn ngay ngày hôm nay tri thức tổ chức cần được lưu giữ, vì đó là của rất nhiều người, do vậy chia sẻ tri thức là hoạt động bắt buộc và hiển nhiên ở tổ chức này”, nếu bạn nghĩ rằng tất cả là của tui, chỉ có mình tui tạo ra tất cả, tui không muốn chia sẻ nó cho ai, dạ xin mời bạn đi ngay lập tức.
- gỡ bỏ tất cả rào cả giữa các bộ phận, giữa các tổ chức để việc giao lưu tri thức được thuận tiện nhất, đừng vai vế đẳng cấp sang hèn, nông thôn thành thị gì ở đây hết, trời ạ.
- thúc đẩy quá trình giải quyết vấn đề trong tổ chức, vấn đề phức tạp, vấn đề mới, vấn đề của khách hàng, vấn đề trong cạnh tranh, …tất cả là cội nguồn của tri thức tổ chức.
- giáo dục về đồng tiền, bằng cấp và sự phát triển bền vững, trường tồn, giáo dục giá trị xây dựng và kế thừa, việc này đáng ra nền giáo dục quốc gia phải làm, bởi đó là cốt lõi của loài người, nhưng thôi, họ bận lo chuyện khác gì rồi (hình như lo in sách giáo khoa, lo giấy, lo mực rất vất vả, thương thật!), nên thôi ta phải làm thôi, không thì nó phá nát tổ chức chúng ta.
Tất cả những điều này sẽ giúp chúng ta sàng lọc “đúng người” cho sự phát triển, và nhường “ai đó tài năng” cho đối thủ của chúng ta, điều đó sẽ giúp chúng ta không cần phải làm gì, tự trong nội bộ của đối thủ suốt ngày chả ai lo làm gì, chỉ lo quánh lộn giành ăn, tự suy kiệt rồi tàn lụi.
Sàng lọc và thu hút đúng người chịu học, chịu làm, cầu tiến, cầu thị, chịu dấn thân + tạo dựng môi trường học tập sáng tạo, thể chế kích hoạt, môi trường văn hóa nuôi dưỡng + tạo điều kiện sẵn sàng chia sẻ cởi mở, sẽ phát triển tổ chức bền vững hơn là suốt ngày chạy theo danh vọng để rước về “người tài” nhưng đóng góp thì ít, đòi hỏi thì nhiều (tui tài lắm, nhưng anh phải có nhiều tiền tui mới phát huy cái tài được, má ơi lấy đâu ra!), phá rối tổ chức nhiều hơn là đóng góp cho nó phát triển, chuyện này gặp hơn bị nhiều đấy ạ!
Chúc thành công.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÃNH ĐẠO VỚI MỘT SỨ MỆNH

Để dẫn dắt và tạo niềm tin với những con người đồng hành trên một con đường dài, nếu chúng ta không có một sứ mệnh có ý nghĩa, chúng ta sẽ đ...

Most Viewed